Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 13:22 (GMT +7)
Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là động lực, nguồn lực trong phát triển
Thứ 7, 25/03/2023 | 16:35:43 [GMT +7] A A
Sáng 25/3, tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự lễ Khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V năm 2023.
Sáng 25/3, tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự lễ Khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V năm 2023 do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Ủy ban Nhan dân tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp tổ chức.
Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế Lê Trường Lưu; lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành phố và đông đảo học sinh, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, Trung học Phổ thông, Trung học Cơ sở trong cả nước.
Thúc đẩy khát vọng khởi nghiệp của thanh niên
Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên (SV_STARTUP) là hoạt động thường niên được Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức nhằm thực hiện đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” theo quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V năm 2023 được tổ chức tại thành phố Huế trong các ngày 25 và 26/3 với nhiều hoạt động như trưng bày, triển lãm dự án khởi nghiệp; diễn đàn kết nối mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hội thảo đánh giá thực trạng, giải pháp triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong các trường phổ thông; chung kết Cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" lần thứ V...
Điểm nhấn của Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V là cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” được tổ chức trên quy mô toàn quốc với tổng giá trị giải thưởng 710 triệu đồng.
Ban Tổ chức đã nhận được 508 dự án thuộc 5 lĩnh vực: công nghiệp, chế tạo sản phẩm; nông, lâm, ngư nghiệp; giáo dục, du lịch, dịch vụ, tài chính; y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ làm đẹp; kinh doanh tạo tác động xã hội. Từ 508 dự án, Ban Tổ chức đã lựa chọn ra 80 dự án xuất sắc nhất vào vòng bình chọn và vòng chung kết của cuộc thi.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng khi chứng kiến những gương mặt trẻ, tràn đầy, khí thế, khát vọng của học sinh, sinh viên; tin tưởng khát vọng sẽ là động lực, là hoài bão thôi thúc học sinh, sinh viên tiến lên, chinh phục ước mơ, hướng tới những điều tốt đẹp cho bản thân và xã hội, là ngọn đèn soi sáng trên con đường khởi nghiệp, lập thân, lập nghiệp dù còn nhiều chông gai.
Theo Thủ tướng, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là một động lực, nguồn lực quan trọng trong phát triển của mỗi quốc gia, đặc biệt trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Phong trào khởi nghiệp đã lan tỏa rộng khắp từ thành phố đến nông thôn và đến tận các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tinh thần doanh nhân, khát vọng khởi nghiệp bắt đầu khởi sắc ở hầu hết các tầng lớp, thế hệ người dân, nhất là trong giới trẻ.
Đặc biệt, Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên được tổ chức hằng năm thực sự trở thành sân chơi trí tuệ, nơi hình thành các ý tưởng, những nghiên cứu khoa học giá trị nhằm thúc đẩy khát vọng khởi nghiệp của thanh niên. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong gần 5 năm thực hiện, Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665) đã thu hút được gần 2.6 00 dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trên 4.000 ý tưởng, dự án khởi nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, nhiều dự án đã đoạt giải thưởng và được thương mại hóa như dự án nước súc miệng “TX Green Nano để phòng chống bệnh răng miệng học đường,” dự án máy đo thân nhiệt và sát khuẩn tự động…
Đến nay, có trên 60 quỹ đầu tư mạo hiểm; hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp thành công; cùng với đó, gần 100 trường đại học đã đưa khởi nghiệp thành một môn học; nhiều cơ sở đào tạo có Quỹ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp; có 98 vườn ươm khởi nghiệp trong trường học.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp đã tổ chức hơn 3.000 cuộc thi ý tưởng sáng tạo, thu hút gần 370.0000 lượt thanh niên tham gia với gần 14.000 ý tưởng khởi nghiệp; hỗ trợ gần 16.000 dự án với tổng kinh phí gần 700 tỷ đồng. Đặc biệt, Vòng Chung kết cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” và Ngày Hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm nay có 80 dự án xuất sắc được lựa chọn.
Thủ tướng đánh giá bên cạnh những kết quả đã đạt được, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng, vẫn còn khoảng cách so với một số nước trong khu vực và thế giới. Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đối với thanh niên vẫn còn nhiều khó khăn, rào cản. Nhiều thanh niên có ý tưởng tốt nhưng chưa thể biến thành hiện thực; nhiều sản phẩm chưa được thương mại hóa.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định: “Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo;… nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.”
Đề án 1665 đề ra mục tiêu: “Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên... Tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp….”
