Tất cả chuyên mục

Bây giờ chỉ với vài ngàn đồng là có thể mua được một chiếc đĩa VCD, DVD có nội dung ở bất kỳ một dịch vụ kinh doanh băng đĩa nào, thậm chí chỉ ngồi ở nhà cũng có người mang đến tận nơi rao bán. Bên cạnh thuận lợi này, là mối lo không ít băng đĩa mang nội dung thiếu lành mạnh, ngoài tầm kiểm soát...
“Mục sở thị” tại một số cửa hàng băng đĩa trên địa bàn TP Hạ Long, thấy thị trường băng đĩa lậu có “chỗ đứng khá vững” so với những đĩa nhạc có nguồn gốc chính thống. 1kg đĩa trắng khoảng 30 chiếc giá từ 15.000 - 20.000 đồng. Bằng kỹ thuật sang, in đơn giản mà hầu hết các cửa hàng kinh doanh băng đĩa có thể làm được, bán với giá từ 5.000 - 10.000 đồng. Với “siêu lợi nhuận” như vậy, băng đĩa chính thống có nguồn gốc được dán tem bảo đảm khó mà chen chân vào được, các chủ cửa hàng cũng khó lòng mà từ bỏ mối lợi này, băng đĩa lậu tha hồ có cơ hội “làm mưa làm gió” trên thị trường.
![]() |
Lực lượng chức năng của tỉnh tiêu huỷ đầu đĩa, băng đĩa hình lậu. |
Đáng ngại hơn, băng đĩa lậu còn được bán rong. Chỉ với một chiếc giỏ gọn nhẹ với vài chục chiếc đĩa, các “cửa hàng di động” này có mặt ở tất cả mọi nơi đầu xóm, cuối ngõ với đầy đủ các loại băng đĩa phục vụ nhu cầu của khách hàng. Đội ngũ bán hàng này hầu như không được ai kiểm soát, do vậy cũng mặc sức bán đủ loại đĩa, đủ nội dung. Một lần ngồi chờ xe ở một quán nước cạnh cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tôi được chứng kiến những người bán hàng rong đĩa lậu (hầu hết là đĩa ca nhạc thông thường) bày trên giỏ, bán với giá từ 5.000 - 10.000 đồng/chiếc. Ngoài chiếc giỏ, những người này đeo trên vai một chiếc túi xách, bên trong là những chiếc đĩa có nội dung không lành mạnh, chỉ bán cho những người chủ động hỏi mua…
Do không qua kiểm duyệt của cơ quan chủ quản, nên chất lượng băng đĩa không đảm bảo, nhiều đĩa bị xước, vấp ngay từ lần đầu sử dụng. Không ít tình trạng vỏ giới thiệu một đằng, nội dung một nẻo. Thế nhưng những băng đĩa này vẫn được bán với số lượng nhiều và vẫn được khách hàng sử dụng. Một lần vào một cửa hàng bán đĩa trên đường Lê Thánh Tông (TP Hạ Long), hỏi mua một chiếc đĩa “xịn” có tem nhãn của ca sĩ Mỹ Tâm, thì được chủ cửa hàng trả lời: “Mua đĩa tem nhãn làm gì cho đắt hả em, loại đĩa này chị chỉ nhập về vài chục chiếc để trưng bày cho mang tính chuyên nghiệp, bởi hiếm người hỏi mua lắm. Một tháng cửa hàng chị chỉ bán được khoảng chục chiếc là cùng. Phần đông khách hàng mua đĩa không tem nhãn vì nội dung vẫn thế, cũng chỉ xem vài ba lần là bỏ đi thôi mà…”. Thực tế, nhu cầu của khách hàng khá dễ tính, hầu hết chọn mua đĩa lậu có giá rẻ và chỉ xem để biết nội dung, còn chất lượng không mấy quan tâm. Có cầu thì phải có cung, do vậy các chủ cửa hàng phần lớn nhập đĩa lậu về để bán, lợi nhuận nhiều hơn là bán những đĩa có bảo hành, tem nhãn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tình trạng băng đĩa lậu vẫn có nhiều cơ hội để tồn tại và phát triển.
Trao đổi với một số cán bộ quản lý văn hoá và công an TP Hạ Long về vấn đề này, được biết: Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có khá nhiều biện pháp ngăn chặn nạn băng đĩa lậu, nhưng vô cùng khó khăn. Lực lượng thanh tra mỏng, sự phối hợp giữa các ngành chức năng thiếu chặt chẽ và chồng chéo, nên việc xử lý các trường hợp vi phạm chỉ mang tính hình thức, không có tác dụng răn đe. Đầu năm 2011, Nghị định 75 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá, quy định xử phạt người tiêu thụ băng đĩa lậu bắt đầu có hiệu lực, tạo hành lang pháp lý giúp hoạt động quản lý thị trường kinh doanh băng đĩa hình đạt hiệu quả hơn. Tuy nhiên, theo Nghị định, người mua băng đĩa không dán nhãn, dán nhãn giả với số lượng từ 10 bản trở lên mới bị xử phạt. Đây chính là điểm khiến Nghị định khó thực hiện trong thực tế, vì phần lớn khách hàng mua lẻ với số lượng một vài chiếc. Bên cạnh đó chính ý thức tự giác của một bộ phận không nhỏ người dân cũng chưa được phát huy, vẫn vô tình tiếp tay cho những việc làm phạm pháp. Vì vậy cuộc chiến với băng đĩa lậu vẫn là bài toán khó trong quản lý hoạt động kinh doanh băng đĩa không chỉ ở Quảng Ninh mà ở nhiều địa phương trong cả nước.
Thu - Hương
Ý kiến (0)