Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 08/01/2025 19:41 (GMT +7)
"Khai tử" hộ khẩu giấy: Tuyển sinh đầu cấp dự báo khó khăn nhiều hơn thuận lợi
Thứ 5, 12/01/2023 | 16:48:38 [GMT +7] A A
Hiện chưa có kế hoạch tuyển sinh năm học tiếp theo khi sổ hộ khẩu không còn giá trị sử dụng từ 01/01/2023 khiến các trường học, phụ huynh lo lắng.
Theo quy định tại Luật Cư trú, từ ngày 01/01/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú chính thức hết giá trị sử dụng.Tuy nhiên, lâu nay, sổ hộ khẩu hoặc tạm trú là một trong những thủ tục bắt buộc khi học sinh nộp hồ sơ vào đầu cấp.
Do vậy, một số phụ huynh băn khoăn rằng việc "khai tử" hộ khẩu giấy có ảnh hưởng ra sao đến tuyển sinh, cũng như khi thực hiện thủ tục nhập học cho con tại trường cần những giấy tờ gì thay thế cho sổ hộ khẩu và thủ tục cũng như quy trình ra sao.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Minh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt (Đà Nẵng) cho hay, đến thời điểm hiện tại, trường vẫn chưa nhận được hướng dẫn nào về công tác tuyển sinh khi sổ hộ khẩu không còn giá trị sử dụng bắt đầu từ 01/01/2023.
“Việc tuyển sinh các em đầu cấp năm học tới đây cũng đang là vấn đề mà tôi đang lo lắng bởi chưa có hướng dẫn nào do kế hoạch tuyển sinh của địa phương cũng chưa ra nên tôi cũng đang không biết trường mình sẽ căn cứ vào đâu để tuyển sinh.
Hơn nữa, do số lượng học sinh vào trường mỗi năm đều đông, thậm chí những năm vừa qua dù có sử dụng sổ hộ khẩu nhưng công tác tuyển sinh của trường cũng đã khó khăn rồi thì năm học tới đây không có sổ hộ khẩu sẽ còn khó khăn nữa", cô Minh cho biết.
Cũng theo cô Minh, năm học tới cũng là năm đầu tiên tuyển sinh mà không có sổ hộ khẩu nên trường nào cũng sẽ gặp một số khó khăn nhất định, bởi khi có bất kỳ đổi mới nào chúng ta cũng phải làm rồi mới đúc kết được kinh nghiệm.
Bản thân cô đến thời điểm hiện tại cũng chưa hình dung ra được sẽ có những khó khăn nào sẽ xảy ra trong mùa tuyển sinh sắp tới.
Tuy nhiên, cô Minh tin rằng, các bên có liên quan sẽ cùng nhau phối hợp, hỗ trợ để sắp tới có một mùa tuyển sinh diễn ra thuận lợi nhất có thể.
Cô Minh cũng cho biết, lâu nay, Trường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt có tuyển sinh đầu cấp căn cứ theo cả hộ khẩu và thực tế sinh sống của học sinh trên địa phương bởi có nhiều em mặc dù hộ khẩu ở đây nhưng lại sinh sống ở nơi khác.
Do vậy, theo cô Minh, cách tuyển sinh năm tới có thể sẽ căn cứ theo thực tế sinh sống của số học sinh sẽ nhập học trên địa bàn.
Cũng bình luận về vấn đề trên, cô Trương Thị Yến Nga, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lai (Đà Nẵng) cho hay: “Kế hoạch tuyển sinh thường phải gần kết thúc năm học mới có, tuy nhiên, theo tôi được biết, không có sổ hộ khẩu thì các trường sẽ tuyển sinh dựa theo mã định danh của học sinh, trong đó sẽ có đầy đủ thông tin về nơi cư trú của các em.
Hiện tại, hầu như các em học sinh chuẩn bị nhập học năm tới đều đã có mã định danh, chỉ còn một số em đang bị sai thông tin thì phụ huynh cũng đang ra phía công an phường để điều chỉnh nên tôi nghĩ công tác tuyển sinh sắp tới cũng sẽ không gặp nhiều khó khăn”, cô Nga nói.
Cũng theo cô Nga, việc sử dụng mã định danh để tuyển sinh sẽ hạn chế được một số bất cập như lâu nay có trường hợp một số em có hồ sơ giấy tờ khá rắc rối bởi giấy tờ tạm trú ở đây nhưng thực tế lại sinh sống ở nơi khác hay thậm chí có em có tên trong 2 hộ khẩu nên nhà trường cũng rất khó xử lý.
Do đó, cô Nga cho rằng, khi sử dụng mã định danh này thì thông tin tuyển sinh sẽ ổn định và chắc chắn hơn cũng như đảm bảo được tính công bằng, minh bạch nhiều hơn.
Không những vậy, theo cô Nga, các thủ tục cho học sinh nhập học nhờ đó cũng sẽ nhanh chóng hơn. Bởi lâu nay, khi tiếp nhận hồ sơ, các trường sẽ nhận bản sao có công chứng của sổ hộ khẩu rồi phải đối chiếu lại một lần nữa, hay như trường hợp tạm trú thì còn cần thêm xác định của khu vực nơi học sinh cư trú nên cũng tốn khá nhiều thời gian.
Cô Nga tin rằng, công tác tuyển sinh sẽ diễn ra thuận lợi nếu các trường có kết nối với hệ thống tuyển sinh của tỉnh/thành phố, do phụ huynh khi qua đăng ký cho con học cũng chỉ cần đưa mã định danh, trường sẽ kiểm tra thông tin của học sinh trên hệ thống là có thể đăng ký được cho các em.
Cũng theo Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lai, những năm gần đây, trường cũng thực hiện việc tuyển sinh theo hai hình thức song song là vừa tuyển sinh trực tuyến vừa tuyển sinh trực tiếp. Do đó, trường cũng chuẩn bị trước trong hồ sơ trực tuyến nên khi phụ huynh đến nộp hồ sơ cũng rất thuận lợi.
Chia sẻ từ ông Nguyễn Đức Tú Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Hải Châu, Đà Nẵng cho hay, kế hoạch tuyển sinh thông thường phải khoảng tháng 3, tháng 4 mới có, năm học tới khi không sử dụng sổ hộ khẩu nữa thì thông tin của các em học sinh nhập học có thể sẽ theo danh sách địa phương xác nhận số em vào lớp 1 và lớp 6 trên địa bàn sẽ nhập học.
Phụ huynh học sinh sẽ cần ra phía công an phường để xin giấy xác nhận về nơi cư trú của các con cũng như có những thắc mắc nào thì phía công an sẽ hướng dẫn nên các phụ huynh có thể yên tâm.
“Việc thực hiện công tác tuyển sinh khi không có sổ hộ khẩu theo tôi bước đầu sẽ hơi vất vả do còn bỡ ngỡ nhưng khi quen rồi thì tôi nghĩ cũng sẽ thuận lợi hơn bởi việc bỏ sổ hộ khẩu cũng giúp quy trình tuyển sinh giảm bớt những thủ tục có tính hành chính”, ông Tú Anh nói.
Theo giaoduc.net.vn
Liên kết website
Ý kiến ()