Tất cả chuyên mục

Quảng Ninh xưa kia là mảnh đất phát triển sâu rộng phong trào khuyến học, khuyến tài để góp phần khích lệ, động viên con cháu dấn thân khoa cử, đỗ đạt.
![]() |
Cổng Văn miếu Quảng Yên xưa qua tranh vẽ. |
Chỉ nói riêng TX Quảng Yên xưa là tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Yên đã từng xây dựng nơi tôn vinh những người đỗ đạt của làng, xã. Một trong những di tích ấy là Văn chỉ Khê Chanh, thuộc xóm Bãi, phường Quảng Yên. Văn chỉ Khê Chanh có nguồn gốc từ Văn Thánh miếu (do nhà vua lập ra) ở Quảng Yên được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 17, thờ Khổng Tử và Tứ phối (gồm Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử) và 10 vị học trò tài giỏi khác của Khổng Tử) để chăm lo việc học cho nhân dân lộ An Bang (sau là trấn Yên Quảng rồi đến tỉnh Quảng Yên).
Đồng thời, với sự ra đời Văn Thánh miếu ở đây, khoảng cuối thế kỷ 17, hầu hết 23 làng cổ đều xây dựng văn từ, văn chỉ để thờ những người học hành đỗ đạt của làng. Phía đầu hồi bên trái có một tấm bia cỡ lớn mang tên “Khê Chanh hương hiền bi” (bia ghi tên những người hiền của làng Khê Chanh) ghi danh 29 người con đỗ đạt của làng.
Đến thời nhà Nguyễn có nhiều thay đổi đối với giáo dục ở tỉnh Quảng Yên. Từ năm 1823, ở Quảng Yên đã có người làm đốc học và được cấp dấu ấn quan phòng. Các phủ đều có người dạy học nên người đi học ở Quảng Yên tăng nhiều hơn trước.
Tuy nhiên, đến năm 1835, triều đình lại bỏ chức đốc học giao cho quan Án sát giữ ấn quan phòng lo việc học; ở phủ Hải Ninh được đặt chức giáo thụ và làm trường dạy học; còn ở huyện Hoành Bồ, huyện Nghiêu Phong, châu Tiên Yên và châu Vạn Ninh thì đặt chức Huấn đạo. Ba năm sau đó, tri huyện Hoành Bồ, chi châu Vạn Ninh kiêm luôn việc giáo thụ của địa phương.
Năm 1848, tỉnh Quảng Yên lại đổi chức đốc học bằng tên mới gọi là ty. Các phủ huyện đều có huấn đạo giáo thụ. Một trong các giáo thụ Quảng Yên là Vũ Đức Mẫu từng đỗ đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi Bính Tuất 1826 sau ra làm giáo thụ Hải Ninh.
Như vậy, có thể thấy rằng triều Nguyễn liên tục thay đổi thiết chế và mô hình giáo dục với 4 mô hình tổ chức khác nhau ở Quảng Yên. Sự thiếu ổn định đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp giáo dục. Vì thế mà trong 74 năm từ 1807 đến 1881, người Quảng Yên tham gia đến 16 khoa thi nhưng chỉ có 3 người đỗ cử nhân.
![]() |
Văn chỉ Khê Chanh nay đã được phục dựng. |
Theo các nhà nghiên cứu, từ khoa thi 1374 Trần Đình Thâm đỗ Thám hoa đến khoa thi hương cuối cùng, sự nghiệp giáo dục tỉnh Quảng Yên có một số điểm cần đề cập như: Năm 1397, phủ Tân An được đặt học quan (1398 vua Trần Thuận Tông cấp ruộng cho người là giáo dục), năm 1420 trở đi Hải Đông có Ty nho học và từ 1830, Yên Quảng có Đốc học. Từ 1813 đến 1938, người Quảng Yên thi hương tại trường thi Nam Định có 14 người đỗ thi hương.
