Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:15 (GMT +7)
Khi trường học phải tạm dừng bán trú
Chủ nhật, 23/01/2022 | 08:18:32 [GMT +7] A A
Thời gian qua, các lớp bán trú của các học sinh tiểu học trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tạm dừng để phòng tránh dịch Covid -19 khiến cuộc sống của không ít gia đình bị ảnh hưởng vì lịch biểu đưa đón, trông, giữ con.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT, từ ngày 1/10/2021 đến ngày 4/1/2022, toàn ngành có 406 ca phải điều trị Covid-19, trong đó 316 ca là học sinh mầm non và tiểu học (chiếm 77,83% số ca nhiễm là học sinh). Để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 cho học sinh, từ ngày 7/1/2022 cho đến tết Nguyên đán, các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn tỉnh tạm dừng tổ chức các hoạt động bán trú, các hoạt động tập thể có tập trung đông người. Tăng thời lượng tối đa để tổ chức dạy học trực tiếp 1 buổi trong ngày (buổi sáng hoặc buổi chiều); có thể kết hợp các hình thức dạy học trực tuyến và trực tiếp cho học sinh để đảm bảo hoàn thành chương trình môn học.
Cũng theo báo cáo của Sở GD&ĐT thì trên địa bàn tỉnh hiện có 82.976 học sinh ăn bán trú ở tất cả các trường mầm non, tiểu học. Khi số lượng học sinh này dừng học bán trú, đồng nghĩa với việc có khoảng 70% số gia đình có con ở lứa tuổi tiểu học, mầm non bị ảnh hưởng. Nhịp sống trước đây, bố mẹ cứ buổi sáng lo cho con ăn sáng rồi đưa con đến trường, còn bữa trưa không phải lo lắng gì vì trẻ ăn tại trường, chiều đón con về thì nay phải tìm cách lo bữa trưa cho con.
Anh Hoàng Văn Trung, ở khu Bình Minh, phường Cẩm Bình (TP Cẩm Phả) có 2 con đang học ở Trường Tiểu học Cẩm Bình chia sẻ: Từ khi các con tôi nghỉ học bán trú ở nhà, tôi trở thành ông bố nội trợ. Tôi là công nhân mỏ, trước đây tôi đâu phải nấu nướng gì, đi làm ca ba về là rẽ vào quán phở, rồi về nhà leo lên giường ngủ đến tận 3 giờ chiều. Bây giờ nếu có ngủ thì hơn 10 giờ đã phải dậy, lo đến trường đón con, về nấu ăn cho con. Vợ tôi làm ở xa nhà, nên những buổi tôi làm ca đêm thì tôi lo tất việc nhà, nhưng tuần tôi làm ca 1 thì cô ấy phải cố gắng về nhà buổi trưa, trước đây bữa trưa cô ấy ăn cơm văn phòng. Những ngày cháu được nghỉ cả ngày thì đành phải đưa cháu đi nhờ nội ngoại trông giúp.
Ở các đô thị, người dân sống tập trung nên học sinh không phải đến trường quá xa nhà, hoặc nếu học sinh phải học online thì hầu hết các gia đình đều có thể sắm được điện thoại thông minh cho con nhưng ở các xã, thôn bản, huyện thị khó khăn thì đó là cả một vấn đề.
Chúng tôi đến tìm hiểu tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Nam Sơn (Ba Chẽ). Nam Sơn là xã đã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn năm 2018. Năm học 2021- 2022, Trường có 640 học sinh, trong đó có tới 90% là người dân tộc Dao, sống ở các điểm xa trường học. Đời sống của đa phần người dân xã Nam Sơn còn khó khăn, có nhiều thôn cách xa trung tâm, học sinh phải vượt hàng chục km đến trường. Trong khi, cha mẹ các em đều làm các nghề nông, làm suốt cả ngày trên rừng, ruộng nên ít có điều kiện để đưa đón hay nấu cơm cho con ăn để đi học đúng giờ.
Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Chung chia sẻ: “Rất may học sinh vẫn chưa phải học online, nếu không rất khó với nhiều em ở các thôn, bản khó khăn, nhà không có điện thoại thông minh để học, vì đây vẫn là tài sản lớn của nhiều gia đình. Còn các em có điện thoại thì việc học cũng vẫn gặp khó khăn vì mạng internet ở nhiều thôn bản vẫn kém.
Em Lý Khánh Minh, học sinh lớp 4, nhà ở thôn Khe Hố, xã Nam Sơn cho biết: "Từ nhà con đến trường xa quá và rất vất vả cho bố con hàng ngày phải dậy sớm lo cho con đến trường, buổi trưa lại đón con đi học về. Trong khi, chỗ bố mẹ làm rừng, làm ruộng, cách xa nhà, để từ chỗ đó về được nhà cũng phải vượt một quãng đường dài. Con chỉ mong sao dịch bệnh hết để chúng con được vô tư khi đến trường, không phải kín mít với chiếc khẩu trang, được tổ chức các buổi sinh hoạt văn nghệ, đốt lửa trại...
Tết Nguyên đán cũng sắp đến, chỉ mong sao dịch bệnh sớm hết hẳn để trả lại cuộc sống bình thường cho mọi người.
Anh Vũ
Liên kết website
Ý kiến ()