Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 01:03 (GMT +7)
Khởi nghiệp xanh trên quê hương
Chủ nhật, 15/01/2023 | 08:19:36 [GMT +7] A A
Năng động, dám nghĩ, dám làm và hơn hết xuất phát từ tình yêu, sự trân trọng và muốn được giới thiệu, lan tỏa những giá trị, vẻ đẹp văn hóa truyền thống của quê hương, anh Nguyễn Trung Kiên (SN 1982) sau nhiều năm ấp ủ đã quyết tâm xây dựng mô hình du lịch cộng đồng Kỳ Thượng Am Váp farm (tại thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long).
Khó khăn nhiều, vất vả cũng không ít song sau 8 tháng đi vào hoạt động, Am Váp farm đã và đang góp phần thổi “làn gió mới” cho việc quảng bá du lịch địa phương, liên kết cùng cộng đồng sinh lợi, nâng cao nhận thức của người dân về du lịch bền vững. Đó chính là kỳ vọng mà anh Nguyễn Trung Kiên và những cộng sự đang từng ngày vun đắp trên mảnh đất này.
Từ tình yêu với văn hóa truyền thống
Sau khoảng 2 giờ đồng hồ di chuyển từ Hạ Long, chúng tôi có mặt tại Am Váp farm. Khu du lịch nhỏ nhắn hiện lên nổi bật giữa núi rừng với thiết kế nhà sàn bằng gỗ, tre mang đậm dấu ấn văn hóa của đồng bào dân tộc Dao xã Kỳ Thượng. Khung cảnh thiên nhiên xanh mát cùng không khí trong lành, khoáng đạt của vùng núi cao khiến chúng tôi nhanh chóng quên đi cảm giác mệt mỏi của hành trình qua đoạn đường đèo dốc quanh co.
Có lẽ không chỉ du khách mà chính những người dân sinh ra, lớn lên, gắn bó với mảnh đất này cũng không nghĩ tới ngày thôn Khe Phương xa xôi, còn nhiều khó khăn nay lại trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn. Được biết, Am Váp là tên của một đỉnh núi cao gần 1.000m, cao thứ 2 sau đỉnh Thiên Sơn tại xã Kỳ Thượng do người Pháp đặt từ xa xưa.
Chia sẻ về ý tưởng xây dựng mô hình du lịch cộng đồng Kỳ Thượng Am Váp farm, anh Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Am Váp farm, cho biết: Vốn là một người đam mê du lịch, thích khám phá, trải nghiệm và đặc biệt yêu thích tìm hiểu văn hóa, sau những lần vào với Kỳ Thượng, được trải nghiệm thiên nhiên trong lành và những phong tục, lễ hội truyền thống độc đáo của bà con, tôi đã nhen nhóm nảy ra ý định phát triển du lịch cộng đồng tại đây. Song để tự tin bắt tay vào làm du lịch, tôi cũng đã có khoảng 10 năm đi khắp Việt Nam, đến những vùng có sự tương đồng như Hà Giang, Điện Biên, Lào Cai… vừa du lịch, vui chơi vừa tích lũy kiến thức, tìm hiểu văn hóa, cách thức để phát triển du lịch cộng đồng.
Đặc biệt, sau khi chủ trương sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long được thực hiện, tôi nghĩ đây chính là thời điểm thích hợp để hiện thực hóa ý tưởng. Mô hình du lịch cộng đồng được hình thành sẽ mang đến một góc nhìn mới mẻ, đa dạng hơn về du lịch Hạ Long thay vì chỉ là du lịch biển đảo, góp phần đưa Hạ Long trở thành điểm đến bốn mùa.
Nghĩ là làm, anh Kiên cùng các cộng sự đã bắt tay vào lên kế hoạch, tính toán chi tiết từng thiết kế của khu du lịch đảm bảo hài hòa với thiên nhiên và thể hiện được dấu ấn, đặc trưng văn hóa của cộng đồng dân tộc Dao nơi đây. Nổi bật trong khu du lịch là nhà cộng đồng với thiết kế nhà sàn cách điệu dựa trên kiến trúc của người Dao bản địa. Bên cạnh đó là khu nhà nghỉ, nhà hàng ăn, sân vui chơi, khu ngâm thuốc lá Dao. Các hạng mục công trình đều được làm bằng chất liệu gỗ sa mộc tạo cảm giác gần gũi, thân thiện với thiên nhiên. Sau 2 năm xây dựng, Am Váp farm đã hoàn thành với tổng diện tích gần 2.000m2 và đi vào khai thác đúng thời điểm du lịch mở cửa trở lại sau thời gian “đóng băng” do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đến nay đã đón trên 2.000 khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Quả thật “bỏ phố về rừng” cũng là một quyết định táo bạo khi tôi vẫn đang đảm nhiệm phát triển một công ty chuyên về quảng cáo. Đối với tôi, Am Váp farm như đứa con tinh thần, từng viên gạch, từng khóm hoa, loại cây được trồng tại đây đều do tự tay tôi chọn và tìm hiểu rất kỹ.
Ngay từ đầu khi bắt tay vào xây dựng Am Váp farm, tôi đã xác định tạo nên một mô hình du lịch cộng đồng đúng nghĩa, gắn liền với việc bảo tồn văn hóa, tức là phải phát huy vai trò chủ thể của người dân bản địa, để chính người dân tham gia và thu lợi từ hoạt động du lịch này.
