Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 27/11/2024 07:27 (GMT +7)
Khơi dậy ý chí vươn lên của phụ nữ ở vùng khó
Thứ 4, 27/11/2024 | 05:25:50 [GMT +7] A A
Nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã được các cấp hội phụ nữ Quảng Ninh thực hiện hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống người dân; tạo cơ hội, điều kiện để nhiều hội viên phụ nữ phát huy, khẳng định vị trí, vai trò trong gia đình và cộng đồng.
Nâng cao vị thế của phụ nữ
Qua 2 năm triển khai, Dự án 8 về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi, giai đoạn 2021-2025) đã bước đầu có được những kết quả nhất định, giúp nhiều chị em phụ nữ DTTS trong tỉnh tự chủ, tự lập trong phát triển kinh tế, giảm nghèo và khẳng định được vị thế của mình trong gia đình, xã hội.
Đây là lần đầu tiên trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi có riêng một dự án thành phần về thúc đẩy bình đẳng giới và được giao cho hội phụ nữ chủ trì tổ chức, thực hiện. Đối tượng thụ hưởng của dự án là phụ nữ và trẻ em gái tại các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS của tỉnh thuộc 8 địa phương: Hạ Long, Móng Cái, Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Vân Đồn; trong đó tập trung ở 12 thôn, bản và 25 xã khó khăn của tỉnh.
Huyện Đầm Hà có hơn 30% dân số là người DTTS, những khó khăn về kinh tế đã khiến phụ nữ và trẻ em vùng DTTS ở Đầm Hà là một trong những nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương. Sau khi Dự án 8 được triển khai, đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ chị em phụ nữ phát triển kinh tế. Đồng thời, có những mô hình truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng, của người đàn ông đối với phụ nữ, trẻ em gái. Những việc trước đây được mặc định dành cho phụ nữ thì hiện nay đã có sự chia sẻ của người chồng, người cha trong gia đình.
Nổi bật, mô hình “Chăm sóc và giáo dục trẻ thơ” được xây dựng, triển khai tại 2 xã Quảng An và Quảng Tân (huyện Đầm Hà). Lực lượng nòng cốt tham gia mô hình là cán bộ hội phụ nữ cơ sở, cha mẹ, người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ 0-5 tuổi. Qua đó, mọi người cùng chia sẻ, cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ một cách khoa học, để trẻ phát triển trí tuệ và thể lực tốt nhất; nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cha mẹ và cộng đồng về chăm sóc sức khỏe, cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em.
Chị Đặng Thị Dung (xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà) cho biết: Thông qua các hoạt động truyền thông của phụ nữ, nhất là từ khi có Dự án 8 được triển khai với nhiều hoạt động thiết thực, chị em trong xã đã nâng cao nhận thức, kiến thức về chăm sóc sức khỏe, về bình đẳng giới. Từ đó, chúng tôi cũng có những suy nghĩ tiến bộ để chăm sóc và giáo dục con cái, xây dựng cuộc sống gia đình ngày một ấm no, hạnh phúc hơn.
Triển khai Dự án 8, các địa phương được thụ hưởng dự án đã xây dựng kế hoạch thực hiện và bước đầu thành lập các mô hình cốt lõi của dự án. Toàn tỉnh đã thành lập được 71 tổ truyền thông cộng đồng, xây dựng 65 địa chỉ tin cậy, 41 CLB thủ lĩnh của sự thay đổi... Các cấp hội phụ nữ đã tổ chức 28 lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em, xoá bỏ định kiến giới và khuôn mẫu giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới... cho 2.693 lượt người tham gia. Đặc biệt là phát huy những tiện ích của mạng xã hội (facebook, zalo) và trang thông tin điện tử của hội trong công tác truyền thông sâu rộng đến đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh về Dự án 8.
Đánh thức nội lực vươn lên
Mặc dù chỉ chiếm 36% trong tổng số phụ nữ toàn tỉnh nhưng trong những năm qua phụ nữ vùng đồng bào DTTS của Quảng Ninh đã dần khẳng định vai trò, vị thế trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Trên cơ sở bám sát các chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, tập trung xây dựng những mô hình làm kinh tế có hiệu quả để tuyên truyền và nhân rộng trong các gia đình hội viên phụ nữ DTTS.
Thông qua tổ tiết kiệm, tổ vay vốn của Hội LHPN xã Yên Than (huyện Tiên Yên), chị Chíu Thị Hoa, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Đồng Và vừa được duyệt vay 100 triệu đồng từ chương trình tín dụng ưu đãi cho vay giải quyết việc làm. Chị Hoa chia sẻ: Đây là lần thứ 3 tôi được vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. Lần này tôi vay vốn để mở rộng quy mô vườn ươm, cung cấp cây giống các loại (quế, tùng, giổi...) cho các hộ trồng rừng gỗ lớn cả trong và ngoài huyện. Để có kiến thức trong chăm sóc cây giống, tôi đã chủ động tìm tòi nghiên cứu qua các phương tiện thông tin đại chúng, đi tham quan, học hỏi nhiều mô hình trong và ngoài huyện, từ đó áp dụng vào thực tiễn.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Hội LHPN các cấp trong toàn tỉnh đã phối hợp giải ngân vốn vay ủy thác từ Ngân hàng CSXH trên 142 tỷ đồng cho 1.781 người vay. Nắm bắt nhu cầu học nghề của hội viên phụ nữ, các cấp hội cũng phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, giới thiệu việc làm.
Các mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ DTTS thực hiện khá đa dạng, từ trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, nuôi trồng thủy sản, đến các loại hình kinh doanh. Nổi bật như sản phẩm nấm linh chi, mộc nhĩ, ổi, trà hoa vàng, trứng vịt biển, rượu ba kích, miến rong, măng ớt muối... Các sản phẩm này đều tham gia chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh, được người tiêu dùng ưa chuộng, thúc đẩy việc đưa sản phẩm đặc trưng của Quảng Ninh vươn xa hơn trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()