Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:11 (GMT +7)
"Công tác đền ơn đáp nghĩa ngày càng đi vào chiều sâu"
Thứ 2, 25/07/2022 | 13:54:10 [GMT +7] A A
Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 (1947-2022), phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phỏng vấn ông Vũ Quang Trực, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH (ảnh) về công tác đền ơn đáp nghĩa.
- Qua quá trình thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, ông đánh giá tình hình đời sống người có công của tỉnh có chuyển biến như thế nào?
+ Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, công tác chăm lo đời sống người có công với cách mạng luôn được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng. Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 12.500 người có công và một số đối tượng đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định của Chính phủ với tổng kinh phí trên 2,6 tỷ đồng.
Với quan điểm "tất cả người có công với cách mạng đều được hưởng đúng, đầy đủ chính sách và có đời sống ngày được nâng cao", các chế độ, chính sách đối với người có công và thân nhân của họ đã được tỉnh chi trả đầy đủ, kịp thời theo quy định. Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" được cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm và có sự phối hợp tốt của các cấp, ngành, đoàn thể xã hội.
Bên cạnh đó, chính sách đối với người có công, thương binh, gia đình liệt sĩ còn được quan tâm thực hiện trong việc ưu tiên đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; điều dưỡng sức khỏe, phục hồi chức năng... Sự quan tâm về mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần của cả xã hội đã giúp các gia đình người có công đang hưởng trợ cấp hằng tháng có mức sống trung bình trở lên so với mức sống của dân cư nơi cư trú.
- Bên cạnh những chính sách chung của Nhà nước, tỉnh Quảng Ninh có chính sách riêng thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với người có công với cách mạng, thưa ông?
+ Ngoài chế độ chính sách theo quy định của Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh cũng ban hành nhiều chính sách riêng có, như: ưu đãi riêng, sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách của địa phương để thực hiện hỗ trợ, ưu đãi cho các đối tượng người có công với cách mạng trên địa bàn. Điển hình như: Hỗ trợ học tập cho con liệt sĩ, con thương binh nặng đang theo học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề; hỗ trợ thêm cho người có công đi điều dưỡng hằng năm với mức 1,4 triệu đồng/người khi thực hiện điều dưỡng tập trung và 700.000 đồng/người khi điều dưỡng tại gia. Đặc biệt, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đã phát huy hiệu quả, hỗ trợ hàng trăm hộ gia đình người có công với cách mạng được xây mới, sửa chữa nhà ở. Từ năm 2013 đến nay, Quảng Ninh đã hỗ trợ nhà ở cho gần 10.000 gia đình có công với tổng kinh phí trên 300 tỷ đồng, trong đó hơn 100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.
- Xin ông chia sẻ thêm về việc xã hội hóa thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa" ở tỉnh thời gian qua?
+ Công tác xã hội hóa thực hiện phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, phụng dưỡng mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn tỉnh được các đoàn thể, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và người dân tích cực tham gia, hưởng ứng. Các hoạt động thăm hỏi, tặng quà người có công và thân nhân vào dịp Tết Nguyên đán, 27/7 hằng năm được các ngành, địa phương, doanh nghiệp quan tâm thực hiện kịp thời với nhiều hoạt động, việc làm thiết thực. Nhiều doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị đã tích cực vận động, xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của tỉnh như: TKV và các đơn vị thành viên, Tổng Công ty Đông Bắc, Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn Vingroup... Qua đó đã và đang đưa đời sống của người có công, thân nhân của họ có mức sống ngày càng tốt hơn.
- Công tác này cần được triển khai mạnh mẽ hơn nữa thời gian tới, thưa ông?
+ Để công tác chăm sóc thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng đạt hiệu quả tốt hơn và ngày càng đi vào chiều sâu, trước hết các cấp, ngành cần thực hiện đúng, đầy đủ chế độ, chính sách với người có công. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng đồng xã hội trong quan tâm chăm sóc người có công với cách mạng; nghiên cứu, xây dựng thêm các cơ chế, chính sách về giáo dục, đào tạo, y tế, vay vốn phát triển kinh tế… để người có công và thân nhân của họ vươn lên, có cuộc sống ngày càng ấm no hơn; huy động mọi nguồn lực, phát triển và sử dụng hiệu quả Quỹ Đền ơn đáp nghĩa.
Cùng với đó là kịp thời biểu dương, khen thưởng những tấm gương thương binh, bệnh binh chiến thắng bệnh tật, vượt khó vươn lên, tiếp tục có nhiều đóng góp cho xã hội để nhân rộng, lan tỏa những hình ảnh đẹp về người có công với cách mạng. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Các cấp, ngành, địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc chi trả, giải quyết chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng tại địa phương, cơ sở.
- Xin cảm ơn ông!
Nguyên Ngọc (thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()