Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 16/11/2024 06:21 (GMT +7)
Khôi phục chùa Quỳnh Lâm - danh lam cổ tự xứ Đông
Chủ nhật, 22/11/2020 | 12:00:23 [GMT +7] A A
Trong lịch sử, Quỳnh Lâm là ngôi chùa lớn nổi tiếng và có quá trình khởi dựng, trùng tu trải dài suốt các triều đại từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn...
Chùa Quỳnh Lâm từng có tượng Phật Di lặc được liệt vào hàng “An Nam tứ đại khí” vào thời Lý và là một trong những trung tâm đào tạo tăng tài lớn dưới thời Trần.
Đặc biệt vào thời Lê Trung hưng, triều đình đã đại trùng tu chùa khi cấp tiền và huy động dân thuộc 3 huyện Đông Triều, Chí Linh và Thuỷ Đường xây dựng chùa. Thậm chí, chúa Trịnh còn cho tháo dỡ hành cung Cổ Bi (Gia Lâm, Hà Nội) lấy gỗ để trùng tu và xây dựng chùa...
Các tòa nhà tiền đường, trung đường, hậu đường thuộc kiến trúc trung tâm của chùa Quỳnh Lâm nay đã hoàn thiện. Ảnh:Ngọc Lâm(CTV) |
Có lịch sử huy hoàng với nhiều giá trị lớn cả về kiến trúc, nghệ thuật nhưng trải qua những biến cố lịch sử, chùa đã dần trở thành phế tích và hoàn toàn bị phá hủy, chỉ còn lại mặt bằng nền móng vào khoảng giữa thế kỷ XX.
Nhằm khôi phục lại ngôi chùa có giá trị lịch sử lớn, hiện nằm trong quần thể Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Dự án bảo tồn, tu bổ, tôn tạo chùa Quỳnh Lâm vào năm 2015.
Sau khi khởi công xây dựng lại chùa vào tháng 4/2016, đến nay, diện mạo công trình với những hạng mục chính đã cơ bản hoàn thành, góp phần khôi phục phần nào quy mô bề thế, khang trang của ngôi cổ tự năm xưa.
Trong đó, 3 tòa tiền đường, trung đường, hậu đường thuộc kiến trúc trung tâm đã thi công hoàn thiện, với diện tích 397,8m2/nhà. Nội thất thờ tự của các tòa nhà đang được tích cực huy động để trang bị. Tổng thể sân vườn, cây xanh được tôn tạo có diện tích 10.507m2, hai nhà bia được làm lại có tổng diện tích 62m2 và tam quan được xây mới trên diện tích 102m2...
Việc khôi phục chùa Quỳnh Lâm nhận được sự ủng hộ, công đức của nhiều doanh nghiệp, cán bộ, người dân, du khách gần xa. |
Qua tìm hiểu được biết, việc tu bổ, tôn tạo chùa Quỳnh Lâm những năm qua được thực hiện trên nguyên tắc gìn giữ, bảo tồn cơ bản các yếu tố gốc cấu thành di tích, thể hiện đậm nét kiến trúc truyền thống.
Trong đó, tam quan chùa được xây mới trên vị trí nền móng đã được khảo cổ năm 2007, với khung kết cấu bằng gỗ lim. Chếch phía bên tả tam quan là nhà che bia được xây mới bằng gỗ, tại vị trí nhà che bia cũ. Kiến trúc trung tâm được dựng lại đúng vị trí các dấu vết kiến trúc thời Lê đã được phát lộ qua lần khai quật khảo cổ học năm 2009. Đơn vị thi công cũng tái sử dụng các chân tảng, bó thềm đá cũ tìm thấy tại chùa.
Các công trình còn hiện hữu được giữ nguyên, như nhà tổ, nhà khách, nhà tăng, vườn tháp mộ. Các tháp mộ được tu bổ bằng cách vệ sinh bề mặt, vá lại những chỗ sứt của phần chân tháp và lát lại sân khu vực quanh tháp đảm bảo mỹ quan, khang trang hơn.
Ngoài ra, công trình còn đầu tư xây mới nhà trưng bày có khung kết cấu bằng gỗ lim và các hạng mục phụ trợ đi kèm phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, sử dụng của di tích, như: Cải tạo bãi đỗ xe, nhà tăng, nhà bếp, hồ nước…
Mặt bằng tổng thể chùa Quỳnh Lâm hiện nay. Ảnh:Ngọc Lâm (CTV) |
Việc khôi phục chùa Quỳnh Lâm cần một nguồn kinh phí lớn, với tổng dự toán lên tới gần 163 tỷ đồng, hoàn toàn từ nguồn huy động xã hội hoá. Nhà chùa thực hiện việc tu bổ, tôn tạo di tích từ năm 2016 đến năm 2019 mới hoàn thiện xong tòa tiền đường, tòa trung đường vẫn còn dở dang.
Để đẩy nhanh tiến độ công trình, TX Đông Triều đã kêu gọi Quỹ Thiện tâm Tập đoàn Vingroup đầu tư xây dựng, có sự theo dõi, giám sát của địa phương. Quỹ Thiện tâm cho đến nay cũng là đơn vị công đức lớn nhất cho công trình. Theo thống kê của địa phương, trong 5 năm qua, Quỹ đã công đức cho dự án chùa Quỳnh Lâm với tổng giá trị hơn 58,9 tỷ đồng, trong đó có 1.576,8m3 gỗ lim. Bên cạnh đó, nguồn quỹ này còn tài trợ 1 pho tượng ngọc đặt tại tòa hậu đường nặng 3,8 tấn.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, ngôi danh lam cổ tự xứ Đông nay đã từng bước được khôi phục lại diện mạo huy hoàng năm xưa từ sự chung tay đóng góp, hảo tâm công đức của doanh nghiệp, người dân, du khách bốn phương. Chùa dự kiến sẽ tổ chức lễ khánh thành vào cuối tháng 11 này, chào đón đông đảo du khách gần xa về tham quan, dâng hương, lễ phật.
Ngọc Mai
Liên kết website
Ý kiến ()