Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 02:20 (GMT +7)
Khoảng tối đằng sau sự hào nhoáng được vẽ nên bởi BTS, Blackpink ở Kpop
Thứ 6, 21/04/2023 | 11:26:00 [GMT +7] A A
Ngày nay, thần tượng K-pop phải đối mặt với vô số áp lực, khi những ánh đèn flash luôn chớp nháy, và màn hình điện thoại thì không bao giờ tắt.
Tối 19.4, trang Yonhap News đưa Moonbin (thành viên nhóm nhạc ASTRO) qua đời tại nhà riêng ở Seoul. Thông tin khiến dư luận bàng hoàng, xót xa.
Sự ra đi của Moonbin một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh trước thực trạng idol K-pop bị bào mòn về thể chất và tinh thần trong môi trường khắc nghiệt của giới giải trí.
Những ngôi sao vụt tắt
Năm 2017, Jonghyun (thành viên nhóm SHINee) tự tử vì trầm cảm. Trong bức thư tuyệt mệnh để lại, Jonghyun viết: "Tôi vụn vỡ từ sâu thẳm bên trong. Căn bệnh trầm cảm ăn mòn tôi từ từ và cuối cùng đã nuốt chửng tôi. Tôi không thể đánh bại nó".
Còn nhớ, vào đêm đông tháng 12 năm đó, khán giả yêu nhạc và người hâm mộ của nhóm đã có một đêm thức trắng chờ tin từ bệnh viện, nơi cấp cứu Jonghyun.
Tuy nhiên, phép màu đã không xảy ra. Jonghyun ra đi và để lại cú sốc cho các thành viên cùng nhóm, đồng nghiệp, khán giả và cả nền công nghiệp K-pop.
Vụ việc của Jonghyun vốn được coi là hi hữu song trên thực tế, đó là một sự mở đầu, khi những góc tối sau ánh đèn sân khấu được vén mở sau hàng chục năm.
Chỉ trong vòng vài năm, showbiz Hàn liên tục trải qua mất mát khi những ngôi sao hàng đầu chọn cách tìm đến cái chết sau thời gian dài chống chọi với các căn bệnh tâm lý.
"Khi bạn mất đi, cả thế giới bỗng yêu thương bạn".
Đó là câu nói được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội vào năm 2019, khi nữ ca sĩ trẻ Sulli tự sát ở tuổi 25. Cô là nạn nhân của căn bệnh trầm cảm và thừa nhận cảm thấy "nghẹt thở" khi nghe những bình luận ác ý, miệt thị.
Trong một số cuộc phỏng vấn trước khi mất, Sulli nghẹn ngào nói rằng, cô không biết phải làm thế nào để làm khán giả hài lòng.
Vài tháng sau khi Sulli qua đời, Go Hara - đồng nghiệp thân thiết của cô cũng lựa chọn cái chết để khép lại những mệt mỏi, căng thẳng do căn bệnh trầm cảm mang lại.
Theo Korea Daily JoongAng, sự khốc liệt và tàn nhẫn của K-pop bị phơi bày trần trụi. Các thần tượng cùng lúc phải chịu đựng áp lực kinh khủng từ bên ngoài, đồng thời phải che giấu và chiến đấu cho con người thật bên trong.
Chống chọi với cơn ác mộng mang tên bệnh tâm lý
BTS, Blackpink đang làm nên diện mạo đầy hào nhoáng của Kpop trước thế giới. Đằng sau sự hào nhoáng ấy là muôn vàn khốc liệt.
Theo nhà phê bình văn hóa Kim Heon-sik, khối lượng công việc mà idol K-pop phải đảm nhận ngày nay khốc liệt và căng thẳng hơn nhiều so với trước đây.
"Bây giờ, idol phải giải quyết nhu cầu giải trí cho người hâm mộ không chỉ ở Hàn Quốc mà trên toàn thế giới.
Nhờ sự phát triển của mạng xã hội, người hâm mộ thậm chí có thể trò chuyện trực tuyến với idol bất kì lúc nào. Vì vậy, idol gần như không có thời gian để nghỉ ngơi".
Kang Daniel – cựu thành viên WANNA ONE - cho biết, trong thời gian còn hoạt động với nhóm, họ bắt đầu lịch trình từ 4-5h sáng và kết thúc vào 2-3h sáng hôm sau. Họ chỉ có khoảng 1 tiếng để ngủ mỗi ngày.
Trong khi đó, khán giả luôn kì vọng idol sẽ mang đến một hình ảnh tươi sáng và tích cực. Vì vậy, nhiều thần tượng lo sợ danh tiếng của họ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nếu chia sẻ về các vấn đề sức khỏe tâm lý, theo Korea Daily JoongAng.
“Các idol luôn phải thể hiện một khuôn mặt tươi cười, hạnh phúc để chiều lòng khán giả. Điều này khiến cảm xúc của họ bị kìm nén đến mức bế tắc”, nhà bình luận văn hóa Kim Seong Soo chia sẻ.
Lịch tập luyện dày đặc, sức ép để được nổi tiếng giữa một nền công nghiệp hàng nghìn nhóm nhạc, đào thải liên tục, khiến nhiều Idol vắt kiệt sinh lực.
Sức khỏe tâm thần vốn không phải là một chủ đề được thảo luận cởi mở ở Hàn Quốc. Dù bị vắt kiệt cả thể chất lẫn cảm xúc, nhưng nhiều idol vẫn luôn nhận lời chỉ trích, chê bai.
Nhiều nghệ sĩ như Kang Daniel, Mina, Jeongyeon, Dawon, Jiyoon, Day6... từng phải tạm ngừng hoạt động vì các chứng bệnh tâm lý như rối loạn lo âu, rối loạn hoảng sợ, trầm cảm.
Các nghiên cứu tâm lý học chỉ ra rằng, người nổi tiếng có khả năng mắc trầm cảm cao hơn người bình thường. Bác sĩ tâm lý Kim Byung-soo cho biết, người của công chúng cũng thường xuyên phải sống "hai mặt", tách biệt giữa hình tượng trong mắt khán giả và tính cách "thực sự" bên trong.
Nếu khoảng cách giữa hai tính cách ngày xa, họ có thể rơi vào trạng thái hỗn loạn cảm xúc và vật lộn trong không gian chật hẹp bị vây kín bởi ánh nhìn tò mò của dư luận.
Theo Laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()