Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:07 (GMT +7)
Khám phá kho vũ khí xuất khẩu của Hàn Quốc
Thứ 4, 27/09/2023 | 14:00:08 [GMT +7] A A
Tổng thống Yoon Suk-yeol đang có tham vọng đưa Hàn Quốc trở thành một trong 4 quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.
Ngày 26/9 vừa qua, Hàn Quốc đã tổ chức một cuộc duyệt binh lớn ở Seoul nhân kỷ niệm 75 năm thành lập lực lượng vũ trang, phô diễn sức mạnh quân sự với những loại vũ khí “đáng gờm” trong bối cảnh căng thẳng bán đảo Triều Tiên leo thang.
Theo hãng thông tấn Yonhap, khoảng 6.000 binh sĩ và 200 thiết bị quân sự đã tham gia lễ duyệt binh, bao gồm xe tăng, xe tấn công đổ bộ, máy bay không người lái, tên lửa và hệ thống phòng không.
Tại lễ duyệt binh này, Hàn Quốc đã cho ra mắt một số vũ khí và thiết bị mới nhất, trong đó có xe tăng dòng K1A1/K1A2 và K2 Black Panther. Đây là một sản phẩm của tập đoàn Hyundai Rotem, được đưa vào sử dụng vào năm 2014 và được coi là một trong những xe tăng thế hệ thứ tư đầu tiên trên thế giới. Đang có 260 chiếc tăng K2 đang phục vụ trong quân đội Hàn Quốc. Mẫu xe tăng này còn được xuất khẩu thành công sang Ba Lan - quốc gia có kế hoạch mua tổng cộng 1.000 chiếc.
Xe tăng K2 được trang bị pháo nòng trơn cỡ nòng 55 mm với bộ nạp đạn tự động, lớp giáp tiên tiến và khả năng khóa mục tiêu tự động nhằm vào các mục tiêu mặt đất và trên không ở phạm vi lên tới 10 km bằng camera đo nhiệt độ trên xe. Để vận hành chiếc xe tăng với trọng lượng 55 tấn này chỉ cần kíp lái 3 người.
Bên cạnh mẫu tăng K2, phương tiện chiến đấu bộ binh (IVF) thế hệ tiếp theo của công ty quốc phòng lớn nhất Hàn Quốc Hanwha K21cũng góp mặt trong lễ duyệt binh. Hàn Quốc đã sở hữu 550 xe bọc thép loại này và Australia dự định đặt mua gần 130 chiếc, sửa chúng thành IFV nội địa với tên gọi mới Redback.
Một chiếc IVF của Hàn Quốc có thể chở theo 9 người đi quãng đường lên tới 500 km mà không cần tiếp nhiên liệu. Chúng còn được phủ một lớp giáp bên ngoài được gia cố bằng sợi thủy tinh phức tạp, giúp bảo vệ trước các đợt tấn công hỏa lực từ súng máy hạng nhẹ đến mảnh đạn pháo. K21 còn được trang bị pháo tự động 40 mm, súng máy M60 7,62 mm và hai tên lửa dẫn đường chống tăng AT-1K Raybolt.
Cùng một “mẹ” với xe bọc thép K21, pháo tự hành K9 của tập đoàn Hanwha là một trong những mặt hàng vũ khí xuất khẩu thành công nhất của Hàn Quốc cho đến nay. Kể từ khi ra mắt vào cuối những năm 1990, hơn 1.700 hệ thống pháo tự hành K9 đã được chế tạo và đưa vào hoạt động. Vũ khí được đón nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Ba Lan, Na Uy, Estonia, Phần Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ. Mới đây, Australia và Ai Cập xác nhận đặt pháo tự hành K9 của Hàn Quốc.
Một trong những tiêu điểm vũ khí của lễ duyệt binh là hệ thống pháo tên lửa K239 Chunmoo, do Công nghiệp Quốc phòng Hàn Quốc và Hanwha Aerospace sản xuất. Hệ thống này có khả năng bắn đạn cỡ nòng 600 mm và có tầm bắn hiệu quả từ 36 đến 290 km, tạo “cơn mưa lửa” đủ sức tàn phá trên một diện tích rộng gấp 3 một sân bóng đá. Các hệ thống này đã được xuất khẩu sang Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Saudia Arabia và Ba Lan.
Lễ duyệt binh ngày 26/9 vừa qua cũng là lần trình diễn đầu tiên của L-SAM, tên lửa đất đối không tầm xa được Cơ quan Phát triển Quốc phòng Hanwha phối hợp với LIG Nex1 phát triển. Vũ khí này dự kiến có tầm bắn lên tới 150 km. Hệ thống sẽ được đưa vào sử dụng trong quân đội Hàn Quốc vào năm 2026 và được quảng bá có sức mạnh ngang ngửa với Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ và S-400 của Nga.
Trong nhiều thập kỷ sau khi Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc chính thức được thành lập vào năm 1948, quốc gia Đông Bắc Á này vẫn phụ thuộc vào đồng minh Mỹ về vũ khí. Mãi cho đến những năm 1970, lĩnh vực quốc phòng của Hàn Quốc mới khởi sắc khi chính phủ bắt đầu đầu tư lớn vào các ngành công nghiệp nặng và hóa chất theo kế hoạch 5 năm đầy tham vọng.
Trong khi việc sản xuất ban đầu tập trung vào các bản sao được cấp phép của các loại vũ khí đơn giản của Mỹ thì đến những năm 1980, Hàn Quốc bắt đầu tạo ra các loại vũ khí phức tạp hơn, dựa trên các thiết kế vũ khí của Washington. Ví dụ, Hàn Quốc đã trình làng chiếc xe tăng nội địa đầu tiên là K1 88 vào cuối những năm 1980, lấy cảm hứng từ xe tăng chủ lực Abrams của Mỹ.
Gần như tất cả các nhà thiết kế và sản xuất vũ khí lớn nhất của Hàn Quốc cũng là nhà sản xuất các mặt hàng công nghiệp và thương mại tiêu dùng khác, trong số đó có KIA, Daewoo, Samsung và “gã khổng lồ” đóng tàu Korea Shipbuilding.
Khoảng 50 năm sau khi hình thành cơ sở công nghiệp quốc phòng trong nước, Hàn Quốc chiếm khoảng 3% thị trường vũ khí toàn cầu.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), 4 quốc gia đứng đầu về xuất khẩu vũ khí từ năm 2017 đến năm 2021 là Mỹ, Nga, Pháp và Trung Quốc, với thị phần toàn cầu tương ứng là 39, 19, 11 và 4,6%. Hàn Quốc xếp thứ 8 với 2,8% thị phần thế giới, nhưng chính quyền của Tổng thống Yoon Suk-yeol đang có tham vọng muốn đưa Hàn Quốc nằm trong nhóm 4 quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.
Theo bà Kim Mi-jung, nhà nghiên cứu công nghiệp quốc phòng tại Viện Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc, cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí đến với Hàn Quốc trong bối cảnh chỉ có một vài quốc gia trên thế giới có khả năng sản xuất vũ khí trong thời gian ngắn. Trong khi đó, một số nước châu Âu có khả năng này lại phải ưu tiên mục tiêu bảo vệ đất nước hơn so với xuất khẩu.
“Vũ khí của Hàn Quốc tương xứng với giá tiền. Quốc gia này cũng có các cơ sở sản xuất có thể sản xuất nhiều loại vũ khí đa dạng – từ pháo tự hành đến máy bay, tất cả đều làm nên sức hấp dẫn cho vũ khí Hàn Quốc”, bà Kim kết luận.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()