Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 02:30 (GMT +7)
Khai thác giá trị văn hoá đồng bào dân tộc thiểu số sao cho hiệu quả?
Chủ nhật, 23/06/2024 | 07:14:53 [GMT +7] A A
Khai thác các giá trị văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số cho du lịch là cách làm mà nhiều địa phương, đơn vị đang triển khai. Trong số đó, không ít sản phẩm du lịch mới theo định hướng phát triển của năm nay cũng đi theo hướng này, góp phần đa dạng hoá sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu của các dòng khách đến với Quảng Ninh…
Mô hình “3 lợi ích”
Khởi động từ mùa Đông năm 2023, không gian bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống dân tộc Tày tại khu du lịch Quảng Ninh Gate được hiện thực hoá từ sự phối hợp của doanh nghiệp và nhóm khoảng 20 nghệ nhân Tày ở xã Tràng Lương (Đông Triều). Không gian này được kiến tạo dựa trên ngôi nhà sàn của dân tộc Tày đã được doanh nghiệp đưa từ khu vực vùng cao phía Bắc nước ta về đây từ năm 2018. Đơn vị kết hợp cùng các nghệ nhân đã trang trí, tái hiện lại không gian sống theo phong tục truyền thống của người Tày, từ nơi thờ cúng, nơi ngủ, gian bếp cũng như đưa vào trưng bày các công cụ lao động, tái hiện các sinh hoạt văn hoá, trò chơi dân gian của đồng bào.
Theo đó, du khách tới đây không chỉ được tham quan không gian sinh động, rực rỡ sắc màu văn hoá dân tộc Tày mà còn có thể trải nghiệm cách bà con đốt lửa nướng ngô, khoai, làm các loại bánh truyền thống, xem biểu diễn hát then, chơi đàn tính, cùng nhảy sạp, ném còn…
Chị Nguyễn Thị Trang, Giám đốc Khu du lịch Quảng Ninh Gate, chia sẻ: Đông Triều có hơn chục dân tộc thiểu số nhưng người Tày chiếm tỉ lệ cao nhất, vào khoảng 50%. Vì vậy, chúng tôi chọn tái hiện lại không gian văn hoá dân tộc Tày, qua đó góp phần bảo tồn, lan toả các giá trị văn hoá riêng của đồng bào tới du khách. Việc này hướng tới 3 lợi ích, cho cả người dân, du khách cũng như doanh nghiệp. Không gian này là một trong những điểm nhấn của Quảng Ninh Gate, cùng với các nhóm dịch vụ thuộc không gian văn hoá đồng bằng Bắc Bộ, nhóm dịch vụ vui chơi giải trí thì du khách tới đây rất hào hứng trải nghiệm không gian Tày vì yếu tố văn hoá gốc trực quan của người Tày ở địa phương.
Trải nghiệm văn hoá Dao
Ở Hạ Long, sản phẩm du lịch cộng đồng tại các xã vùng cao có đông đồng bào dân tộc thiểu số là Sơn Dương, Bằng Cả và Kỳ Thượng lại được thành phố định hướng phát triển dịch vụ tham quan vườn ổi, cảnh quan thiên nhiên gắn với trải nghiệm văn hoá đồng bào Dao... Cho tới nay, mô hình du lịch cộng đồng tại các xã này đều đã được đưa vào khai thác.
Chia sẻ với chúng tôi, một lãnh đạo UBND xã Bằng Cả cho hay, hiện địa phương đã thành lập Tổ du lịch cộng đồng với 10 thành viên, chủ yếu là các hộ dân làm du lịch trên địa bàn, trong đó có 1 hộ có trang trại trồng trà hoa vàng và 1 hộ sản xuất rượu Bâu thủ công truyền thống. Các hộ cơ bản giữ nét văn hoá nguyên sơ của dân tộc mình, tuy nhiên cũng tiến hành chỉnh trang nhà cửa, vườn tược, đảm bảo vệ sinh môi trường phù hợp đón khách du lịch. Tổ hiện cũng có 1 điểm dịch vụ phục vụ giải khát tại Khu bảo tồn văn hoá người Dao Thanh Y. Đến với Bằng Cả, du khách có thể tham quan 2 điểm này và Khu bảo tồn văn hoá người Dao Thanh Y, giao lưu văn hoá, văn nghệ, chơi các trò chơi dân gian và ngâm chân lá thuốc tại đây. Vào dịp cuối tuần, nơi đây còn hay có các hoạt động giao lưu dân ca, dân vũ giữa các xã, phường, đơn vị…
Để thu hút khách, xã đã phối hợp với Phòng VHTT thành phố kết hợp với bên lữ hành của Hiệp hội Du lịch tỉnh. Lượng khách tới đây không thường xuyên, chủ yếu là những đoàn khách nhỏ, vào mùa đông còn có thêm số ít khách du lịch nước ngoài. Tổ du lịch cộng đồng cũng phối hợp với các trường đưa học sinh tới tham quan, trải nghiệm các trò chơi dân gian, xem các nghệ nhân thêu may trang phục truyền thống và trình diễn văn nghệ đặc sắc của đồng bào dân tộc Dao Thanh Y. Qua đó nâng cao ý thức của thế hệ trẻ về giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Tính từ cuối năm 2023 đến nay, Bằng Cả đã đón khoảng 4.000 du khách…
Cũng là khai thác các giá trị văn hoá đặc sắc của đồng bào Dao, mô hình Tổ hợp tác cộng đồng dân tộc Dao Thanh Y tại thôn Khe Sú 2, xã Thượng Yên Công (TP Uông Bí), cũng có những nét riêng. Mô hình này do chị Trương Thị Thanh Hương cùng với người nhà đầu tư xây dựng trong không gian chỉ khoảng 300m2 với kinh phí hơn 1 tỷ đồng, đi vào hoạt động từ tháng 2 năm nay, với các dịch vụ như: ẩm thực, ngâm chân, tắm thảo dược của đồng bào Dao Thanh Y.
