Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:45 (GMT +7)
Khó khăn bủa vây, "giải cứu" doanh nghiệp mùa COVID-19
Thứ 7, 31/07/2021 | 10:41:56 [GMT +7] A A
Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, mất cân đối dòng tiền, khó khăn trong quản trị... hàng loạt khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp.
Chiều qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính về việc bổ sung các giải pháp hỗ trợ tiếp theo cho người dân, doanh nghiệp chịu tác động của dịch COVID-19, trong đó có gói hỗ trợ 24.000 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, cùng Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan, hoàn thiện phương án theo trình tự thủ tục rút gọn, trình Thủ tướng trước ngày 10/8 để xem xét, quyết định.
Tuy nhiên, để gói hỗ trợ này có thể được giải ngân vào thực tế thì cũng sẽ còn phải chờ một thời gian nữa, trong khi đó, với bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành phía Nam, hàng loạt các quy định để thực hiện mục tiêu kép đã được đưa ra. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn phát sinh.
Khó khăn "bủa vây" doanh nghiệp
Áp lực lô hàng xuất khẩu đi Nhật Bản theo đúng thời gian hợp đồng, một công ty may mặc chọn giải pháp phương án "3 tại chỗ" để hoàn thiện đóng gói. Tuy nhiên, số lượng lao động tham gia ít, đối tác trong chuỗi cung ứng đã ngưng cung cấp nguyên liệu cộng với chi phí sản xuất đội lên cao… Doanh nghiệp buộc phải tạm dừng hoạt động.
"Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là dòng tiền. Doanh nghiệp ngừng hoạt động một phần nhưng có rất nhiều khách hàng mình đã giao từ trước nhưng mà bản thân khách hàng cũng đã tạm ngừng hoạt động cho nên không có dòng tiền khách hàng trả mình thì mình cũng không có tiền trả cho đối tác thì đó là chuỗi xoay cứ vướng lẫn nhau", ông Phạm Quang Anh - Tổng giám đốc Công ty may mặc Dony cho biết.
Còn đối với doanh nghiệp này, để tránh lây nhiễm trong quá trình "3 tại chỗ" nhưng chỉ hoạt động khâu sản xuất và lưu kho sản phẩm chứ không lưu thông được. Do đó, doanh thu trong tháng 7 đã giảm hơn 50%.
"Kiến nghị với các ngân hàng gia hạn khoản vay của chúng tôi ít nhất là 3 tháng kể từ ngày đáo hạn. Vì không gia hạn khoản vay thì chúng tôi phải tất toán khoản vay thì không có nguồn tài chính trả lương, duy trì cuộc sống cho cán bộ công nhân viên", ông Trần Thành Trọng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sáng Ban Mai đề xuất.
Theo Hội Dệt May Thêu Đan TP Hồ Chí Minh, đây là thời điểm ngành dệt may tăng cường hoàn thiện các đơn hàng, nối lại chuỗi cung ứng đã đứt gãy từ trước. Tuy nhiên, với số lượng công nhân lớn, chi phí sản xuất tăng cao với việc thiếu hụt nguồn nguyên phụ liệu… hiện số doanh nghiệp duy trì sản xuất đáp ứng "3 tại chỗ" chỉ dưới 20%. Để kịp thời hỗ trợ người lao động tạm và ngưng việc, các doanh nghiệp kiến nghị cần thay đổi cách tính phần nợ xấu của ngân hàng hiện nay.
"Bây giờ doanh nghiệp ngưng trong 30 - 45 ngày thì tình hình nợ xấu sẽ không xuất hiện, nếu doanh nghiệp ngưng sản xuất 45 ngày trở lên, thì tình hình nợ xấu sẽ xuất hiện do năm ngoái chúng ta cơ cấu thì năm nay dù 1 ngày lãi thì ngân hàng cũng chuyển nhóm nợ", ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP Hồ Chí Minh cho biết.
Còn ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết cần giảm sâu, giảm ngay những vấn đề về lãi suất trên tổng dư nợ của các doanh nghiệp. Đó là biện pháp thiết thực để doanh nghiệp bảo tồn lực lượng và tồn tại.
Các doanh nghiệp cũng cho rằng, những chính sách hỗ trợ về giãn hoãn thuế, tiền thuê đất… trước đây cũng khó hấp thụ do điều kiện, thủ tục giải quyết hồ sơ còn chậm. Do đó cần những chính sách hỗ trợ mới để khôi phục sản xuất.
Đồng hành và hỗ trợ của chính quyền địa phương
Để tăng hiệu quả công tác quản lý, mới đây TP Hồ Chí Minh đã thành lập tổ tư vấn cho lãnh đạo thành phố về các chính sách ứng phó với dịch bệnh cũng như phục hồi kinh tế sau dịch.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, thành viên của Tổ tư vấn, về các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, hiện nay riêng đối với các địa phương có dịch phức tạp như TP Hồ Chí Minh, cần có các chính sách hỗ trực tiếp từ ngân sách địa phương cho doanh nghiệp.
Cụ thể, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành kiến nghị, bên cạnh việc giám sát, chính quyền cần có sự hỗ trợ, hướng dẫn "sát cánh" để tổ chức lại dây chuyền sản xuất sao cho phù hợp, duy trì tốt nhất có thể hoạt động của doanh nghiệp.
