Tất cả chuyên mục

Chùa Quán Âm còn gọi là Quán Âm tự, nằm ở thôn Thác Bưởi I, xã Tiên Lãng (Tiên Yên). Chùa còn có tên khác là chùa Cô Ba để tưởng nhớ đến người đã có công thành lập chùa. Tương truyền trong nhân dân địa phương, trước đây, khu vực chùa hiện nay là một đồi đất thấp hoang vu, cây cỏ mọc rậm rạp, có gia đình của người phụ nữ tên là Giềng Xì Diếng (còn gọi là cô Ba), từ một nơi khác đến thôn Thác Bưởi sinh sống. Gia đình bà đã chặt cây, đốn củi, làm cỏ, phát quang khu đất để xây dựng nhà cửa và lấy đất canh tác hoa màu. Sau đó, bà Diếng đã rước tượng phật về nhà để tiện cho việc thờ tự và cúng lễ.
![]() |
Nhà thờ tổ chùa Quán Âm. |
Lúc đầu việc thờ phật chỉ trong nội bộ gia đình, lâu dần nhiều người dân trong thôn, trong xã và trong vùng cũng đến đây để dâng hương lễ phật ngày càng đông. Do đông phật tử đến chùa, bà Diếng đã để hẳn ngôi nhà (nay là chùa chính của di tích) đang ở để làm ngôi chùa thờ phật và tự dọn đi nơi khác ở. Cũng từ đó, nơi đây trở thành chùa của xã Tiên Lãng. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, ngôi chùa có thời điểm bị đập phá rồi bị bỏ hoang thời gian dài, sau đó được trưng dụng làm trạm xá, nhà trẻ. Mãi đến năm 2006, ngôi chùa mới được trả lại nguyên vẹn là nơi thờ cúng của nhân dân. Năm 2012, Đại đức Thích Giác Đạt đứng ra chủ trì việc xây dựng nhà Tổ, sửa sang sân vườn, mua lại số đất trước đây của chùa bị tư nhân chiếm dụng để mở mang thêm diện tích khuôn viên của chùa trở thành nơi tổ chức các hoạt động văn hoá tâm linh. Tháng 10-2015, chùa Quán Âm được trùng tu quy mô hơn trên nền khuôn viên cũ, với tổng thể 18 gian (gồm: 5 gian tiền đường, 6 gian trung đường và 7 gian thượng điện) và các công trình phụ trợ khác, ước tính khoảng 15 tỷ đồng, từ nguồn xã hội hoá. Hiện ngôi chùa vẫn đang trong quá trình xây dựng. Trước đó vào tháng 4-2014, chùa Quán Âm được đúc quả chuông khối lượng 2,5 tấn, cao 2,5m, đường kính miệng chuông 1,4m do những nghệ nhân cơ sở đúc đồng huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội) chế tác.
Công Thành
Ý kiến ()