Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 15:10 (GMT +7)
Khảo sát hoạt động “Du lịch thân thiện với người Hồi giáo”
Thứ 4, 13/11/2024 | 10:43:40 [GMT +7] A A
Ngày 12/11, tại TP Hạ Long, Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh và Trung tâm Chứng nhận phù hợp - QUACERT (Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia - STAMEQ, Bộ Khoa học và Công nghệ) đã tổ chức chương trình khảo sát hoạt động “Du lịch thân thiện với người Hồi giáo”.
Đoàn đã khảo sát 9 khách sạn hạng sang (4-5 sao) trên địa bàn, tập trung vào khu vực bếp ăn, nhà hàng; buồng ngủ; các tiện ích khác của cơ sở lưu trú: Bể bơi, phòng gym, công viên nước…
Qua đó, đánh giá thực trạng và mức độ đáp ứng yêu cầu theo tiêu chuẩn quốc gia về Halal (Dịch vụ du lịch thân thiện với người Hồi giáo theo TCVN 14230:2024 và cung cấp thực phẩm Halal theo TCVN 12944:2020 được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố). Đồng thời, cung cấp kiến thức về yêu cầu của tiêu chuẩn Halal để các cơ sở lưu trú ở Quảng Ninh hiểu, cũng như chuẩn bị xây dựng kế hoạch cho việc triển khai dịch vụ cho đối tượng khách du lịch Hồi giáo.
Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước ký kết hợp tác với Trung tâm Chứng nhận phù hợp QUACERT về thực hiện tiêu chuẩn du lịch thân thiện với người Hồi giáo. Cuộc khảo sát lần này là bước đi đầu tiên cụ thể hóa hợp tác, từng bước hình thành các cơ sở du lịch đạt tiêu chuẩn đón du khách Halal tại Quảng Ninh - thị trường trọng điểm đang được ngành Du lịch Việt Nam hướng tới. Khi hoàn thành, Quảng Ninh sẽ là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện Bộ tiêu chuẩn Halal trong lĩnh vực du lịch, góp phần phát triển ngành Halal, triển khai Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14/2/2023.
Qua khảo sát, các khách sạn đều đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất, chỗ ăn nghỉ cho du khách người Hồi giáo. Trung tâm Chứng nhận phù hợp - QUACERT sẽ tiến hành đào tạo, hỗ trợ phát triển các điều kiện, tiêu chuẩn Việt Nam và nước ngoài về du lịch Halal, du lịch thân thiện với người Hồi giáo. Thời gian tới, các đơn vị doanh nghiệp cũng sẽ chủ động vào cuộc đón đầu dòng khách này thông qua việc chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về cơ sở lưu trú, thực phẩm, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch am hiểu về văn hoá tín ngưỡng cũng như tôn giáo của dòng khách đặc biệt này, tạo môi trường du lịch thân thiện để tăng tính hấp dẫn cho điểm đến.
Ngày 14/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 10/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”, trong đó xác định một số nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư về sản phẩm, dịch vụ Halal; hỗ trợ, kết nối các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với các thị trường Halal toàn cầu…
|
Bên cạnh đó, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định cần quan tâm phát triển các thị trường mới, có tiềm năng trong đó có thị trường Trung Đông, Ấn Độ… Du lịch Hồi giáo là tiềm năng phát triển du lịch bền vững, đem lại nhiều cơ hội lớn cũng như thách thức với ngành du lịch.
Song song với việc khai thác thị trường khách du lịch Hồi giáo gần như Malaysia, Indonesia, Singapore, Ấn Độ, Quảng Ninh cũng đang hướng đến khai thác thị trường Hồi giáo có khả năng chi trả cao, du lịch dài ngày, đặc biệt chú trọng khu vực Trung Đông.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()