Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 16:19 (GMT +7)
Khoa học đằng sau những giấc mơ kỳ lạ thời đại dịch
Thứ 5, 29/07/2021 | 11:10:42 [GMT +7] A A
Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều người than phiền rằng họ thường xuyên gặp ác mộng hoặc mơ thấy những điều kỳ lạ. Nguyên nhân đằng sau hiện tượng này là gì, tại sao những giấc mơ như vậy lại xuất hiện nhiều hơn trong thời kỳ đại dịch ?
Theo các chuyên gia, thực trạng này diễn ra là kết quả tất yếu của những yếu tố phát sinh trong thời kỳ đại dịch. Những trải nghiệm chưa từng do đại dịch mang lại đã tạo nên những cảm xúc, suy nghĩ mới, làm thay đổi nhận thức của nhiều người. Những thay đổi này một phần được phản ánh trong giấc mơ của chúng ta.
Chức năng của giấc mơ
Khoa học vẫn chưa có câu trả lời thích đáng cho câu hỏi: "Tại sao con người lại mơ?", nhưng theo Jason Ellis - giáo sư tâm lý học tại Đại học Northumbria và là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giấc ngủ Northumbria cho biết, có một vài giả thuyết xoay quanh hiện tượng này.
Ellis cho biết, có thuyết tiến hóa nói rằng chúng ta thông qua những giấc mơ để thử nghiệm các tình huống khác nhau trong một môi trường an toàn. Các tình huống đó có thể là những thách thức hoặc đe dọa trong cuộc sống thực.
Một giả thuyết khác là giấc mơ giúp củng cố trí nhớ của con người. Theo đó, khi một người nằm mơ, não bộ của họ đang tiếp nhận thông tin thu thập được trong ngày để tạo ra những ký ức mới hoặc sắp xếp thông tin mới vào kiến thức hiện có để củng cố cho lý luận của mình.
Ellis giải thích: "Khi chúng ta quan sát não bộ của một người đang ngủ, bạn sẽ nhận ra sự khác biệt giữa khi họ đang mơ và không mơ. Giấc mơ đã khiến cho hoạt động của não bộ thay đổi."
Có một lý thuyết khác nói rằng, giấc mơ có tác dụng giải quyết các vấn đề cảm xúc mà chúng ta trải qua hằng ngày. Sự căng thẳng phát sinh trong đại dịch, với những rắc rối về gia đình, công việc và tinh thần, có thể dẫn đến những giấc mơ khó chịu không kém, vì mơ không chỉ giúp chúng ta đối phó thực tế mà còn phản ánh thực tế.
Những giấc mơ sống động như thật có thể là cơ chế đối phó hoặc cách bộ não xử lý các tình huống mới lạ.
"Nghiên cứu cho thấy các mẫu thông tin cảm giác được trao đổi bên trong não khi đang mơ. Vì vậy, cả thị giác, thính giác, xúc giác, khứu giác và vị giác của bạn đều tham gia vào giấc mơ. Điều thú vị nhất về những giấc mơ là chúng chủ yếu dựa vào thị giác hoặc thính giác ", Ellis nói.
Những giấc mơ này chủ yếu xảy ra trong giấc ngủ REM. REM ở đây là viết tắt của cụm từ "Rapid Eye Movement", có nghĩa là "mắt người di chuyển rất nhanh". Từ đó, có thể hiểu REM chính là giai đoạn ta ngủ nhưng mắt vẫn chuyển động nhanh. Đây cũng chính là thời điểm não hoạt động mạnh, cử động cơ thể, nhịp tim và nhịp thở cũng nhanh hơn.
Những điều làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng giấc ngủ
Nhiều người không chỉ than phiền về việc thường xuyên có những giấc mơ kỳ lạ, mà những giấc mơ này còn khắc sâu trong tâm trí của họ. Hiện tượng này khá kỳ lạ, bởi thông thường chúng ta sẽ quên hầu hết giấc mơ ngay sau khi thức dậy.
Uống nhiều rượu thường khiến chúng ta nhanh chóng quên đi những giấc mơ. Nhưng uống nhiều rượi cũng có thể đánh thức chúng ta nhiều hơn trong giai đoạn giấc ngủ REM, do đó làm cho chúng ta nhớ được mình đã mơ thấy điều gì, Ellis nói.
Chuyên gia y học giấc ngủ, Tiến sĩ Meir Kryger thuộc Trường Y học Yale cho biết, xem vào các chương trình truyền hình là một ý tưởng hay để giải trí khi phải ở trong nhà trong thời gian giãn cách, nhưng việc xem ti vi hàng giờ trước khi đi ngủ có thể góp phần tạo nên một đêm không yên giấc.
Bên cạnh đó, việc thay đổi thói quen cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ của chúng ta.
Thông thường khi chúng ta phải đi làm, lịch trình một ngày thường rất cố định, thời gian đi ngủ và thức dậy cũng theo đó mà lặp đi lặp lại mỗi ngày.
Khi nghỉ việc hoặc làm việc tại nhà, bạn không chịu sự quản thúc của bất kỳ ai, các thói quen đột nhiên trở nên khó thiết lập và duy trì hơn, động lực để đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi đêm có thể mất đi, dẫn đến các quá trình nội bộ cần thiết để có một giấc ngủ ngon bị đảo lộn.
Không chỉ thói quen làm việc thay đổi, mà cả các hoạt động xã hội của chúng ta cũng thay đổi theo. Vì con người là những sinh vật xã hội, nên mặc dù trong thời gian giãn cách, chúng ta vẫn duy trì thói quen tương tác với mọi người qua internet.
Cách làm này rất được khuyến khích trong bối cảnh đại dịch. Nhưng việc tiếp xúc với ánh sáng từ các màn hình vài giờ trước khi đi ngủ, bất kể mục đích nào, đều có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của chúng ta.
Xây dựng thói quen ngủ lành mạnh
Việc duy trì tốt vệ sinh giấc ngủ không chỉ giúp đảm bảo một đêm ngon giấc mà còn ngăn ngừa sự phát triển của các vấn đề nghiêm trọng hơn về lâu dài.
Một số thói quen tốt như, tắt các màn hình từ hai đến bốn giờ trước khi đi ngủ và cố gắng đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi đêm. Kryger cho biết, việc ngừng xem tin tức trước khi đi ngủ cũng giúp giảm căng thẳng, từ đó tránh khỏi những cơn ác mộng.
Ellis cho biết: "Khi một người ngủ không ngon giấc, nguy cơ mắc bệnh trầm cảm hoặc phát triển chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương là rất cao. Vì vậy, tôi nghĩ việc chúng ta cần làm ngay bây giờ quản lý tốt giấc ngủ của bản thân nhằm ngăn chặn những căn bệnh tâm lý phát sinh trong bối cảnh đại dịch kéo dài."
Theo Vnreview
Liên kết website
Ý kiến ()