Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 07:54 (GMT +7)
Khoa học công nghệ tạo động lực xây dựng nông thôn mới
Thứ 2, 24/10/2022 | 15:44:47 [GMT +7] A A
Nhìn lại tiến trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) của tỉnh trong những năm qua cho thấy, khoa học công nghệ (KHCN) là một trong những giải pháp then chốt tạo ra nhiều bước đột phá. Việc thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ KHCN, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KHCN ở các lĩnh vực sản xuất đã giúp cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, cải thiện hiệu quả kinh tế và thu nhập của người dân.
Để thúc đẩy thực hiện chương trình xây dựng NTM, giai đoạn 2016-2021, tỉnh đã dành nguồn kinh phí khá lớn để chi cho hoạt động KHCN trong xây dựng NTM và lĩnh vực nông nghiệp với trên 460 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh gần 310 tỷ đồng, nguồn vốn huy động xã hội hóa trên 152 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này đã có 184 nhiệm vụ KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn được triển khai trên quan điểm là lấy doanh nghiệp làm nòng cốt để tiếp nhận chuyển giao công nghệ và doanh nghiệp thực hiện mô hình mẫu phối hợp với cơ quan khoa học để chuyển giao hướng dẫn cho nhân dân cùng thực hiện. Từ đó tạo ra các vùng sản xuất tập trung, sản phẩm có chất lượng tốt đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường, nhiều loại vật liệu công nghệ mới đã được áp dụng như: Vùng hoa chất lượng cao hoành Bồ; vùng rau an toàn Quảng Yên; trồng và chế biến nghệ làm dược liệu tại Đông Triều trên đất trồng vải giá trị thấp; sản xuất giống và nuôi thương phẩm gà Tiên Yên; trồng và chế biến dong riềng tại Bình Liêu; sản xuất giống và nuôi thương phẩm cua biển Quảng Yên.
Những nhiệm vụ KHCN cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ trong sản xuất gốm mỹ nghệ chất lượng cao, sản xuất gỗ và viên nén xuất khẩu từ nguyên liệu gỗ rừng trồng. Nhiều doanh nghiệp ứng dụng vật liệu mới để đóng tàu du lịch, đóng lồng bè nuôi thủy sản thay thế các vật liệu nhanh hỏng, ô nhiễm môi trường; ứng dụng công nghệ sản xuất giống nhuyễn thể chất lượng cao; ứng dụng công nghệ sản xuất phân bón sinh học từ nguồn phụ phẩm nông nghiệp... Kết quả này đã đóng góp rất lớn vào chương trình xây dựng thương hiệu nông nghiệp của tỉnh. Đến nay, Quảng Ninh đã xây dựng, duy trì và phát triển được 38 nhãn hiệu gắn với địa danh cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Thông qua các hoạt động của dự án xây dựng thương hiệu nông nghiệp đã hình thành vùng sản xuất tập trung gắn với triển khai chương trình OCOP. Nhiều mô hình sau khi triển khai thành công đã phát triển ổn định theo hướng liên kết sản xuất với chuỗi giá trị, nhất là đối với nhóm sản phẩm chủ lực.
Riêng đối với khu vực nông thôn, miền núi, 5 năm qua, tỉnh cũng đã triển khai 22 dự án hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao KHCN phục vụ phát triển KT-XH ở khu vực này. Quá trình triển khai đã hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp nhận và làm chủ 145 quy trình, kỹ thuật sản xuất, xây dựng 48 mô hình, hình thành nhiều sản phẩm có năng suất, chất lượng cao. Điều đáng ghi nhận là các dự án, mô hình có ứng dụng KHCN còn tác động tích cực đến việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và giải pháp phát huy vai trò người dân, cộng đồng, các tổ chức chính trị, xã hội trong xây dựng NTM, phát triển nông nghiệp hiện đại, sinh thái, bền vững; đồng thời nâng cao nhận thức cho người dân, cán bộ xây dựng NTM các cấp về cách tiếp cận mới trong phát triển nông thôn và xây dựng NTM bền vững…
Mặc dù các chương trình KHCN đã thúc đẩy xây dựng NTM, ở lĩnh vực nào của ngành Nông nghiệp cũng có dấu ấn của KHCN, nhưng giai đoạn 2016-2021, việc triển khai thực hiện các cơ chế chính sách, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực này vẫn còn một số hạn chế. Hiện chính sách động viên, khuyến khích cán bộ trẻ tham gia hoạt động KHCN chưa thực sự được quan tâm đúng mức, do vậy vẫn thiếu nhà khoa học, cán bộ quản lý giỏi. Việc triển khai thực hiện các chính sách liên quan đến hỗ trợ kinh phí, vay vốn, thuê đất… đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động đổi mới KHCN trong sản xuất chưa đáp ứng mùa vụ sản xuất nông nghiệp. Trình tự, thủ tục thanh quyết toán còn rất phức tạp nên cũng chưa thúc đẩy mạnh mẽ công tác nghiên cứu, đổi mới công nghệ vào sản xuất. Một số đơn vị, địa phương chưa hiểu đúng mức về vai trò then chốt của KHCN trong phát triển KT-XH và xây dựng NTM, từ đó dẫn đến thiếu các giải pháp chỉ đạo cụ thể đẩy mạnh phát triển KHCN tại địa phương.
Ông Nguyễn Văn Vọng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, cho biết: Từ thực tế triển khai chương trình KHCN trong xây dựng NTM, giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ tập trung nghiên cứu các đề tài, dự án KHCN trong lĩnh vực này một cách có trọng tâm, trọng điểm và thiết thực. Cùng với đó là thực hiện đồng bộ chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực từ trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản cho đến công nghệ sau thu hoạch; tăng cường tiềm lực KHCN, đổi mới tổ chức, cơ chế quản lý, hoạt động KHCN; xác định đúng nhiệm vụ KHCN trên cơ sở bám sát thực tế, yêu cầu sản xuất của nông dân, doanh nghiệp, nhu cầu thị trường…
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()