Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 18/11/2024 00:19 (GMT +7)
Kỷ niệm 59 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh 30/10 (1963-2022) Khát vọng phát triển bền vững
Thứ 7, 29/10/2022 | 09:54:02 [GMT +7] A A
Phát triển bền vững đang trở thành xu hướng tất yếu của các nước trên thế giới và Việt Nam cũng như tỉnh Quảng Ninh không ngoại lệ. Điều này đặt ra những nhiệm vụ mới, trọng trách mới đối với Quảng Ninh trên hành trình phát triển của mình để sớm tiến gần hơn mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, năng động, trung tâm du lịch quốc tế…
Bền bỉ nỗ lực phấn đấu
Trong suốt quá trình xây dựng, phát triển, nhất là trong những năm đổi mới vừa qua, với vai trò, trách nhiệm của một địa phương được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ví như “Một Việt Nam thu nhỏ”, luôn được Trung ương xác định có vị trí trọng yếu về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, Quảng Ninh đã cho thấy sự vận động, phát triển không ngừng của mình.
Hiếm có địa phương nào mà sự đổi mới lại diễn ra hằng tuần, hằng tháng như ở Quảng Ninh, kể cả trong những thời điểm cực kỳ khó khăn như 2 năm gần đây khi dịch Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Hiện Quảng Ninh đã là một trong những cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của khu vực phía Bắc với tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, bình quân 5 năm đạt 10,7%; chất lượng tăng trưởng được cải thiện đáng kể; quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tăng lên rõ rệt; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững hơn.
Đặc biệt, từ một tỉnh chỉ được biết đến là khai thác than với môi trường ô nhiễm mức báo động, qua hơn một thập kỷ Quảng Ninh đã vươn mình mạnh mẽ thành điểm đến hàng đầu miền Bắc... Nếu như trước năm 2010, Quảng Ninh chưa khi nào đón quá 5 triệu lượt khách, thì nay con số tăng lên gần gấp 3, đạt 14 triệu lượt trong năm 2019 và nếu trước năm 2010, thời gian lưu trú trung bình của du khách tại Quảng Ninh chỉ đạt chưa đến 1,7 ngày/người thì đến năm 2019, vùng đất “vàng đen” đã níu chân họ tới 2,74 ngày/người. Năm 2019, cao điểm du lịch trước dịch Covid-19, du lịch đã đóng góp vào ngân sách nội địa toàn tỉnh 29,487 tỷ đồng, chiếm 10,7% tổng thu.
Và sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, du lịch Quảng Ninh có cú bứt tốc mạnh mẽ với những con số nức lòng khi mới 9 tháng đã đón tới 9,17 triệu lượt, gấp 3,55 lần so với cùng kỳ. Đầu năm 2022, theo kết quả nghiên cứu về bộ chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch tại 15 tỉnh, thành phố du lịch hàng đầu Việt Nam do Hội đồng Tư vấn du lịch TAB cùng thực hiện, Quảng Ninh đang đứng tại vị trí thứ 2, chỉ sau Đà Nẵng. Đặc biệt, khi chia nhỏ các chỉ số, Quảng Ninh đứng thứ nhất về môi trường bền vững và đứng thứ 2 về sức khỏe, vệ sinh. Kết quả khiến người ta một lần nữa phải trầm trồ về một Quảng Ninh “thoát kén” vùng mỏ ô nhiễm để “hóa bướm” thành điểm đến hàng đầu về du lịch, với tính xanh bền vững.
Những thành tựu Quảng Ninh đạt được có dấu ấn không nhỏ của tư duy đổi mới, xác định tầm nhìn dài hạn, vun đắp niềm tin và nuôi dưỡng khát vọng vươn lên. Đơn cử như năm 2021 đầy khó khăn vừa qua, toàn tỉnh đã kiên định bám sát các chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; chủ động dự báo sát tình hình để lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, toàn diện trên các lĩnh vực, tạo động lực bứt phá cho sự phát triển.
Trong đó, ưu tiên, tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 với phương châm, nguyên tắc “3 trước, 4 tại chỗ”, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở; giữ vững được địa bàn an toàn, ổn định trong trạng thái bình thường mới, nhanh chóng khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân… Đến quý IV/2021, khi Chính phủ quyết định chuyển sang chiến lược “sống chung an toàn với Covid-19”, tỉnh cũng đã có nhiều quyết sách đúng đắn, chuyển đổi nhanh nhạy, kịp thời.
