Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:32 (GMT +7)
Không chủ quan với dịch bệnh
Thứ 3, 26/04/2022 | 07:49:30 [GMT +7] A A
Đỉnh dịch sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần đã qua. Hiện tại ở tất cả các địa phương trong cả nước số lượng ca mắc mới đã giảm rất nhiều, trung bình khoảng 10.000 ca mỗi ngày. Đơn cử như từ 16h ngày 23/4 đến 16h ngày 24/4, cả nước ghi nhận 8.813 ca nhiễm mới tại 60 tỉnh, thành phố. Từ 16h ngày 22/4 đến 16h ngày 23/4, cả nước ghi nhận 10.365 ca nhiễm mới tại 59 tỉnh, thành phố. Từ 16h ngày 21/4 đến 16h ngày 22/4, cả nước ghi nhận 11.160 ca nhiễm mới, tại 59 tỉnh, thành phố.
Đây là tín hiệu tích cực để cả nước bước vào giai đoạn bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, tập trung phát triển kinh tế, phục hồi những ngành, nghề, lĩnh vực chịu tác động nặng nề bởi đại dịch, ổn định cuộc sống người dân.
Kết quả trên có được phần nhiều là do nước ta triển khai sớm, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho người dân. Hiện tại, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 đạt cao và sớm trên thế giới. Như ở Quảng Ninh, đến thời điểm này, tỷ lệ bao phủ tiêm đủ 2 mũi cho lứa tuổi từ 12 tuổi đến 18 tuổi đạt trên 99% và gần 96% đối với người từ 18 tuổi trở lên được tiêm đủ 3 mũi (liều bổ sung). Nhờ tỷ lệ bao phủ vắc xin cao, sớm nhất toàn quốc, nên tỷ lệ người mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ và không triệu chứng chiếm từ 97-98%, triệu chứng trung bình khoảng 2%, triệu chứng nặng tính đến ngày 13/4 chỉ có 0,088%, tỷ lệ tử vong là 0,043%, chỉ bằng 10% so tỷ lệ tử vong trung bình của cả nước.
Với việc kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, mọi hoạt động của đời sống, kinh tế - xã hội, văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí, du lịch, dịch vụ… được sớm quay trở lại bình thường. Như hoạt động du lịch dịp nghỉ Giỗ tổ Hùng Vương, Quảng Ninh đã đón trên 150.000 lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Hiện hoạt động du lịch, dịch vụ trên địa bàn trở lại bình thường với sự sôi động, náo nhiệt vốn có.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, việc mọi hoạt động của đời sống, kinh tế - xã hội trở lại bình thường là tín hiệu tốt để phục hồi nền kinh tế, song nguy cơ nhiễm mới cũng như tái nhiễm Covid-19 vẫn tồn tại, nhất là khi các biến chủng mới liên tục xuất hiện. Do đó, mỗi người dân vẫn cần tránh tâm lý chủ quan, lơ là, thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh dịch.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngoài những biến thể cũ vẫn tồn tại, hiện biến thể Omicron gồm 3 nhánh BA.1, BA.2, BA.3 đã lây lan ở nhiều quốc gia trên thế giới. Mới đây nhất, WHO cảnh báo về biến chủng mới XE, tái tổ hợp từ hai dòng phụ BA.1 và BA.2 của Omicron, có khả năng lây lan nhanh hơn Omicron. Mặc dù biến chủng này vẫn còn khá mới và chưa xuất hiện tại Việt Nam, song với việc nước ta mở cửa hoàn toàn du lịch đón du khách trong nước và quốc tế thì việc biến chủng này xâm nhiễm vào trong nước chỉ là vấn đề thời gian. Chính vì vậy, việc chủ động phòng tránh dịch của mỗi người dân vẫn có ý nghĩa quan trọng để hạn thế và làm chậm lại quá trình lây lan dịch bệnh, bảo vệ những đối tượng yếu thế.
Cũng theo khuyến cáo của các cơ quan y tế, trong bối cảnh dịch bệnh đang dần có xu hướng lắng xuống, các hoạt động kinh tế - xã hội, du lịch, dịch vụ, vui chơi, giải trí… sôi động trở lại, thì việc dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng trách dịch là chưa thể thực hiện ngay. Để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong trạng thái bình thường mới mỗi người dân vẫn cần thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh dịch. Trong đó người dân cần tuân thủ tiêm chủng đầy đủ 3 mũi vắc xin phòng Covid-19, thực hiện nghiêm 2K: khẩu trang - khử khuẩn. Điều này không chỉ góp phần quan trọng trong việc bảo vệ an toàn cho bản thân mà còn cho xã hội. Đây cũng là yếu tố then chốt, quyết định để dịch bệnh được kiểm soát tốt, không bùng phát trở lại, góp phần tạo điều kiện để kinh tế - xã hội phát triển, mọi hoạt động của đời sống được trở lại bình thường, như mong ước của tất cả chúng ta.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()