Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 19:03 (GMT +7)
Khám phá những thanh kiếm huyền thoại của châu Á
Thứ 7, 18/03/2023 | 10:25:39 [GMT +7] A A
Những thanh kiếm không đơn thuần chỉ là vũ khí mà còn là biểu tượng của quyền lực trong nhiều thế kỷ.
Thanh kiếm “khát máu” của Muramasa
Muramasa (Sengo Muramasa) là một thợ rèn kiếm nổi tiếng của Nhật Bản. Ông sống vào thời Muromachi, tức khoảng thế kỷ 16 và nổi bật khi thành lập một trường phái vũ khí mang tên mình.
Những thanh kiếm của Muromasa được phân biệt bởi chất lượng và nổi tiếng với độ sắc bén phi thường, khiến chúng rất được ưa chuộng trong quân đội.
Truyền thuyết kể rằng, thanh kiếm của Muramasa bị nguyền rủa và truyền cho người dùng mang cơn khát máu.
Nếu người này để bụi trong bao kiếm trong một thời gian dài, thì thanh kiếm thậm chí có thể nổi dậy chống lại chủ nhân và buộc người này phải tự sát để tìm một chiến binh phù hợp hơn.
Tuy nhiên, cũng có tin đồn, những thanh kiếm này mang lại cho người sở hữu kiếm thuật vô song siêu việt.
Kiếm Masamune
Nhiều chuyên gia thường nói, Muramasa và Masamune là những người cùng thời, nhưng đây là một sự thiếu chính xác trong lịch sử. Masamune (Goro Nyudo Masamune) là trong nhiều nhân tài rèn kiếm có tiếng trong lịch sử Nhật Bản, ông sống vào cuối thời Kamakura.
Theo truyền thuyết, những thanh kiếm Masamune mang lại cho chủ nhân sự bình tĩnh và được các chiến binh Nhật Bản rất tôn kính.
Masamune khám phá ra rằng, ông có thể tạo ra vũ khí hoàn toàn bằng thép, do đó gia tăng sức mạnh và tính linh hoạt.
Ông nung chảy kim loại ở nhiệt độ cao để loại bỏ tạp chất, nhưng chính nhiệt độ cao lại khiến thanh kiếm giòn.
Để giải quyết vấn đề này, Masamune đã trộn các loại thép mềm và cứng với nhau thành từng lớp để giữ cho thanh kiếm không bị gãy.
Những thanh kiếm của Masamune có thể xuyên qua áo giáp của kẻ thù. Thêm vào đó, trọng lượng của nó đủ nhẹ để có thể sử dụng trên lưng ngựa.
Thanh kiếm 7 nhánh
Thanh kiếm kỳ lạ Nanatsusaya-no-Tachi (hay còn gọi là thanh kiếm 7 nhánh) được phát hiện tại đền Isonokami ở thành phố Nara vào năm 1945.
Hình dạng của thanh kiếm cho thấy nó rất có thể chỉ được dùng trong các nghi lễ chứ không phải trong chiến đấu. Hiện nguồn gốc của thanh kiếm này vẫn chưa thực sự rõ ràng.
Theo những dòng chữ trên lưỡi kiếm, thanh kiếm này là món quà hoàng đế nhà Đông Tấn (Trung Quốc) gửi tặng cho vua của triều đại Baekje (Hàn Quốc).
Cũng có truyền thuyết cho rằng, thanh kiếm này đã được tặng cho Hoàng hậu Jingu. Thật kỳ lạ, các nhà khảo cổ học tin tưởng vào tính xác thực của truyền thuyết này, bởi vì nó đề cập đến cả ngôi đền và chính thanh kiếm, trong khi tuổi của thanh kiếm và lịch sử của triều đại Jingu khá trùng khớp.
Kiếm Câu Tiễn
Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy thanh kiếm vào năm 1965 tại một trong những ngôi mộ ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Thanh kiếm rất đáng chú ý, bởi vì trong khoảng 2.500 năm lưỡi kiếm không những không bị gỉ mà thậm chí còn không bị cùn.
Hợp kim không gỉ trong lưỡi kiếm và bao kiếm, thực tế không cho không khí lọt vào, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi không để thời gian làm hỏng hiện vật.
Theo các nghiên cứu, chủ nhân của thanh kiếm là Việt Vương Câu Tiễn, một vị vua nổi tiếng thời Xuân Thu. Theo truyền thuyết, ông coi thanh kiếm này là vũ khí đáng giá duy nhất trong toàn bộ bộ sưu tập của mình và vẻ đẹp của nó được “tạo ra bởi nỗ lực chung của Đất và Trời”.
Kiếm Câu Tiễn hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
Thanh kiếm Chiến thắng
Thanh kiếm này là một trong những thần khí của hoàng gia Thái Lan, là hiện thân của sức mạnh quân sự và quyền lực của quốc vương. Chiều dài của thanh kiếm là 89,8cm, riêng lưỡi kiếm là 64,5cm và trọng lượng cả vỏ là 1,9kg.
Truyền thuyết kể rằng, vào năm 1784, ngư dân Campuchia đã tìm thấy thanh kiếm này ở hồ Tonle Sap và tặng nó cho Vua Ang Yong, người sau đó quyết định tặng thanh kiếm này như một món quà cho Vua Rama I của Thái Lan.
Ngay khi thanh kiếm được chuyển đến Bangkok, 7 tia chớp sáng rực đã đánh vào thành phố từ 7 hướng khác nhau. Sau đó, Vua Rama I đã làm cho thanh kiếm một vỏ bọc lộng lẫy bằng vàng, khảm kim cương và các loại đá quý khác, đồng thời đặt tên là “Phra Saeng Khan Chai Sri”.
Theo Vietnamnet
Liên kết website
Ý kiến ()