Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:26 (GMT +7)
Khát vọng huyện trẻ Phú Riềng
Thứ 7, 20/01/2024 | 00:16:22 [GMT +7] A A
2023 là năm thứ ba huyện Phú Riềng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025. Đây cũng là năm có nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự đoàn kết, quyết tâm, linh hoạt, chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp, cùng với sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, huyện Phú Riềng đã đạt những kết quả tích cực trên mọi lĩnh vực. Điều này đã tạo nên bức tranh tươi sáng về huyện trẻ với khát vọng vươn lên phát triển vững mạnh và toàn diện.
Nối liền các tuyến giao thông huyết mạch
Trong năm 2023, huyện Phú Riềng đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trung tâm các xã và hệ thống giao thông huyết mạch. Với chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, người dân trên địa bàn huyện đã ủng hộ nhiệt tình chủ trương này. Ông Lê Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Riềng cho biết: “Năm 2023, huyện đầu tư xây dựng hạ tầng trung tâm các xã, trường học, trụ sở làm việc các cơ quan nhà nước, hạ tầng thiết chế văn hóa với 37 công trình xây dựng kiến trúc. Tổng kinh phí đầu tư cho các công trình 109,725 tỷ đồng. Đồng thời, để tăng cường kết nối, huyện chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến giao thông liên huyện, liên xã tạo sự liên kết để thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn nói riêng và toàn tỉnh nói chung”.
Đến nay, huyện Phú Riềng đã triển khai đầu tư 50 tuyến đường với 80,6km và 8 cây cầu. Tổng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực giao thông 317,1 tỷ đồng. Đồng thời, huyện chú trọng đầu tư cho 2 xã Phú Trung và Phước Tân về đích nông thôn mới (NTM) trong năm 2023 và tiếp tục đầu tư, duy trì các xã Phú Riềng, Bù Nho, Long Hưng, Bình Sơn giữ vững các tiêu chí NTM nâng cao.
“Trong số các tuyến giao thông được huyện đầu tư mở rộng, nâng cấp, tuyến đường từ xã Phú Riềng đi Phước Tân, kết nối ĐH312 với ĐT759 đi qua địa bàn xã với tổng chiều dài 4,5km và có 104 hộ dân bị ảnh hưởng. Đa số các hộ dân đồng ý quan điểm mở rộng, nâng cấp tuyến đường này và tự nguyện giải phóng mặt bằng, hiến hơn 50.000m2 đất để làm đường” - ông Hồ Trung Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Riềng cho biết.
Với chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhân dân trên địa bàn huyện Phú Riềng đã đóng góp 6,54 tỷ đồng và hiến 91 ha đất; vốn ngân sách đầu tư hơn 310,56 tỷ đồng để thực hiện các công trình. Các tuyến đường đi qua những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được ví như những mạch máu tạo nên sức sống cho vùng sâu, vùng xa, góp phần thay đổi diện mạo huyện trẻ khang trang hơn, chất lượng đời sống nhân dân ngày càng nâng cao.
Bệ phóng tương lai
Một trong những điểm sáng của huyện Phú Riềng trong năm 2023 phải kể đến là lĩnh vực giáo dục đã vượt chỉ tiêu về xây dựng trường chuẩn. Tính đến nay, toàn huyện có 41 trường, trong đó có 39 trường công lập và 2 trường mầm non tư thục. Trong đó có 20 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, đạt 53,84%, vượt chỉ tiêu nghị quyết giao 46,15%. Đây là bệ phóng giúp thế hệ trẻ trên địa bàn huyện có môi trường học tập tốt, xây dựng tương lai tươi sáng. Để đạt kết quả này, ngoài được ưu tiên các nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, thì việc thực hiện xã hội hóa giáo dục trên địa bàn được xem là đòn bẩy nâng cao chất lượng giáo dục, giúp các trường sớm đạt chuẩn quốc gia.
Điển hình trong thực hiện xã hội hóa giáo dục là Trường tiểu học Phú Riềng A. Nhiều năm nay, từ nguồn xã hội hóa, trường đã đầu tư nhiều công trình phục vụ học tập, thể dục thể thao, phát triển thể chất toàn diện cho học sinh. Ông Bùi Quang Trung, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Riềng A cho biết: “Về công tác xã hội hóa giáo dục, trường tập trung xây dựng các công trình phục vụ hoạt động thể dục thể thao, phát triển thể lực cho học sinh, như: Nhà thể dục đa năng, sân bê tông, trồng cây xanh và làm một số mái che cho hoạt động thể dục ngoài trời. Ước các nguồn xã hội hóa giáo dục trong những năm qua khoảng 2 tỷ đồng”.
Đối với những khu vực còn nhiều khó khăn, huyện ưu tiên đầu tư kinh phí giúp nâng cao chất lượng giáo dục, điển hình là Trường mẫu giáo Long Hưng, xã Long Hưng. Từ những ngày đầu mới thành lập, ngôi trường này chỉ có 3 phòng học, đến nay đã có 9 lớp học, với 290 học sinh. Các phòng chức năng, khuôn viên khu vui chơi, không gian trải nghiệm được bố trí hợp lý giúp trẻ học tập và hoạt động để phát triển toàn diện về trí tuệ lẫn thể chất. Bà Đỗ Thị Gái, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Long Hưng cho biết: “Năm học 2022-2023, trường được đầu tư kinh phí xây dựng chuẩn quốc gia hơn 300 triệu đồng. Tỷ lệ giáo viên giỏi của trường đều đạt và vượt chỉ tiêu cấp huyện và tỉnh đề ra. Với sự nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, giáo viên, đầu năm học 2023-2024, trường vinh dự đón bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và chứng nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2”.
Bức tranh tươi sáng
Ở lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong năm 2023, huyện Phú Riềng đã thực hiện đạt và vượt 21/23 chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Tổng mức bán lẻ, doanh thu dịch vụ hơn 5.038 tỷ đồng, đạt 100% chỉ tiêu nghị quyết. Giá trị tăng trưởng bình quân hằng năm ngành công nghiệp, xây dựng đạt 6.252 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu nghị quyết giao. GRDP bình quân đầu người đạt 77,85 triệu đồng/năm, đạt 100,8%. Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt 105,8%, vượt chỉ tiêu nghị quyết. Chăn nuôi tiếp tục được duy trì, phát triển mạnh theo hướng quy mô lớn, trang trại công nghiệp. Hiện trên địa bàn huyện có 15 trang trại và 3 công ty chăn nuôi gia súc, gia cầm. Cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng tăng diện tích một số cây trồng chủ lực, cây có giá trị kinh tế cao, giảm diện tích cây trồng năng suất thấp.
Đạt được những kết quả này là nhờ sự quyết tâm, linh hoạt và đoàn kết, sáng tạo với tinh thần “Đồng lòng tát cạn biển Đông” của cả hệ thống chính trị và nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong huyện. Kết quả đạt được trong năm 2023 vẽ nên bức tranh tươi sáng, là niềm tin, cơ sở để huyện bứt tốc trong những năm cuối nhiệm kỳ 2020-2025.
Theo baobinhphuoc.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()