Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:49 (GMT +7)
Kết nối hỗ trợ tiêu thụ nông sản mùa dịch
Thứ 7, 19/06/2021 | 11:15:38 [GMT +7] A A
Thời điểm này đang vào vụ thu hoạch chính của nhiều loại trái cây, như vải thiều, mận, xoài, mít v.v.. Tuy nhiên, khác với mọi năm, năm nay khi nhiều loại trái cây chín rộ, vào vụ thu hoạch cũng là thời điểm dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, số ca dương tính được phát hiện luôn ở mức 3 con số, điển hình là tại tâm dịch Bắc Giang. Trong khi đó Bắc Giang lại là vựa vải thiều lớn của cả nước. Vì vậy, việc tiêu thụ vải của người nông dân gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại do việc kiểm soát người và phương tiện, đặc biệt là các thương lái hết sức chặt chẽ để phòng, chống dịch lây lan...
Để tháo gỡ khó khăn cho người nông dân trong việc tiêu thụ nông sản, từ ngày 5-14/6/2021, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh kết nối tiêu thụ hơn 73 tấn vải thiều Bắc Giang. Hoạt động hỗ trợ này đã được Cục Quản lý thị trường tỉnh tổ chức triển khai bài bản, sáng tạo nên đã thu hút, tạo được sự hưởng ứng tham gia tích cực của nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, đơn vị đã sáng tạo trong việc phối hợp với Sở Công Thương, Bưu điện tỉnh và các cơ quan, doanh nghiệp, địa phương để tranh thủ huy động tối đa trang thiết bị, phương tiện và nguồn lực tập trung cho việc tiêu thụ vải. Nhờ vậy số lượng vải thiều Bắc Giang được tiêu thụ trên địa bàn tỉnh đã vượt kế hoạch đề ra từ ban đầu, góp phần gỡ khó, giải tỏa lo lắng cho người trồng vải Bắc Giang - địa phương tiếp giáp với Quảng Ninh...
Ngay sau khi hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang trên địa bàn tỉnh, những ngày này, Hội Nông dân tỉnh lại đứng ra kêu gọi các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh tiêu thụ mận hậu của tỉnh Sơn La bằng việc thông tin sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia hỗ trợ tiêu thụ mận thông qua chương trình “Kết nối nông sản - San sẻ yêu thương - Vượt qua đại dịch”.
Mận hậu Sơn La được trồng chủ yếu tại các huyện Yên Châu, Mộc Châu với diện tích hơn 9.000 ha. Do phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nên cây mận hậu ở Sơn La phát triển tốt, cho năng suất cao. Đặc biệt, với việc áp dụng quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP, nên mận hậu Sơn La có chất lượng ngon, ngọt, giòn. Hiện tại, mận hậu Sơn La đang vào mùa chín rộ, cần được thu hoạch để đảm bảo chất lượng tốt nhất. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên thị trường tiêu thụ mận gặp nhiều khó khăn, bị thu hẹp, trong khi số lượng mận thu hoạch mỗi ngày lên đến hàng ngàn tấn, nhưng mức tiêu thụ rất chậm.
Với vai trò là cầu nối, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Hội Nông dân Sơn La đứng ra kêu gọi các cấp, các ngành, địa phương, hội viên, người lao động trên địa bàn tỉnh hỗ trợ tiêu thụ mận hậu Sơn La, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người nông dân. Được biết, ngay trong ngày đầu kêu gọi đã có gần 10 tấn mận được đăng ký tiêu thụ. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng trong việc tiêu thụ nông sản cho nông dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp...
Trên đây là việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân ở tỉnh ngoài. Còn trên địa bàn Quảng Ninh hiện nay cũng có nhiều loại nông sản cũng cần được đẩy nhanh tiến độ tiêu thụ trong bối cảnh dịch bệnh khó thu hút được thương lái ở tỉnh ngoài vào thu mua. Và mặc dù việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh chưa đến mức quá gay gắt, tồn đọng không nhiều, đa số đã có thị trường tiêu thụ ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn một số nông sản, đặc biệt là sản phẩm vải thiều (tập trung nhiều ở TX Đông Triều) gặp khó khăn trong tiêu thụ và dự báo tới đây khi quả na vào vụ thu hoạch chính cũng sẽ khó tìm được đầu ra cho sản phẩm này. Điều này dễ dẫn đến tình trạng “được mùa, mất giá”, gây thua thiệt cho người trồng.
Để tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ quả vải thiều, nhất là khi vải chín rộ, nhiều hộ nông dân đã tiến hành sấy khô để bảo quản được lâu dài. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, không mang tính lâu dài.
Vì vậy, để phát triển các sản phẩm nông nghiệp là thế mạnh của địa phương, tỉnh và ngành chức năng và các địa phương trước hết cần đảm bảo sản xuất, trồng trọt theo đúng quy hoạch, không chạy theo phong trào, làm tự phát, sản xuất theo kế hoạch, nhu cầu thị trường. Đặc biệt cần chú trọng khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch để nâng cao giá trị. Đồng thời tăng cường kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ ở cả trong và ngoài nước. Đặc biệt, cần tránh tư tưởng, tình trạng khi khó khăn lại kêu gọi “giải cứu” như đã từng diễn ra với nhiều loại nông sản thời gian qua. Làm được như vậy mới đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, ổn định, kể cả khi phải đối mặt với những bất lợi do thiên tai, dịch bệnh...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()