Đứng ngợp mình trước hơn 200 ha rừng bạch đàn cự vĩ mơn mởn sức sống ở Quảng Sơn (Hải Hà), một xã có tỷ lệ hộ nghèo lên tới 61%, tôi dường như thấy một cuộc sống no ấm đã về nơi đây. Và trong tương lai không xa, trên địa bàn tỉnh, nhiều vùng đất trống, đồi trọc sẽ được phủ bằng những cánh rừng bạch đàn trồng bằng giống cây mới, phương pháp kỹ thuật mới, cho hiệu quả kinh tế cao như ở Quảng Sơn. Khi ấy, bốn mùa đều Tết trồng cây...

Đoàn đại biểu của các xã trong vùng dự án tham quan mô hình rừng bạch đàn cự vĩ 4 tháng tuổi ở xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà).
Quảng Sơn dậy màu xanh no ấm
Theo Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn Phùn Quay Ón thì đời sống của người dân địa phương chủ yếu dựa vào nông lâm. Thế nhưng, do nhiều lý do, sản xuất nông nghiệp ở Quảng Sơn không đạt năng suất cao. Tỷ lệ diện tích lúa cây 2 vụ vẫn còn hạn chế. Vì vậy, lâm nghiệp vẫn được xem như mũi nhọn kinh tế chủ lực. Song, do thiếu vốn, thiếu kỹ thuật nên sự đầu tư của người dân vào rừng chưa được là bao. Cả xã có trên 500 hộ nhưng chỉ có trên dưới chục hộ đầu tư quy mô bài bản. Cũng vì lẽ đó mà tỷ lệ hộ nghèo ở Quảng Sơn chiếm con số ngất ngưởng: 61%. Do vậy, khi dự án trồng rừng gỗ nguyên liệu cao cấp của Công ty TNHH InnovGreen Quảng Ninh được triển khai tại đây, nó được xem như “dấu mốc” tạo động lực phát triển mới.
Để người dân hiểu rõ lợi ích khi tham gia các hoạt động trong dự án, InnovGreen Quảng Ninh đã bám sát đội ngũ cán bộ lãnh đạo xã và người có uy tín ở các thôn, bản để làm tốt công tác tuyên truyền. Từ chỗ thờ ơ, cuối cùng người dân Quảng Sơn đã biết nắm bắt cơ hội của mình. Ngay từ những ngày triển khai các công việc chuẩn bị, như thu dọn thực bì, đóng bầu cây giống v.v... dự án đã thu hút hàng trăm lao động địa phương tham gia. Qua trò chuyện với người dân, chúng tôi được biết, thu nhập của lao động địa phương khi tham gia dự án được trả xứng đáng. Mức thu nhập cao nhất là 120.000 đồng/người/ngày; mức thu nhập thấp nhất là 40.000 đồng/người/ ngày (theo hình thức khoán). Với diện tích mô hình rừng trên 200 ha, dự án đã giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 100 lao động địa phương; cao điểm có dịp trên 200 lao động. Không chỉ có thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống, những người tham gia dự án trồng rừng ở Quảng Sơn còn có cơ hội học hỏi phương pháp kỹ thuật trồng rừng mới. Bí thư Đảng uỷ xã Đặng Sơn Văn, người đi tiên phong trong lĩnh vực đầu tư trồng rừng ở Quảng Sơn, cho biết: đây là lần đầu tiên ông cũng như bà con địa phương được tiếp cận với phương pháp trồng rừng tiên tiến, hiện đại như thế này. Nếu trước đây, người dân thường đào lỗ cắm cây và chờ cây tự lớn thì nay cách làm của InnovGreen là phải đào hố bằng máy theo đúng quy cách, sử dụng phân bón đúng chủng loại phù hợp với cây và đặc biệt phải bón theo quy trình cụ thể. Không chỉ vậy, đây là lần đầu tiên kỹ thuật ươm giống bạch đàn tạo hom được triển khai ở Quảng Ninh với vườn ươm mẫu đặt ở Quảng Sơn. Các cán bộ kỹ thuật ở InnovGreen cho biết, những người dân địa phương khi tham gia dự án rất quan tâm về kỹ thuật ươm mới. Kể từ khi được trồng cho đến nay, mô hình rừng bạch đàn ở Quảng Sơn mới hơn 4 tháng tuổi song đã có sự phát triển tốt, tỷ lệ thích nghi đạt 95%, tốc độ sinh trưởng chiều cao của cây đạt 0,5m/tháng.
Theo chân các cán bộ dự án, chúng tôi đến nhà bác Tằng Tắc Sềnh, ở thôn 4, đội 7, xã Quảng Sơn. Đây là một trong nhiều hộ gia đình tham gia dự án. Cả 2 vợ chồng bác Sềnh rất phấn khởi. Hai bác cho biết: Từ khi tham gia dự án, đời sống gia đình khấm khá hẳn lên, có đồng ra đồng vào!
Cũng như vợ chồng bác Sềnh, anh Đặng Nhật Phú (ở thôn Lý Van) tỏ ra rất vui vẻ. Mới 22 tuổi, nhưng Phú đã lập gia đình và có một con. Là con trưởng, vợ chồng Phú hiện sống cùng bố mẹ và 6 người em. Kinh tế của cả nhà trông vào 10 sào ruộng. Khi biết dự án cần nhân công lao động, Phú cùng bố mẹ và các em tham gia. Riêng cá nhân Phú nhận làm khoán nên có mức thu nhập cao. Gặp chúng tôi, anh hồ hởi khoe: Từ nguồn thu nhập làm cho dự án, anh đã mua được 1 chiếc xe máy, sắm được một số đồ dùng trong nhà...