Từ sự quyết liệt, đồng bộ, sát sao trong chỉ đạo điều hành, Quảng Ninh khép lại năm 2021 với tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao 10,28%. Con số này của cả năm cao hơn 1,07% điểm so với cùng kỳ, là mức tăng trưởng cao thứ hai so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là năm thứ 6 liên tiếp tỉnh Quảng Ninh ghi nhận tăng trưởng hai con số.
Như Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký từng chia sẻ: "Không có áp lực không có kim cương”, nên cho dù bất kỳ hoàn cảnh nào, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Quảng Ninh cũng không dao động, chùn bước. Toàn tỉnh luôn xem khó khăn là trải nghiệm, xem nghịch cảnh là môi trường để tôi rèn bản lĩnh ý chí, nghị lực; luôn biết tìm ra động lực, nguồn lực mới trong công việc, nắm chắc tình hình, trăn trở tìm ra điểm "nghẽn", khâu đột phá để vận dụng, đổi mới, sáng tạo trong tổ chức thực hiện...
Chắp cánh cho khát vọng vươn lên
Mạch nguồn cảm xúc về một Việt Nam thu nhỏ để nói về Quảng Ninh tiếp tục được nối dài trong các chuyến thăm của nhiều đồng chí lãnh đạo trung ương. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2016 và tháng 4/ 2022 khi thăm Quảng Ninh cũng đã nhắc đến cụm từ này; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi còn là Thủ tướng Chính Phủ về thăm và làm việc với Quảng Ninh năm 2016, năm 2020 và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại nhiều cuộc làm việc với Quảng Ninh cũng đề cập đến cụm từ “Việt Nam thu nhỏ” để nhận định về tiềm năng, lợi thế, cơ hội nổi trội của tỉnh.
Điều này cũng là nỗi niềm trăn trở trong nhiều năm của các thế hệ lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh qua các thời kỳ. Quảng Ninh được trung ương kỳ vọng, sự hưng thịnh của Quảng Ninh - mảnh đất được Bác Hồ đặt tên với khát vọng lớn lao cần được đánh thức tiềm năng, lợi thế. Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội trên thế giới hiện nay, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường…
Trong dòng chảy không ngừng của đất nước, Quảng Ninh cũng hoà nhịp và đạt được những thanh tựu lớn, giá trị của bước chuyển mình rất rõ ràng khi mọi chiến lược đều được quán triệt sâu sắc và có sự nhất quán trong hành động. Như PGS. TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam một trong những người dành rất nhiều tình cảm, sự quan tâm cho tỉnh Quảng Ninh đã nhận định: “Chính sự nhiệt huyết của Quảng Ninh đã trở thành một luận cứ vững chắc để thuyết phục không chỉ Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ hơn nữa mà còn trở thành hình mẫu cho những địa phương khác nghiên cứu…”
Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2022, Quảng Ninh đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt trên 10%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn không thấp hơn 52.600 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%; thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt ít nhất 1,5 tỷ USD.
Bám sát nhiệm vụ, mục tiêu tăng trưởng, vượt qua những thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra, cùng rất nhiều yếu tố bất lợi, khó lường, ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, Quảng Ninh tiếp tục bứt phá vươn lên với tăng trưởng GRDP 9 tháng năm 2022 đạt 10,12% cao hơn 1,27 điểm % so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 40.630 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ; tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt 9,17 triệu lượt, gấp 3,55 lần cùng kỳ. Những kết quả này mang tới niềm tin, sự phấn khởi, tự hào rất lớn trong cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh; tiếp tục là động lực để Quảng Ninh hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra năm 2022 ở mức cao nhất cũng như các chặng đường tới.
Đến với Quảng Ninh hôm nay, ấn tượng không chỉ ở hệ thống hạ tầng đô thị, giao thông đồng bộ, hiện đại mà còn ở chất lượng tăng trưởng được cải thiện đáng kể; quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tăng lên rõ rệt; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững hơn. Đặc biệt, mỗi người dân trong tỉnh đều được hưởng thành quả tăng trưởng; khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền trên địa bàn từng bước được thu hẹp.
Tiếp tục vun đắp và nuôi dưỡng khát vọng vươn lên, tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu; khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế; GRDP bình quân/người hơn 15.000 USD/năm. Tới năm 2045, sẽ là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, có sức cạnh tranh cao; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển; phát triển kinh tế hài hòa giữa các khu vực đô thị và nông thôn; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, Quảng Ninh xác định 4 quan điểm, định hướng lớn, 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và 15 đề án, chương trình trọng điểm… Cùng với đó, toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, chủ động hóa giải các nguy cơ, năng động, tự lực, tự cường với khát vọng đổi mới, sáng tạo, phát triển, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2020-2025, hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2045.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()