Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 19/12/2024 05:44 (GMT +7)
Khoa học lý giải: Chuối là "chất phóng xạ", nhưng vì sao lại an toàn?
Thứ 3, 08/11/2022 | 07:40:28 [GMT +7] A A
Một số bức xạ có thể gây hại, chẳng hạn như tia UV từ Mặt Trời. Trong khi đó, những bức xạ có cường độ nhỏ được xem là an toàn.
Nhắc đến hai từ "bức xạ" thường gợi lên trong chúng ta sự sợ hãi. Đó là hình ảnh về những con vật bị biến đổi gen do ảnh hưởng bởi phóng xạ, hay nguy cơ gây ung thư nếu như tiếp xúc quá lâu.
Tuy nhiên, liệu bạn đã từng nghe về khái niệm "phóng xạ nhẹ", hay biết rằng hầu như mọi thứ xung quanh chúng ta đều nhiễm một số lượng phóng xạ nhất định.
Bức xạ là gì?
Bức xạ được định nghĩa là năng lượng truyền từ điểm này đến điểm khác, dưới dạng sóng hoặc hạt. Trong điều kiện sinh hoạt thường ngày, chúng ta tiếp xúc với bức xạ từ các nguồn khác nhau mà chẳng hề hay biết.
Đó là bức xạ vũ trụ từ Mặt Trời, từ không gian bên ngoài, bức xạ từ đất đá, từ không khí chúng ta hít thở, hay thậm chí trong thức ăn, nước uống... Tất cả đều là nguồn bức xạ tự nhiên.
Chuối là một ví dụ phổ biến về nguồn bức xạ tự nhiên. Chúng chứa hàm lượng kali cao và đây được coi là chất phóng xạ. Tuy nhiên, lượng bức xạ này cực kỳ nhỏ, và ít hơn nhiều so với "bức xạ nền" tự nhiên mà chúng ta phải tiếp xúc hàng ngày.
Bên cạnh các nguồn bức xạ tự nhiên, còn có các nguồn bức xạ nhân tạo, bao gồm một số phương pháp điều trị y tế và chụp X-quang, điện thoại di động hay đường dây điện.
Có một quan niệm sai lầm phổ biến rằng các nguồn bức xạ nhân tạo nguy hiểm hơn bức xạ tự nhiên. Tuy nhiên, điều này không thật sự chính xác. Các nhà khoa học cho rằng tác động có hại của bức xạ liên quan đến liều lượng, chứ không hề chịu ảnh hưởng bởi nguồn gốc của chúng.
Bức xạ có nguy hiểm không?
Như đã đề cập, bức xạ không phải lúc nào cũng nguy hiểm. Nó phụ thuộc vào từng loại, cường độ và thời gian phơi nhiễm.
Theo nguyên tắc chung, mức năng lượng của bức xạ càng cao thì càng có nhiều khả năng gây hại. Thí dụ, chúng ta biết rằng tiếp xúc quá mức với các nguồn bức xạ ion hóa như khí radon sản sinh trong tự nhiên, có thể làm hỏng các mô và DNA của con người.
Bên cạnh đó, một số bức xạ không ion hóa, chẳng hạn như tia UV từ Mặt Trời, có thể gây hại nếu tiếp xúc với cường độ đủ cao, gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như bỏng, ung thư hoặc mù lòa.
Đối với bức xạ không ion hóa, điều quan trọng là giữ cho mức phơi nhiễm ở dưới giới hạn an toàn. Thí dụ như một số thiết bị viễn thông sử dụng bức xạ không ion hóa thông qua tần số vô tuyến phải hoạt động trong các giới hạn an toàn này.
Đối với bức xạ tia cực tím từ Mặt Trời, chúng ta cần biết cách bảo vệ khỏi phơi nhiễm bằng cách sử dụng kem chống nắng và quần áo khi chỉ số tia cực tím ở mức độ từ 3 trở lên.
Thế nhưng trên hết, bạn cũng không cần quá lo lắng, vì cơ thể của chúng ta được tạo ra để xử lý và hấp thụ một lượng nhỏ bức xạ từ môi trường bên ngoài.
Đó là lý do tại sao không có bất kỳ nguy hiểm gì đối với một lượng bức xạ nhỏ mà chúng ta tiếp xúc trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như ăn một trái chuối.
Theo Dân trí
Liên kết website
Ý kiến ()