Vì vậy, khó khăn hơn cả khi hình thành Am Váp farm là việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con về việc làm du lịch, thay đổi tư duy trong nếp sinh hoạt vệ sinh, gọn gàng, tập huấn kiến thức về giao tiếp, phục vụ khách du lịch. Từ đó, mỗi người dân đều có thể là một hướng dẫn viên, một người truyền cảm hứng du lịch Kỳ Thượng. Song tôi tự tin vào quyết định, hướng đi của mình, bởi đồng hành với tôi trực tiếp tham gia quản lý khu du lịch đều là người dân địa phương - những thanh niên trẻ như anh Ngân, anh Vi luôn tràn đầy nhiệt huyết, tình yêu với văn hóa truyền thống và khát khao xây dựng quê hương ngày càng phát triển, tươi đẹp” - anh Nguyễn Trung Kiên bộc bạch.
Phát triển du lịch cộng đồng bền vững
Đặt chân đến với Am Váp farm, du khách sẽ được chào đón bởi chính những người dân bản địa trong trang phục Dao truyền thống, được tham quan nhà cộng đồng là nơi trưng bày trang phục, nông cụ sản xuất, nghe giới thiệu về văn hóa bản địa và xem, học thêu thổ cẩm cùng các bà, các chị là người dân địa phương. Vẻ đẹp trong veo, khoáng đạt mà gần gũi, bình dị của thiên nhiên núi rừng Kỳ Thượng khiến lòng người cũng trở nên yên bình, an nhiên, xua tan đi mọi bộn bề, lo toan của cuộc sống thường nhật.
Mô hình du lịch cộng đồng Kỳ Thượng Am Váp farm hiện có các dịch vụ trải nghiệm, như: Khu nghỉ lưu trú phục vụ tối đa 60 khách, nhà hàng ăn phục vụ 200 khách với những món ăn từ chính nông sản địa phương như gà bản, ếch đồng, khoai sọ nương, rau cải…; ngâm thuốc lá Dao; cắm trại, đốt lửa trại và các hoạt động giao lưu văn nghệ với người dân địa phương. Ngoài ra, xung quanh khu du lịch trung tâm Am Váp farm, du khách có thể khám phá trải nghiệm rừng trúc, chèo sup, bắt ốc khe, cá khe; đạp xe tham quan nhà bản địa truyền thống, trồng cây dược liệu tại rừng cộng đồng, leo núi Thiên Sơn, Am Váp… trên địa bàn thôn Khe Phương.
Anh Nguyễn Văn Thiết, du khách Hải Phòng, chia sẻ: Vốn là người yêu thích du lịch khám phá, cũng qua giới thiệu của bạn bè, tôi biết đến mô hình du lịch cộng đồng Kỳ Thượng Am Váp farm nên muốn thử một lần đến trải nghiệm. Quả thật, ngay từ đoạn đường dẫn vào đến khi trải nghiệm các dịch vụ, sản phẩm du lịch ở đây, tôi thấy rất thú vị. Cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu mát mẻ, đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc ở đây có nét tương đồng với các địa điểm du lịch vùng Tây Bắc. Vì vậy, Am Váp farm mang đến cho du khách trải nghiệm du lịch mới mẻ ngay giữa lòng thành phố thay vì phải di chuyển quá xa.
Theo chân anh Lý Tài Ngân, Giám đốc Công ty CP Am Váp farm cũng là người trực tiếp quản lý ở đây khám phá khu rừng trúc xanh mướt, bao quanh bởi núi rừng trùng điệp, nhìn ngắm những cây dổi cổ thụ, chúng tôi như lạc vào khu rừng trong truyện cổ tích. Anh Ngân cho biết: Mỗi chuyến trải nghiệm rừng trúc, du khách thường kết hợp chèo sup và tổ chức cắm trại, ăn uống. Song chúng tôi luôn chủ động hướng dẫn du khách các quy tắc an toàn cũng như ý thức bảo vệ môi trường. Sau mỗi chuyến đi, du khách sẽ cùng nhau thu dọn sạch sẽ rác mang về nơi tập kết, với tinh thần “không mang gì về ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân”.
“Du lịch bền vững là du lịch gắn liền với cộng đồng. Vì vậy, chúng tôi luôn cố gắng đưa các sản phẩm du lịch của mình gắn với những nét văn hóa, truyền thống, phong tục đặc sắc của đồng bào nơi đây, không chỉ cho du khách phương xa biết đến mà chính nhiều người dân ở Hạ Long cũng còn chưa hiểu hết. Định hướng mục tiêu trong khoảng từ 5-8 năm nữa, chúng tôi mở rộng mô hình du lịch cộng đồng ra toàn thôn Khe Phương, lựa chọn những nhà dân đủ điều kiện để hỗ trợ phát triển thành homestay, đưa du khách đến từng nhà dân để trải nghiệm cuộc sống của đồng bào, tìm hiểu văn hóa truyền thống.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tập trung phát triển các sản phẩm OCOP địa phương như măng trúc, mật ong, thuốc ngâm lá Dao, khoai sọ nương... thông qua việc khuyến khích người dân mở rộng vùng sản xuất tập trung. Đặc biệt, vận động người dân chuyển đổi trồng keo sang rừng gỗ lớn, cây dược liệu vừa góp phần bảo vệ đất, rừng, nguồn nước vừa tạo không gian trải nghiệm du lịch hấp dẫn. Qua đó, tạo ra nguồn thu nhập, lợi nhuận bền vững cho người dân từ hoạt động du lịch” - anh Nguyễn Trung Kiên chia sẻ thêm.
“Đầu tư cho văn hóa, bảo tồn văn hóa là hành trình cần cả cuộc đời” với quan điểm ấy, anh Nguyễn Trung Kiên và những cộng sự vẫn đang miệt mài góp sức với mong muốn phát triển du lịch xanh bền vững từ chính những giá trị văn hóa của quê hương, góp phần nhỏ bé đưa thành phố bên bờ di sản Hạ Long ngày càng tỏa sáng trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.
Nguyễn Dung
Liên kết website
Ý kiến ()