Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:55 (GMT +7)
Khi nhạc phim 'thoát' phim
Chủ nhật, 23/07/2023 | 10:38:18 [GMT +7] A A
Ca khúc nhạc phim ra đời với sứ mệnh làm nền, tạo hiệu ứng và truyền cảm hứng cho bộ phim tới khán giả. Nhưng cũng có những ca khúc vượt lên cả bộ phim, sống đời sống riêng mãnh liệt trong dòng chảy âm nhạc hiện đại.
“Chắp cánh” cho phim…
Mới đây, nhạc sĩ Dương Trường Giang vừa chính thức phát hành MV ca khúc “A í a”, là bài hát chủ đề của bộ phim truyền hình “Cuộc đời vẫn đẹp sao”. Ca khúc da diết, sâu lắng như tiếng lòng của những nhân vật trong phim, kể câu chuyện đời thường, mưu sinh của người lao động với nhiều hoàn cảnh khác nhau. Đây cũng là lần đầu tiên có một ca khúc nhạc phim được thực hiện với sự góp mặt của tất cả dàn diễn viên chính, tại bối cảnh quen thuộc của bộ phim, như một món quà đoàn làm phim tri ân tình cảm khán giả khi phim kết thúc.
Âm nhạc của Dương Trường Giang mộc mạc, giản dị mà không kém phần sâu sắc, lãng mạn. Trước đó, anh cũng “gây sốt” với nhạc phim “Lặng yên dưới vực sâu”, “11 tháng 5 ngày”. Kể từ khi ra mắt, ca khúc “ 11 tháng 5 ngày” cũng là một trong những bản nhạc phim có nhiều bản cover (hát lại) nhất trong suốt thời gian đó. Trên các nền tảng nghe nhạc số, ca khúc thậm chí đã cán mốc 70 triệu view khi được khán giả nghe đi nghe lại nhiều lần. Ca khúc “Lặng yên” chỉ sau 4 ngày đăng tải trên trang fanpage của bộ phim “Lặng yên dưới vực sâu” cũng đã thu hút hơn 11.000 lượt xem và “làm mưa làm gió” trên các trang nghe nhạc trực tuyến.
Ca khúc “Tìm về”, nhạc phim của “Gia đình mình vui bất thình lình” cũng đang gây thương nhớ cho khán giả bằng ca từ gần gũi, tự nhiên, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ đi vào lòng người: “Là nơi, là nơi đôi tay con đếm những tiếng cười. Đâu hay câu hát thắp sao trời. Đôi tay con nắm ngón tay người. Và nơi, nơi ấy con gọi là nhà…. Hãy nói với con, nhà là nơi này”. Những giai điệu nhẹ nhàng, hiện đại vang lên sau từng tập phim kết thúc đã mang lại những cảm xúc nhẹ nhõm, lắng đọng cho người xem. Điều thú vị, đây là lần đầu tiên nhóm nhạc rock Lý Bực thử sức mình ở lĩnh vực sáng tác ca khúc nhạc phim.
Ngoài ra, một loạt ca khúc trước đó được khán giả yêu thích cùng với sức hút của bộ phim trong thời gian qua như “Cảm ơn con nhé” (phim “Về nhà đi con”), “Khi tình yêu bắt đầu” (phim “Cả một đời ân oán”), “Mê cung” (phim “Mê cung”), “Lặng yên” (phim “Lặng yên dưới vực sâu”), “Yêu là thế ư?” (phim “Hướng dương ngược nắng”)... Không thể phủ nhận, độ “hot” của nhạc phim đã giúp các bộ phim nhận được sự chú ý nhiều hơn của khán giả. Thậm chí, nhiều ca khúc còn được tung ra trước để kéo khán giả khi phim còn chưa lên sóng, như chùm nhạc phim “Zippo, mù tạt và em”.
… Và “thoát” phim
Trên thực tế, vượt ra khỏi khuôn khổ của một bộ phim, nhiều ca khúc đã trở thành những tác phẩm âm nhạc có đời sống độc lập, mãnh liệt. Cho đến nay, sau hơn 25 năm ra đời, “Mong ước kỷ niệm xưa” (nhạc sĩ Xuân Phương) vẫn được bình chọn là một trong những ca khúc nhạc phim hay nhất viết về tuổi học trò và gắn liền với bộ phim đình đám về cuộc sống sinh viên “Xin hãy tin em”. Đây cũng là “bài tủ” của rất nhiều người trong các sự kiện chia tay cuối cấp, hội khóa, về thăm trường cũ…
Nhạc sĩ Vũ Thảo được gọi là “ông vua viết nhạc phim” vì số lượng ca khúc ông viết cho phim truyền hình có thể lên tới hàng trăm tập phim. Trong đó phải kể tới ca khúc “Những bước chân lặng lẽ” (trong seri phim “Cảnh sát hình sự”). Không còn chỉ là một ca khúc nhạc phim, “Những bước chân lặng lẽ” được ví như một trong những tác phẩm thuộc thể loại “ngành ca” của lực lượng Cảnh sát hình sự.
