Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:18 (GMT +7)
Khơi dậy sức dân trong phát triển kinh tế - xã hội
Thứ 4, 29/05/2024 | 13:14:32 [GMT +7] A A
Trong công cuộc đổi mới, Đảng ta luôn khẳng định vai trò, sức mạnh của nhân dân với quan điểm “Dân là gốc”, cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nhận thức rõ vai trò quan trọng đó, những năm qua các cấp, ngành, đơn vị, địa phương của Quảng Ninh luôn nỗ lực phát huy sức mạnh nhân dân, khơi dậy, khích lệ nhân dân đóng góp công sức, trí tuệ, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; xây dựng tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Bình Lục Hạ là một trong 7 khu của phường Hồng Phong (TX Đông Triều) vốn có kết cấu hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, kinh tế của các hộ nông dân phát triển còn manh mún, nhỏ lẻ, đến nay Bình Lục Hạ đã trở thành khu phố văn minh, tiêu biểu trong toàn tỉnh; đời sống nhân dân ngày càng nâng cao, không còn hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí Trung ương, thu nhập của người dân đạt 120 triệu đồng/năm. Kết quả này không chỉ nhờ những chủ chương, chính sách đúng đắn trong xây dựng NTM, đô thị văn minh, mà còn là sự chung sức, đồng lòng vươn lên của người dân.
Ông Nguyễn Mạnh Ngát, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu Bình Lục Hạ, chia sẻ: Trước đây các tuyến đường trung tâm, đường phục vụ sản xuất ở khu nhỏ hẹp, khó khăn trong việc đi lại và phục vụ sản xuất, tiêu thụ hàng hóa. Ao, hồ, đầm lầy chủ yếu bỏ hoang hóa, người dân canh tác truyền thống, tư duy sản xuất manh mún, hiệu quả kinh tế trong sản xuất thấp, giá trị bình quân đầu người trong năm chỉ đạt 84 triệu đồng. Xác định chỉ có phát huy nội lực, vai trò chủ thể của người dân để huy động nguồn sức mạnh lớn trong xây dựng đô thị văn minh mới thay đổi được diện mạo của địa phương, Chi bộ khu đã tập trung vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân hiến đất mở đường; đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Đã có hàng trăm hộ dân hiến hàng nghìn m2 đất ở, đất nông nghiệp làm đường, nhân dân trong khu cũng mạnh dạn chuyển đổi 15ha đầm lầy, ao hồ, ruộng trũng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen và các loại hoa có giá trị kinh tế cao, xây dựng sản phẩm OCOP.
Thời gian qua, các ngành, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh luôn nỗ lực triển khai đồng bộ các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, nhằm vận động nhân lực, nguồn lực, vật lực trong nhân dân, cùng góp sức thực hiện thắng lợi các mục tiêu chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, như: Vận động nhân dân đoàn kết xóa bỏ các tập tục; tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng; xây dựng gia đình văn hóa; phát huy truyền thống “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Tương thân, tương ái”; bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội... Từ đó, xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả, thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân, tạo sự lan tỏa trên các lĩnh vực.
Nổi bật: Hội Nông dân tỉnh triển khai hiệu quả mô hình “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Nông dân thi đua xây dựng NTM”, 5 năm qua đã có 37 hộ đạt danh hiệu "Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" cấp Trung ương, gần 5.900 hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Hội LHPN các cấp thực hiện gần 2.000 mô hình phụ nữ với trên 200.000 thành viên tham gia, điển hình là mô hình: “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Mẹ đỡ đầu”, “Biến rác thành tiền”, “Nuôi lợn tiết kiệm”, “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”... Hội CCB tỉnh với mô hình “Thắp sáng đường quê” đã lắp gần 40.000 bộ bóng đèn chiếu sáng đường với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng...
LĐLĐ tỉnh triển khai mô hình “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Doanh nghiệp giỏi”, “Cơ quan, đơn vị văn hoá”… góp phần nâng cao tỷ lệ các khu dân cư đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hoá”, “Gia đình văn hóa”. Hết năm 2023, có 96% khu dân cư đạt danh hiệu “Thôn, khu phố văn hóa”, 100% xã đạt chuẩn NTM; 13/13 địa phương cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Tỉnh Quảng Ninh hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu NTM, về đích trước 2 năm so với kế hoạch...
Không những vậy, thông qua vận động tuyên truyền, các mô hình hiệu quả đã góp phần quan trọng vào việc thay đổi tư duy lạc hậu, trông chờ ỷ lại trong sinh hoạt, trong sản xuất và huy động các nguồn lực góp phần nâng cấp hạ tầng cơ sở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Đến cuối năm 2022, Quảng Ninh có 100% thôn, bản ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo năm 2023 ước đạt 6,112 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 1,23 lần so với thu nhập bình quân đầu người trong cả nước.
5 năm qua, với sự vào cuộc tích cực của nhân dân, cùng các nguồn lực xã hội đã hỗ trợ cho các địa phương hoàn thành các tiêu chí về môi trường, nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn với tổng kinh phí trị giá trên 157 tỷ đồng để hỗ trợ xây mới, sửa chữa 2.513 "Nhà đại đoàn kết". Riêng năm 2023, tỉnh đã tổ chức xây mới, sửa chữa được 441 nhà trong chương trình xóa nhà tạm, nhà ở dột nát mới phát sinh trên địa bàn, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành Chương trình xóa toàn bộ nhà tạm, nhà ở dột nát cho nhân dân trên địa bàn tỉnh. Quảng Ninh đã trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, chuyển sang giai đoạn xây dựng và triển khai theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh cao hơn 1,4 lần mức chuẩn nghèo đa chiều của cả nước…
Trúc Linh
- Hầu hết chính sách tại Nghị quyết số 43 là kịp thời, được nhân dân đồng thuận
- Để niềm tin của nhân dân với Đảng ngày càng vững chắc
- Để nhân dân giàu có, nông thôn văn minh
- Quần chúng nhân dân tham gia giữ gìn an ninh vùng biên giới
- Thường trực Tỉnh ủy giao ban về tình hình nhân dân và công tác dân vận quý I/2024
- Củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền
- Chăm sóc sức khỏe nhân dân là ưu tiên đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta
- Nhân dân Quảng Ninh hứng khởi đón năm mới Giáp Thìn
Liên kết website
Ý kiến ()