Những làng kinh tế - văn hoá tương lai
InnovGreen là một tập đoàn kinh tế của Đài Loan, chính thức đầu tư vào Việt Nam từ năm 2005. Hiện nay, Tập đoàn này đang có một nhà máy chế biến và sản xuất dăm gỗ ở Thanh Hoá và các Công ty con trực thuộc ở nhiều tỉnh, thành phố trong toàn quốc. Năm 2006, InnovGreen chính thức triển khai hoạt động của mình ở địa bàn Quảng Ninh sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án trồng rừng gỗ nguyên liệu cao cấp trên địa bàn tỉnh với quy mô 100.000 ha đạt tiêu chuẩn quốc tế FSC ở 40 xã thuộc 7 huyện, thị xã. Giống cây trồng chủ yếu của dự án là bạch đàn, keo, thông và những giống mới khác. Mục tiêu của InnovGreen là xây dựng vùng nguyên liệu ở Quảng Ninh với công suất cung cấp gỗ ổn định từ 2-3 triệu mét khối/năm. Theo đó, sẽ có 30 khu rừng gỗ công nghiệp tập trung với quy mô trung bình mỗi khu 3.000ha. Điểm mới đồng thời cũng tạo nên sự đặc biệt ở InnovGreen - một doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài - chính là việc kết hợp giữa lợi ích kinh tế với phát triển xã hội tại địa phương. InnovGreen tự đặt cho mình mục tiêu xây dựng 30 làng kinh tế - văn hoá ở các địa bàn có diện tích trồng rừng gỗ công nghiệp từ 2000-3000ha. Tại các làng này, người dân được chăm lo đời sống bằng cách tạo công ăn việc làm lâu dài khi tham gia dự án trồng rừng công nghiệp, trồng cây lâm sản ngoài gỗ, xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở phúc lợi tại các làng. Ngay tại Quảng Sơn, xã đầu tiên triển khai dự án InnovGreen Quảng Ninh, đã thực hiện nhiều hoạt động xã hội như thăm, tặng quà các gia đình chính sách, tổ chức giao lưu văn hoá văn nghệ v.v... Đặc biệt, trong dịp Tết nguyên đán Mậu Tý 2008 này, Công ty TNHH InnovGreen sẽ tặng trên 100 suất quà cho học sinh nghèo ở 4 xã thuộc 2 huyện Tiên Yên, Hải Hà; phối hợp với các đoàn nghệ thuật trong tỉnh tổ chức lưu diễn phục vụ nhân dân tại các xã vùng sâu.
Không chỉ vậy, hiện tại InnovGreen còn đang góp phần thu hút nhiều nhân lực có trình độ trong lĩnh vực lâm nghiệp về làm việc tại Quảng Ninh. Bằng tình yêu rừng và nhận thức về hiệu quả dự án, các kỹ sư lâm nghiệp đã bám cơ sở, trực tiếp công tác ở địa bàn triển khai dự án tham gia hướng dẫn người dân. Những chàng trai mà chúng tôi gặp ở Quảng Sơn như Đinh Xuân Quý, Vũ Đình Hoàn v.v... đều là các kỹ sư lâm nghiệp được đào tạo bài bản. Họ đến từ các vùng quê khác và chọn Quảng Ninh làm “đất lành” để lập nghiệp. Mong ước của họ là góp sức mình cùng với Công ty phủ màu xanh trên những vùng đất trống, đồi trọc. Ông Wang Xiang Dong, Giám đốc Công ty TNHH InnovGreen Quảng Ninh, cho biết: Tập đoàn InnovGreen đã triển khai rất hiệu quả các mô hình trên ở một số tỉnh thuộc Trung Quốc. Với mục tiêu “Vì màu xanh của trái đất”, InnovGreen đã xác định phương châm hoạt động của mình là “Văn hoá ngũ lợi” với 5 đối tượng hưởng lợi là: Nhà nước, xã hội, Công ty, người dân và các nhân viên trong Công ty. Theo ông Wang Xiang Dong, kế hoạch năm 2008, InnovGreen Quảng Ninh tiếp tục triển khai mô hình rừng tại xã Hà Lâu (huyện Tiên Yên) và xây dựng trung tâm sản xuất cây giống hiện đại quy mô 30-50 ha tại Tiên Yên; xây dựng một nhà máy sản xuất phân bón chuyên dùng đặt tại huyện Hải Hà.
Nói về dự án trồng rừng gỗ nguyên liệu cao cấp của InnovGreen, TS Hoàng Công Đãng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận xét: Việc sử dụng bạch đàn cự vĩ, một giống cây mới nhập khẩu cùng với cách làm lâm nghiệp hiện đại, dự án góp phần thay đổi cách nhìn nhận về một loại cây vốn không có “thiện cảm” với người dân và các nhà quản lý. Một trong những hiệu quả sớm nhìn thấy của dự án là tham gia xoá đói giảm nghèo ở các vùng khó khăn, đưa khoa học kỹ thuật đến với bà con...
Hy vọng rằng, với sự hậu thuẫn tích cực của các địa phương và người dân cùng các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh, dự án của InnovGreen sẽ mang lại “tiếng thơm” cho Quảng Ninh về hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài.
Ý kiến (0)