Ngoài ra, ngân sách Nhà nước hay địa phương cần phải cấp bách đưa ra các hỗ trợ trực tiếp về mặt tài chính để chia sẻ cho doanh nghiệp. Ví dụ chi phí như xét nghiệm cho toàn bộ người lao động, ngân sách nên hỗ trợ từ 30-50%. Hay như giảm thuế giá trị gia tăng, vừa có lợi cho doanh nghiệp, vừa có lợi cho người tiêu dùng.
"Đây là thời điểm mà Nhà nước phải tăng chi ngân sách. Không chỉ là công tác phòng chống dịch trực tiếp mà là nguồn tài chính được chi trực tiếp cho các doanh nghiệp hỗ trợ người lao động trong tình huống này. Không chỉ là hỗ trợ doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất hay nguời lao động mất việc trong giai đoạn COVID-19 mà cả những doanh nghiệp vẫn đang sản xuất", ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên trường chính sách công và quản lý Fulbright đề xuất.
Tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp
Tháng 4 vừa qua, Nghị định 52 của Chính phủ cũng được ban hành về giãn hoãn thuế cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay Tổng cục thuế chỉ nhận được khoảng gần 65.000 đơn đề nghị gia hạn các loại thuế với tổng giá trị hơn 35.000 tỉ đồng, ít hơn rất nhiều so với mức dự kiến là 115 ngàn tỷ đồng. Trước thực tế này, Văn phòng Chính Phủ cũng vừa phát đi thông báo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về báo cáo tổng hợp phản ánh kiến nghị của các doanh nghiệp để đưa ra chính sách hỗ trợ kịp thời.
Cụ thể, theo khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, mới đây, hơn 91% hiệp hội đề xuất Chính phủ tiếp tục xem xét các chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn các khoản đóng góp nghĩa vụ thuế, phí cho doanh nghiệp tới hết 2022.
Ngoài ra, tổng hợp các đề xuất trong báo cáo với 3 nhóm chính sách chính:
+ Hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19;
+ Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại, khó khăn trong dịch
+ Thúc đẩy nhanh, hiệu quả chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19
Đáng chú ý, báo cáo đề cập rằng, đang có sự sụt giảm kỳ vọng từ phía doanh nghiệp đối với các chính sách hỗ trợ thời gian qua. Do đó, đối với các chính sách mới, doanh nghiệp mong các cơ quan chức năng chú trọng vào tính hiệu quả, thiết thực, nhanh chóng phát huy giá trị.
Theo các chuyên gia, trong bối hơn 1 năm qua, rất nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy sản xuất, ít lợi nhuận, do vậy việc giãn hay hoãn thuế vì thế ít phát huy tác dụng. Do đó, để tăng tính hiệu quả của các gói hỗ trợ, cần mạnh tay giảm thuế, ví dụ như thuế giá trị gia tăng, hay các chính sách cho vay lãi suất 0% hỗ trợ trả lương cho người lao động.
Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn nhận định rằng gói hỗ trợ và kích thích hiệu quả nhất hiện nay là làm sao hỗ trợ cho doanh nghiệp giảm các chi phí như điện, nước, trả lương người lao động bằng các gói vay lãi suất 0%.
Đây là cách doanh nghiệp giữ lại được nhân sự chủ chốt để khi họ quay trở lại sản xuất thì có ngay đội ngũ nhân sự để tiếp tục vận hành.
"Với thực tế ở Anh thì điều này cực kỳ quan trọng. Bởi hiện nay khi nền kinh tế ở Anh quay lại gần như 80-90% thì xuất hiện tình trạng thiếu lao động của các doanh nghiệp khi quay trở lại khi mà lực lượng lao động chủ chốt họ nghỉ việc và chuyển qua ngành khác", Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên đại học Bristol, Anh Quốc cho biết.
Việc tăng giải pháp để đẩy mạnh hiệu quả giải ngân các gói hỗ trợ, ông Tuấn cũng kiến nghị cần có giải pháp như có thể thành lập một tổ chức tài chính mới chuyên phụ trách việc giải ngân gói hỗ trợ. Tổ chức này không trực tiếp giải ngân mà phân về các ngân hàng thương mại, với các quy trình đơn giản và minh bạch nhất có thể.
"Đây là một gói riêng mà các ngân hàng họ chỉ làm một việc đó là giải ngân. Hệ thống này nó hiệu quả hơn rất nhiều so với các hệ thống khác vì ngân hàng họ có kinh nghiệm trong việc gỉai ngân tiền đồng thời họ cũng hiểu được doanh nghiệp", Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn đề xuất thêm.
Ngoài ra theo các chuyên gia, cũng cần phải xác định ngành mũi nhọn của Việt Nam nào phải được hỗ trợ nhiều hơn. Ví dụ như hiện nay ở ngành dệt may khi đã có hiện tượng đối tác rút đơn hàng và chuyển sang một số nước khác. Do đó, cần nhanh chóng có những hỗ trợ cho những doanh nghiệp Việt có lợi thế này để họ nhanh chóng quay trở lại sản xuất, tránh bị đứt gãy lâu dài.
Các chuyên gia cũng cho rằng, hiện một số nước đã chấp nhận một mức thâm hụt ngân sách nhất định, gọi là chi tiêu bất thường để hỗ trợ nền kinh tế. Do đó, Việt Nam cũng có thể sử dụng khoảng ngân sách tương ứng 3-4% GDP, tức là hơn 150.000 tỷ đổng để triển khai thêm các gói hỗ trợ. Bởi việc này không chỉ có hỗ trợ doanh nghiệp mà còn có cơ hội giữ lại nhiều nhất các hoạt động sản xuất quan trọng, có lợi về lâu dài cho nền kinh tế.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()