Với gia tài hơn 40 ca khúc nhạc phim, nhiều tác phẩm của Phùng Tiến Minh như “Nơi tình yêu bắt đầu” “Vệt nắng cuối trời”, “Con đường hạnh phúc” cũng liên tục làm mưa làm gió trên các sân khấu lớn hay các cuộc thi âm nhạc. “Nơi tình yêu bắt đầu”, vốn được viết cho phim “Siêu thị tình yêu” ra mắt năm 2009. Cho đến giờ, nhiều người có thể không nhớ nội dung phim, nhưng giai điệu: “Ta quen nhau đã bao lâu rồi/ Hỡi đêm đêm có hay” thì rất ít người không biết đến. Hay với các ca khúc “Vệt nắng cuối trời”, “Đi qua bóng tối”… sau khi phim ra mắt gần chục năm đến giờ vẫn còn nhiều người yêu thích.
Ca khúc “Anh” gắn bó với tên tuổi nữ ca sĩ Hồ Quỳnh Hương và là một trong những ca khúc về tình yêu được giới trẻ đánh giá là không-thể-không-nghe. Nhưng hầu như rất ít người biết nó vốn dĩ là ca khúc được nhạc sĩ Xuân Phương sáng tác cho bộ phim “Nghe trà” của đạo diễn Danh Dũng. Oái oăm là bộ phim thì “mất hút” sau khi ra đời, còn ca khúc nhạc phim lại nổi như cồn, góp phần tạo nên sự nghiệp của ca sĩ Hồ Quỳnh Hương.
“Cảm ơn con nhé” của nhạc sĩ Quốc An với giai điệu tha thiết, mộc mạc thể hiện tình cảm của người cha dành cho con với bao chan chứa xúc động đã chạm tới trái tim công chúng. Sau này, khi bộ phim “Về nhà đi con” đã kết thúc nhưng ca khúc vẫn thường xuyên được biểu diễn trên các sân khấu. Những bài hát nhạc sĩ Quốc An viết cho các phim truyền hình gần như đều được ca sĩ phát hành sản phẩm sau đó hoặc dùng để biểu diễn rất nhiều, như: “Bến bờ yêu thương” (phim “Cô nàng bướng bỉnh”), “Xin lỗi mẹ” (phim “Ảo vọng”), “Lạc bước hoang mang” (phim “Đường hoang lạc bước”)...
Các nhạc sĩ cho biết, thường có hai lựa chọn cho ca khúc chủ đề của một bộ phim truyền hình: Sáng tác mới hoặc chọn ca khúc có sẵn từ trước phù hợp với nội dung. Đạo diễn và nhà sản xuất vẫn chuộng các sáng tác mới hơn, để chuyển tải được đầy đủ nội dung và thông điệp của bộ phim… Nếu như với một ca khúc thông thường, nhạc sĩ có thể viết bất kỳ đề tài nào mình muốn. Nhưng để viết ca khúc cho phim, các nhạc sĩ đều phải nghiên cứu kịch bản để nội dung ca khúc bám sát với mạch phim nhất.
Theo nhạc sĩ Lê Anh Dũng, từ thể loại âm nhạc, cách hòa âm, nội dung lời hát đến ca sĩ thể hiện... đều phải phù hợp với nội dung. Nhưng vẫn phải hay và hấp dẫn. Điều này không hề dễ bởi không phải nghệ sĩ nào cũng quen với việc vừa sáng tạo vừa bị “gò”. Ca khúc nhạc phim “Hương vị tình thân” được nhạc sĩ Trần Quang Duy sáng tác rất nhanh: sáng viết, chiều phối, tối thu âm, gửi đi và ngay lập tức được duyệt. Tuy nhiên, ít ai biết, để có được tác phẩm “một phát ăn ngay” đó, anh đã phải nghiền ngẫm suốt 70 tập phim. Còn nhạc sĩ Quốc An luôn sáng tác với nguyên tắc: Bám sát nội dung phim nhưng xác định không viết riêng bài hát cho phim, bởi vậy luôn chăm chút cho tác phẩm của mình để làm sao khi phim kết thúc, bài hát vẫn tiếp tục “sống” được.
Theo Tiền phong
Liên kết website
Ý kiến ()