Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 03:22 (GMT +7)
Khi người nghèo được trao "cần câu"
Chủ nhật, 01/08/2021 | 13:55:58 [GMT +7] A A
Việc xóa nghèo ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa trước đây rất khó khăn, lý do đưa ra thường là do người nghèo lười lao động, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, thiếu ý thức về văn hóa và môi trường.
Những năm gần đây, từ thành công trong việc xây dựng nông thôn mới tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, hạ tầng cơ sở ở các thôn, bản được đầu tư đã góp phần nâng cao rõ rệt ý thức của người dân, bà con đã hăng hái bắt tay vào làm giàu...
Thôn Đài Van (xã Đài Xuyên, huyện Vân Đồn) trước khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới có 100% số hộ nghèo, đường giao thông rất xấu, nhiều người không biết chữ… Ngày nay, 100% các con đường thôn đã được bê tông hóa, giống như “chiếc cần câu” để người dân câu được con cá lớn.
Anh Lỷ A Nhì, thôn Đài Van thỉnh thoảng nhớ lại một thời sống trong nhà tranh tre, quần áo mặc chẳng mấy khi được lành lặn. Vậy mà nay, anh Nhì đã xây được ngôi nhà 2 tầng mái Thái rất kiểu cách mà thế hệ trước anh chẳng mơ tới được. Vẫn đất ấy, con người ấy, nhưng trước đây đường sá không có, anh Nhì tham gia trồng keo, nhưng giá keo 1ha chỉ bán được hơn 30 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư là gần hết.
Do không có đường, thương lái không tìm đến mua, hoặc có mua cũng chỉ trả rẻ, do họ phải thuê người vác từng cây gỗ ra khỏi rừng, rồi lại quãng đường dài ra khỏi thôn. Bây giờ đường tốt, giá keo lên đến gần trăm triệu đồng/ha lại dễ bán hơn, do xe cơ giới vào đến tận chân rừng. Từ trồng cây keo mà anh Nhì đã cải thiện rõ rệt cuộc sống. Toàn thôn Đài Van giờ không còn ai ở nhà tranh tre mà 100% số hộ đã xây được nhà kiên cố.
Ở huyện Tiên Yên có thôn Nà Cam (xã Đại Dực) từ năm 2016 trở về trước, tỷ lệ hộ nghèo luôn duy trì 100%, cũng do trước đó, giao thông ở Nà Cam đi lại rất khó khăn. Năm 2017, xã đã tập trung nguồn 135 dồn lại của mấy năm, ưu tiên đầu tư vào Nà Cam làm mới đường dài 7km, tổng đầu tư ước tính hơn 7 tỷ đồng, nối liền với xã Húc Động (huyện Bình Liêu). Đây là con đường liên xã, liên huyện giúp Nà Cam phát triển kinh tế và thay đổi một cách toàn diện.
Bây giờ, Nà Cam đã thực sự “thay da đổi thịt”, xen lẫn giữa màu xanh trùng điệp của núi rừng, thấp thoáng là những ngôi nhà cao tầng, nom kiểu dáng đẹp chẳng kém gì nhà dưới xuôi. Bà con thu hoạch quế, hồi đã có đường giao thông thuận tiện để đi bán. Nhiều người đứng ra bao tiêu sản phẩm cho các hộ khác, thôn đã có 3 hộ mua được xe ô tô, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Khi có điện lưới, ý thức xây dựng đời sống của người dân cũng được nâng cao hơn trước nhiều. Chúng tôi đến Quảng Lâm, là xã mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn năm 2019 và hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2020. Chuyện giáo viên đến các gia đình vận động học sinh đến trường vào đầu năm học đã không còn từ lâu vì giao thông đã tốt hơn, ý thức của các bậc phụ huynh cũng đã được nâng lên rõ rệt.
Tiêu biểu như anh Chìu Cắm Hẻn ở bản Sẹc Lống Mìn (xã Quảng Lâm) đã hiến hơn 200m2 đất để mở rộng Điểm trường Tiểu học Sẹc Lống Mìn cho con em trong bản có điểm trường khang trang học tập tốt hơn. Hay anh Trạc A Sập cũng ở bản Sẹc Lống Mìn, hiến 500m2 đất của gia đình, để mở rộng nhà văn hóa bản (nhà văn hóa hiện nay có diện tích 660m2, trước đây chỉ 160m2) để người dân trong bản có chỗ vui chơi, rèn luyện thể thao và ca hát.
Tuy là bản nghèo, nhưng người dân Sẹc Lống Mìn cũng bảo nhau đóng góp hơn 400 triệu cùng với số tiền hỗ trợ của nhà nước (800 triệu đồng) để hoàn thành nhà văn hóa. Từ chỗ có nhà văn hóa, bản Sẹc Lống Mìn đang hướng tới thành lập các đội văn nghệ hát Soọng Cô của người Dao và hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ là 2 dân tộc chủ đạo ở bản.
Người dân cũng tự nâng cao ý thức về môi trường. Có một thời ở các xã vùng cao rất khó vận động người dân di dời chuồng trâu xa nhà, nhưng khi có điện lưới thì không cần ai nhắc, bà con tự làm. Vì con trâu là tài sản lớn của nhiều gia đình, khi không có ánh sáng tạo điều kiện cho trộm trâu hoạt động, mặt khác buổi tối bà con cũng phải chăm sóc trâu. Cùng với đó, ở các con đường nhỏ của thôn bản, người dân đã chung tay đóng góp ngày công, kinh phí để làm các đường điện chiếu sáng thôn, bản, rồi cùng hội phụ nữ trồng hoa tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp hơn.
Anh Vũ
Liên kết website
Ý kiến ()