Chị Hương cho hay, các bài thuốc ở đây được lấy từ những phương thuốc bí truyền từ xa xưa của người Dao, làm từ thảo dược của địa phương, chị đã mày mò tìm cách bào chế thành dạng bột dễ sử dụng trong ngâm chân, tắm tại chỗ và bán mang về. Các sản phẩm thổ cẩm trưng bày và bán tại đây cũng tương tự như vậy. Cơ sở hiện có sức hút nhất định, trong đó có cả những đoàn khách về khu di tích - danh thắng Yên Tử rẽ vào trải nghiệm một mô hình mới gắn với đời sống người Dao Thanh Y dưới chân non thiêng...
Còn đó những khó khăn
Qua tìm hiểu 3 mô hình khai thác du lịch gắn với văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số mới đi vào hoạt động thời gian gần đây cho thấy, ít nhiều đã có những thành công nhất định. Bên cạnh đó, cũng có những khó khăn, bất cập không nhỏ. Chủ động hơn cả vẫn là cách làm của Quảng Ninh Gate. Chị Nguyễn Thị Trang cho biết là việc tổ chức hoạt động không gian văn hoá Tày tại Quảng Ninh Gate thời gian qua được doanh nghiệp chủ yếu làm vào các dịp lễ, tết, phù hợp tổ chức vào mùa xuân và mùa thu đông hơn. Mỗi khi vận hành, doanh nghiệp sẽ đón các nghệ nhân về, cùng với kinh phí chi trả cho các nghệ nhân, đơn vị cũng sẽ mua lại toàn bộ sản phẩm còn lại mà bà con đã làm ra…
Chưa có nhiều kinh nghiệm làm du lịch như Quảng Ninh Gate, các mô hình du lịch cộng đồng ở Hạ Long và Uông Bí kể trên đều còn nhiều mới mẻ, bỡ ngỡ. Như với mô hình do chị Hương làm tổ trưởng là mô hình du lịch tiên phong ở xã Thượng Yên Công. Chia sẻ với chúng tôi, chị bày tỏ những khó khăn từ kinh phí đầu tư, mong muốn mở rộng thêm dịch vụ cho tới việc tuyên truyền vận động, thay đổi tư duy bà con khi tham gia mô hình du lịch…
Qua tìm hiểu cho thấy, xã Thượng Yên Công cũng đã có chủ trương, định hướng với giải pháp cụ thể để hỗ trợ, thúc đẩy các mô hình du lịch cộng đồng trên địa bàn, như cho đi tham quan, học tập kinh nghiệm thực tế, kết nối khách, tuyên truyền, quảng bá… Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, doanh nghiệp có bề dày kinh nghiệm làm du lịch ở Yên Tử, bày tỏ: Những sản phẩm du lịch cộng đồng trên địa bàn khi đi vào vận hành mà đảm bảo chất lượng thì chúng tôi sẵn sàng kết nối tour cho khách nghỉ tại Yên Tử ra đó trải nghiệm. Bởi lẽ, Tùng Lâm sau này cũng sẽ phát triển những dòng khách ở dài ngày tại Yên Tử.
Khảo sát thông qua lữ hành cho thấy, nhu cầu khách, nhất là khách nước ngoài muốn trải nghiệm văn hoá bản địa nhưng đó phải là đời sống thực của người dân, không phải thứ mình diễn. Vậy nên, việc khôi phục các giá trị văn hoá Dao nơi đây vốn đã bị mai một đi nhiều, là rất cần thiết, đơn cử như ngôi nhà truyền thống, phong tục thờ cúng hay trang phục thường ngày của đồng bào... Thêm nữa, cơ sở vật chất phục vụ du lịch cũng phải đảm bảo để kết nối tour, còn không thì đó chỉ là những dịch vụ nhỏ lẻ, khó mà duy trì hay phát triển lên được.
Với mô hình du lịch ở Bằng Cả, lãnh đạo xã cho hay, xã đề xuất, thành phố đang có đề án cải tạo, nâng cấp khu bảo tồn văn hoá người Dao Thanh Y tạo thành điểm đến vừa góp phần bảo tồn, vừa phát huy tốt giá trị bản sắc văn hoá đồng bào Dao nơi đây. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là các thành viên của Tổ du lịch còn rất hạn chế về kinh nghiệm tổ chức các hoạt động phục vụ du khách. Vì vậy, địa phương mong muốn là thành phố tổ chức tập huấn, hỗ trợ các hộ dân được đi tham quan, học hỏi các mô hình về kinh nghiệm quản lý, tổ chức làm du lịch cộng đồng. Đồng thời hỗ trợ khâu tuyên truyền, quảng bá về điểm đến để du khách biết tới nhiều hơn.
Thiết nghĩ, đây cũng là cái khó chung với nhiều mô hình du lịch đã và đang khai thác yếu tố văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh hiện nay, cần có giải pháp tháo gỡ một cách đồng bộ, đảm bảo cho phát triển bền vững.
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()