Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 20/11/2024 08:42 (GMT +7)
Khoanh vùng Di tích Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai
Chủ nhật, 27/03/2016 | 13:16:22 [GMT +7] A A
Sở dĩ đặt ra vấn đề này là bởi hiện nay toàn bộ khu vực Bác Hồ dừng chân nói chuyện với cán bộ, công nhân mỏ Đèo Nai ngày 30-3-1959 đã thay đổi hiện trạng. Tấm bia đá ghi lại sự kiện này hiện cũng đã thất lạc.
Tấm bia ghi lại sự kiện Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai ngày 30-3-1959 hiện nay đã thất lạc. Ảnh: Tư liệu của Công ty |
Theo lời kể của một số nhân chứng có mặt trong sự kiện đó, sở dĩ tầng than của mỏ Đèo Nai được chọn vì nơi đây có vị thế đẹp, rất cao, có thể nhìn bao quát được cả vùng than Cẩm Phả và Vịnh Bái Tử Long. Người đã lên tận tầng 10 công trường khai thác cơ khí mỏ Đèo Nai và dặn dò: “Ngày nay, khu mỏ là của nhân dân nói chung và của công nhân nói riêng. Công nhân là giai cấp lãnh đạo, là chủ khu mỏ thì phải làm sao cho xứng đáng. Để xe máy hỏng, lười biếng, lãng phí đều không xứng đáng với vai trò làm chủ. Muốn làm những người chủ xứng đáng thì phải thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Bây giờ chúng ta làm cho mình, cho nhân dân và cho con cháu chúng ta nữa”.
Bác Hồ cũng đến thăm nhà ăn tập thể ở gần công trường khai thác và ân cần hỏi han chị em phục vụ, xem từng suất ăn của những người thợ mỏ. Người dặn dò: “Muốn làm được nhiều than thì phải có tinh thần trách nhiệm và phải làm nhanh, nhiều, tốt, rẻ... Cán bộ, công nhân phải học tập tốt vấn đề cải tiến quản lý xí nghiệp. Muốn cải thiện đời sống phải đào nhiều than, phải tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phải đoàn kết giữa công nhân và cán bộ, giữa công nhân với công nhân”.
Ông Nguyễn Bá Xô, Phó Giám đốc Công ty CP Than Đèo Nai, cho biết, việc xác định cụ thể nơi Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với công nhân mỏ Đèo Nai không phải là vấn đề khó.
Phù điêu trước trụ sở làm việc của Công ty. |
Khu vực trước đây Người lên thăm là tầng 10, nay là Trụ Bắc; còn chỗ Bác đứng nói chuyện với công nhân trước kia gần nhà ăn số 2 của mỏ (còn gọi là nhà ăn trụ mỏ). Nhưng vị trí ấy sau này thành vỉa, thành khai trường, lấy than bốc xúc đất đá nên có sự thay đổi, xê dịch liên tục so với ban đầu. Hiện khu vực đó đã được trả lại mặt bằng và không còn khai thác nữa, nên sẽ rất thuận lợi cho việc khảo sát, xác định lại vị trí cũ.
Tuy nhiên, để làm được điều này, cả ông Nguyễn Bá Xô và bà Phạm Thị Hải Yến, Trưởng Ban Quản lý di tích và danh thắng (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ninh) đều thống nhất cho rằng, cần tổ chức một cuộc tọa đàm, mời những người chứng kiến sự việc đó, cùng một số nhà sử học, chuyên gia để có sự khảo sát thống nhất lại địa điểm. Cùng với đó, phải thực hiện việc sưu tầm hiện vật, tài liệu, hình ảnh có liên quan. Sau khi đã xác định được địa điểm, đơn vị sẽ lập bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích, lập bản vẽ kỹ thuật, phục dựng tấm bia đã bị thất lạc, làm phù điêu, có thể đặt tượng đài. Sau khi hoàn thiện công tác khoanh vùng bảo vệ di tích mới có thể làm hồ sơ để đề nghị xếp hạng cho di tích này.
Ông Nguyễn Bá Xô cho biết, Đèo Nai có vinh dự là mỏ than duy nhất được đón Bác Hồ về thăm. Vì thế, lãnh đạo và toàn thể cán bộ công nhân Công ty CP Than Đèo Nai rất mong muốn khoanh vùng, trùng tu, phục dựng lại di tích và bảo vệ di tích này, nhằm tạo ra một địa chỉ để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Cũng theo ông Nguyễn Bá Xô, mong muốn của Công ty còn là mở rộng khu vực khoanh vùng, tạo ra một điểm tham quan hấp dẫn, một điểm đến trong hành trình về nguồn với những giá trị lịch sử, văn hóa.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()