Không chỉ có văn từ mà Quảng Yên xưa đã từng có văn miếu góp phần tri ân công đức tiền nhân, tôn vinh sự học hành, khoa cử. Văn miếu Quảng Yên được xây dựng tại núi Long Nhãn, thôn Khê Chanh. Năm 1829, triều đình đã cho Quảng Yên xây dựng lại Văn thánh miếu và Nhà học chính tại Quỳnh Lâu (khu vực cơ quan Sư đoàn 395, Quân khu 3, thuộc địa phận phường Cộng Hòa hiện nay) để đào tạo sĩ tử và quan lại.
Do nhu cầu học hành ngày một tăng, sau này Nhà học chính được nâng lên thành Trường Huấn đạo. Năm 1849, Trường Huấn đạo được đổi thành Giáo thụ đào tạo tú tài cho các huyện Yên Hưng, Hoành Bồ, Nghiêu Phong, châu Hải Ninh, châu Tiên Yên. Trong trường học có xây Văn thánh miếu, thường gọi là Văn miếu.
Sau này, khi thực dân Pháp chiếm thành Quảng Yên đã xây trại lính khố đỏ trong thành (nay là Lữ đoàn hải quân 147) và xây trại khố xanh ở khu Văn thánh miếu và Trường Giáo thụ. Nhân dân chuyển Trường Giáo thụ đến khu Chợ Rộc.
Tuy nhiên, viên công sứ Quảng Yên vẫn gửi công văn số 28 ngày 27/3/1895 lên Công sứ Pháp tại Hà Nội xin trả lại văn miếu. Nội dung công văn viết: “Tôi xin hân hạnh thông báo để ngài biết các quan lại bản xứ và dân làng Quỳnh Lâu đã đề nghị cho họ được khởi phục việc tế lễ tại Văn Miếu - nơi trại lính Quảng Yên đang đóng quân”.
![]() |
Một tấm bia trong văn chỉ Khê Chanh ghi tên những người đỗ đạt. |
Đến nay, văn miếu không còn phế tích, chỉ còn 2 tấm bia đá. Một tấm đặt tại Bảo tàng Bạch Đằng không có tên bia, chỉ ghi nội dung việc chuyển trường từ địa điểm cũ (khu vực Sư đoàn 395 hiện nay) đến địa điểm mới (khu vực chợ Rộc hiện nay).
Tấm bia còn lại có đề 6 chữ Hán “Tiền giám sinh quan chức bi” (bia ghi quan chức giám sinh triều trước) nhưng đã bị mất tích, chỉ còn nội dung bia được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Quảng Ninh từng có một số người đỗ đạt cao trong các khoa thi thời phong kiến như: Trần Đình Thâm hiệu là Hủ Phố, người làng Phúc Đa, xã Chí Tri, huyện Đông Triều, có thơ được lưu lại trong Toàn Việt thi lục.
Trần Đình Thâm đậu Thám hoa năm Long Khánh thứ 2 (1374), làm quan đến chức Ngự sử Trung tán, quyền Giám tu Quốc sử; được Trần Duệ Tông cử đi sứ, đối đáp cứng cỏi, ông được người Nguyên khen ngợi, các sử gia nuớc ta cũng hết sức đề cao.
Cụ Nguyễn Đình Đỉnh, cha của nhà thơ Nguyễn Húc, quê ở làng Kệ Sơn, châu Đông Triều. Cụ Đỉnh từng đỗ Thái học sinh (sau này gọi là tiến sĩ) ở thời Trần.
Người thứ ba là cụ Vũ Phi Hổ, sinh sống tại làng Dư Xá, Hoành Bồ xưa (nay là thôn Tân Tiến, xã Lê Lợi, TP Hạ Long). Với tư chất thông minh hơn người, khoa thi năm Tân Mùi, niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 năm 1511, cụ Vũ Phi Hổ đỗ đệ tam giáp, đồng tiến sĩ. Cụ được giao chức Phó đô ngự sử và là một vị quan thanh liêm, chính trực. Cảm phục đạo đức, tài năng và tinh thần hiếu học vượt khó vươn lên, sau khi Phó đô ngự sử mất, dân làng Dư Xá đã lập đền thờ, tôn làm thành hoàng, gọi là Anh Nghị đại vương.
Phạm Học
[links()]
Ý kiến (0)