Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 23:33 (GMT +7)
Kẹo lạc hồng Tiên Yên - món quà hấp dẫn dịp Tết
Chủ nhật, 23/01/2022 | 14:57:17 [GMT +7] A A
Dẻo, ngọt mà không gắt, thơm và bùi... là bí quyết hấp dẫn thực khách ở sản phẩm kẹo lạc hồng Tiên Yên. Đây là sản phẩm nức tiếng của vùng đất Tiên Yên, vừa là sản phẩm OCOP được ưa chuộng trong và ngoài tỉnh.
Kẹo lạc hồng Tiên Yên có từ lâu đời, xưa thường xuất hiện trong các dịp giỗ chạp, cưới hỏi, lễ tết bởi sắc đỏ hồng tượng trưng cho niềm vui, may mắn. Nay kẹo lạc hồng được quan tâm đầu tư, cải tiến để sản phẩm được nhiều người ưa chuộng, đi xa hơn.
"Là nghề truyền thống lâu đời, tôi cũng không biết nghề này có từ bao giờ, chỉ biết, các thế hệ trước truyền cho bố mẹ rồi bố mẹ truyền lại. Tôi được nghe kể trước đây nghề này vốn xuất phát từ những người thợ làm bánh, kẹo thương nghiệp thời bao cấp. Tôi bắt đầu nối nghiệp và làm kẹo cùng gia đình từ những năm 1986 cho tới nay. Cùng với bí quyết, truyền thống, kẹo của gia đình ngày càng được cải tiến, sáng tạo để ngon hơn, đẹp hơn" - bà Vũ Thị Liên, chủ cơ sở sản xuất kẹo lạc hồng Thanh Liên (phố Lý Thường Kiệt, thị trấn Tiên Yên), một trong những hộ sản xuất kẹo lạc hồng lâu đời ở Tiên Yên kể.
Kẹo lạc hồng Tiên Yên từ lâu đã trở thành món quà nhỏ, góp phần vào gói quà Tết bắt mắt với màu đỏ ngọc như thạch lựu. Kẹo lạc hồng gây thiện cảm bởi vị ngọt thanh, bùi, ngậy của lạc, thơm của mạch nha, dẻo mà không dai, không dính răng.
Theo bà Liên thì để kẹo có màu và hương vị vậy, phải cần đến sự tỉ mỉ từ khâu chọn nguyên liệu đến kinh nghiệm trong từng khâu chế biến. Nguyên liệu chính làm kẹo gồm lạc, đường trắng, mạch nha và cần phải lựa chọn cẩn thận các nguyên liệu như lạc loại 1, ngon, hạt to, mẩy, được trồng tại địa phương; đường trắng ngon và đặc biệt mạch nha làm từ bột dong riềng Tiên Yên vừa dẻo, vừa thơm hơn hẳn nha từ bột khoai và các loại bột khác. Ngoài ra để tăng vị thơm cho kẹo có thể cho thêm vani.
Mặc dù được hỗ trợ nhiều bởi máy móc nhưng quy trình nấu kẹo vẫn chủ yếu thủ công và phụ thuộc rất nhiều vào tay nghề, kinh nghiệm người nấu. Đầu tiên, lạc được rang chín vừa độ để giữ được vị bùi, mùi thơm, độ giòn đặc trưng rồi nghiền hoặc cho vào máy làm vỡ nhỏ.
Sau đó là công đoạn hòa bột, mạch nha, đường và màu thực phẩm vào nước theo đúng tỷ lệ. Hỗn hợp này được nấu đến khi chín, quánh lại, rồi thêm lạc, màu vào đánh đều rồi giàn ra khay tạo hình.
Bà Liên cho biết, trước đây, giai đoạn này kỹ năng của người thợ nấu kẹo rất quan trọng bởi càng đánh được đều tay thì màu càng đẹp, kẹo càng dẻo, càng ngon. Nay việc đánh kẹo làm bằng máy nhưng cũng cần căn thời gian hoặc quan sát cho tới khi hỗn hợp kẹo sánh đặc lại, đổi thành màu sậm là đưa ngay ra ngoài.
Tuy nhiên để có kẹo ngon, hương vị riêng thì việc chia tỷ lệ nha và đường của mỗi nhà theo bí quyết riêng. Đây cũng là yếu tố giữ lạc và kẹo được hạn dùng trong vòng 2 tháng.
Sau khi giàn hỗn hợp kẹo ra khay thì để khoảng 2 tiếng cho nguội rồi dùng dao, thước cắt kẹo thành từng viên nhỏ bằng ngón tay cái. Viên kẹo hồng hào, dẻo, thơm mùi mạch nha, bùi vị lạc và được bọc giấy bóng kính để lộ sắc hồng đẹp mắt.
Để nâng cao chất lượng, sản phẩm, gần đây việc sản xuất kẹo lạc hồng đã được các cơ sở đầu tư, trang bị các loại máy đóng gói kẹo, máy đánh đảo... Kẹo lạc hồng đã trở thành món quà nhỏ dịp Tết, được người tiêu dùng trong tỉnh ưa thích, thậm chí đã vươn ra thị trường tỉnh ngoài như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Tiên Yên... Kẹo không chứa chất bảo quản nên thời gian sử dụng chỉ trong vòng 60 ngày.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()