Theo Thủ tướng, để đạt được các mục tiêu nà và hoạt động khởi nghiệp có sự đột phá, thực sự trở thành phong trào rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực, ở tất cả các địa phương cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự đồng lòng, hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp, nhưng quan trọng nhất chính là tinh thần quyết tâm, khát vọng của thanh niên Việt Nam.
Năm yếu tố thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tạo môi trường, điều kiện, cơ sở pháp lý thuận lợi để thanh niên khởi nghiệp. Theo đó, rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp, nhất là cơ chế khuyến khích, bảo vệ thanh niên trong khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và cơ chế hỗ trợ về vốn, cơ sở hạ tầng, nhân lực, thuế, phí, lệ phí...; có cơ chế để hình thành và phát triển tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ngay từ cấp học phổ thông; gắn khởi nghiệp trong các trường đại học, trường nghề với việc giải quyết những vấn đề thực tế đặt ra.
Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy phát triển các Trung tâm ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên; gắn kết các Trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp với các Trung tâm khởi nghiệp tại các địa phương; hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp Quốc gia; kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp Quốc gia với mạng lưới chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp sáng tạo, nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong nước, quốc tế, với phương châm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ;” có chương trình, kế hoạch cụ thể, đầu tư xứng đáng cho khởi nghiệp; có cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục, đào tạo nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các địa phương theo hướng xanh, bền vững; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về quỹ đầu tư khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo hướng tạo thuận lợi và đơn giản hóa về thủ tục hành chính.
“Để thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phải có 5 yếu tố: Hành lang pháp lý thống thoáng; sự hỗ trợ về cơ sở vật chất, tiền vốn; môi trường thuận lợi; có định hướng rõ nét, các trọng tâm, trọng điểm, với các ngành, lĩnh vực có thế mạnh và giá trị cao; thương mại hóa để mang lại hiệu quả cao nhất các sản phẩm khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ triển khai khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm của thanh niên. Trong đó, triển khai hiệu quả Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, Chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” và Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.” Cùng với đó, khuyến khích và bảo vệ những người dám khởi nghiệp, dám đổi mới sáng tạo; tư vấn, hỗ trợ, bảo vệ thanh niên dám nghĩ, dám làm, dám khởi nghiệp, dám đổi mới sáng tạo trước các rủi ro về pháp lý, hiệu quả đầu tư…
Đối với các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp trong ngành giáo dục, đào tạo. “Nhà trường là nền tảng; các thầy cô giáo là động lực; học sinh, sinh viên là trung tâm, chủ thể của khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo,” Thủ tướng chỉ rõ.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị chú trọng phát hiện, khuyến khích, ươm mầm, phát triển các ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp để phục vụ thiết thực cho bản thân, cộng đồng và xã hội; tăng cường kết nối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong nhà trường; đẩy mạnh thương mại hóa và bảo hộ các sản phẩm nghiên cứu khoa học; huy động nguồn lực xã hội cho các hoạt động nghiên cứu, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng yêu cầu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tiếp tục tạo động lực, truyền cảm hứng, lan tỏa khát vọng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong thanh niên, với tinh thần; tạo phong trào, sân chơi, môi trường, tôn vinh, góp phần “làm bệ đỡ” nuôi dưỡng, ươm mầm cho các ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của thành niên, nhất là học sinh, sinh viên.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết Đảng, Nhà nước luôn khuyến khích mọi ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt mà thực tiễn đặt ra, nhất là những lĩnh vực đang là xu thế của thời đại như chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, Internet vạn vật, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, công nghệ nano, công nghệ vũ trụ… để mau chóng tiệm cận và đuổi kịp các nước tiên tiến trên thế giới.
“Lịch sử dân tộc Việt Nam trải qua nhiều thời kỳ, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách; không thua kém bất cứ quốc gia nào trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nay chúng ta cần chứng minh cho thế giới biết, chúng ta không thua kém bất cứ quốc gia nào trong khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo,” Thủ tướng mong muốn.
Thủ tướng tin tưởng với truyền thống ngàn năm văn hiến của dân tộc ta; với đức, trí, lực của con người Việt Nam; với một thế hệ trẻ tràn đầy nhiệt huyết, năng động, sáng tạo, nhiều ước mơ; những đam mê, hoài bão, khát vọng của tuổi trẻ sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng, chắp cánh và trở thành hiện thực, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng hùng cường, thịnh vượng; nhân dân Việt Nam ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Sau khi dự và phát biểu tại Lễ Khai mạc Ngày hội, Thủ tướng Chính phủ và đoàn đại biểu đã tham quan các gian hàng trưng bày, triển lãm các dự án, sản phẩm khởi nghiệp của học sinh, sinh viên./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()