Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 20:53 (GMT +7)
Khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32
Thứ 3, 19/12/2023 | 11:21:20 [GMT +7] A A
Sáng 19/12, tại Hà Nội, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 đã khai mạc trọng thể dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo toàn diện hội nghị.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Tô Lâm, Bộ trưởng Công an; Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh dự trực tuyến tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh; Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Cùng dự hội nghị còn có các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Lê Minh Hưng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Hoài Trung, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; các đồng chí: Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước; Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng là lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Ủy viên dự khuyết Trung ương đảng, lãnh đạo các địa phương, lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu Việt Nam cùng dự trực tiếp tại Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến.
Về phía Bộ Ngoại giao, có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; các đồng chí nguyên Bộ trưởng Ngoại giao; các Thứ trưởng Ngoại giao; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao, các Đại sứ, Trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao.
Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 và Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21 diễn ra trong bối cảnh thế giới đang trải qua những biến động lớn, xuất hiện những vấn đề ngoài dự báo, khó khăn, phức tạp hơn trước.
Nổi lên là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt hơn, xung đột Nga-Ukraine, chạy đua vũ trang, biến đổi khí hậu, an ninh mạng... Cách mạng công nghiệp 4.0 tiếp tục mở ra cơ hội phát triển nhanh, bền vững song cũng đặt ra thách thức ngày càng lớn về nguy cơ tụt hậu nếu không bắt kịp nhịp độ phát triển của công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Trong khi đó, Việt Nam đã hoàn thành nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đang nỗ lực đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, khắc phục các hệ lụy của đại dịch Covid-19. Các ngành, các cấp đang thực hiện đánh giá, tổng kết công tác giữa nhiệm kỳ, đề ra phương hướng, biện pháp hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ Đại hội XIII.
Năm 2023, ngành Ngoại giao bước sang giai đoạn phát triển mới, khắc phục và vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ đối ngoại, đồng thời xây dựng, củng cố, phát triển ngành Ngoại giao theo hướng vững mạnh, chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Trong bối cảnh đó, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 và Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21 là dịp để ngành Ngoại giao tập trung đánh giá, sơ kết 3 năm thực hiện đường lối đối ngoại Đại hội XIII, 2 năm thực hiện các kết luận, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bộ Ngoại giao tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần thứ nhất, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 và Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 (tháng 12/2021); tổng kết kết quả thực hiện Chương trình hành động Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31.
Hội nghị cũng đánh giá, dự báo những vấn đề lớn, chuyển biển mới và chiều hướng phát triển của cục diện thế giới, khu vực; trên cơ sở đó nhận diện cơ hội, thách thức đối với triển khai các nhiệm vụ của ngành.
Bằng phát huy trí tuệ tập thể, khuyến khích đổi mới sáng tạo, tiếp thu ý kiến trong Bộ Ngoại giao và của các ban, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, Hội nghị sẽ đề ra những phương hướng, giải pháp nhằm đẩy mạnh, triển khai hiệu quả công tác đối ngoại, xây dựng ngành từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho ngành Ngoại giao.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()