Quảng Ninh hôm nay ngày càng lớn mạnh cùng đất nước. Trong quá trình phát triển, tỉnh luôn quan tâm công tác an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, đầu tư hạ tầng vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... với phương châm "Không để ai bị bỏ lại phía sau".
Để thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách, nâng cao đời sống nhân dân, Quảng Ninh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai các hoạt động hướng đến đối tượng yếu thế trên địa bàn, như: Đào tạo nghề, giải quyết việc làm; hỗ trợ, tạo điều kiện vay vốn phát triển kinh tế gia đình; hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở; trao kinh phí học tập, tặng quà nhân dịp lễ, tết...
Từ sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, bà Trần Thị Vội, khu Đá Bạc, phường Phương Nam, TP Uông Bí cùng cháu trai khuyết tật đã được ở trong căn nhà vững chãi.
|
Trong ngôi nhà mới khang trang, vững chãi (được đưa vào sử dụng năm 2020), bà Trần Thị Vội (khu Đá Bạc, phường Phương Nam, TP Uông Bí) chia sẻ: "Tôi tuổi cao, sức yếu, không có việc làm ổn định, phải chăm lo cho đứa cháu khuyết tật. Căn nhà cũ đã xuống cấp từ lâu, thường xuyên bị ngập mỗi khi mưa to. Được sự hỗ trợ của các cấp, giờ đây bà cháu tôi đã được ở trong căn nhà mới khang trang, vững chãi. Tôi xin cảm ơn sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các nhà hảo tâm đã giúp đỡ, tiếp thêm động lực để gia đình vượt qua khó khăn, ổn định được cuộc sống".
Ngôi nhà khang trang của hộ nghèo ông Đỗ Đình Quế, xã Bình Dương, TX Đông Triều. |
Ngôi nhà của bà Vội chỉ là một trong hàng nghìn ngôi nhà trên địa bàn tỉnh được các cấp ủy đảng, chính quyền và nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng thời gian qua. Không chỉ hỗ trợ xây nhà, giúp các hộ ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, những năm qua công tác giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của người dân luôn được tỉnh, các địa phương và toàn xã hội quan tâm với trách nhiệm cao. Với phương châm “Trao cần câu, không trao con cá”, hằng năm từ tỉnh đến các địa phương đều quan tâm bố trí vốn từ ngân sách ủy thác cho Ngân hàng CSXH Quảng Ninh triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi cho đối tượng chính sách.
Tính đến ngày 31/12/2020, nguồn vốn ngân sách tỉnh và huyện ủy thác qua Ngân hàng CSXH thực hiện cho vay là 368,12 tỷ đồng; doanh số cho vay đạt 1.175,3 tỷ đồng, với 25.607 lượt người dân được vay vốn; tổng dư nợ đạt 3.272,3 tỷ đồng, với 70.089 khách hàng còn dư nợ. Nguồn vốn ưu đãi này đã thực sự trở thành trợ lực giúp các đối tượng chính sách phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Người dân thôn Ngàn Pạt, xã Tình Húc, huyện Bình Liêu phấn khởi đi trên con đường mới. |
Song song với đó, các cấp chính quyền, đoàn thể, MTTQ… tích cực thực hiện các mô hình kinh tế, tăng cường giám sát quá trình hỗ trợ sản xuất, ưu tiên đầu tư các công trình phục vụ sản xuất.
Thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm đặc biệt tới khu vực vùng sâu, vùng xa. Đáng chú ý, từ năm 2016, tỉnh đã xây dựng đề án chuyên biệt (Đề án 196) với mục tiêu dồn lực sớm đưa các xã, thôn, bản ra khỏi diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Tỉnh đã huy động trên 1.770 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư gần 700 công trình hạ tầng thiết yếu cho các xã, thôn vùng ĐBKK. Ðến nay đã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK. Các xã đều có đường ô tô được cứng hóa đến trung tâm xã; trạm y tế đạt chuẩn; người dân được sử dụng điện lưới quốc gia; gần 98% số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; trên 9.400 lượt hộ nghèo, cận nghèo tham gia các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, gắn với chương trình OCOP… Trợ lực này đã biến đổi những nơi khó khăn trở thành vùng đất trù phú, làm giàu cho nhiều người dân. Bằng tư duy đổi mới, hành động quyết liệt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn của tỉnh giảm còn khoảng 1%.
Hành trình phát triển của Quảng Ninh đã phải đối mặt với không ít thách thức. 5 năm trước, tỉnh phải chống chọi với trận "đại hồng thủy" chưa từng có trong vòng hơn 40 năm. Những mất mát, những đau thương trong đợt mưa lũ lịch sử đó càng khiến người dân thêm đoàn kết, niềm tin vào Đảng và chính quyền. Bởi trong những gian nan đó, người dân luôn có sự hỗ trợ kịp thời của cả nước, tỉnh, ngành, địa phương.
Trong đó, tỉnh đã trích ngân sách 15 tỷ đồng để hỗ trợ 3 địa phương Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn. Đồng thời, xây dựng Đề án di dân tổng thể ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm và quy hoạch bố trí dân cư phòng tránh thiên tai trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025. Đến hết ngày 31/12/2018, toàn tỉnh hoàn thành 100% kế hoạch di dời, về đích sớm 2 năm so với kế hoạch đặt ra, người dân ổn định đời sống.
Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Ninh giải ngân vốn hỗ trợ cho người dân. |
Năm 2020, cùng với thế giới và cả nước, Quảng Ninh lại bước vào một cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Dịch bệnh bùng phát đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển sản xuất, đời sống của nhiều người dân trên địa bàn tỉnh. Với những hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách, khó chồng thêm khó. Để không ai bị bỏ lại phía sau, tại Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XIII, đã ban hành Nghị quyết số 245/2020/NQ-HĐND "Về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo an sinh xã hội và ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh". Theo đó, tỉnh đã nâng mức dự phòng chi ngân sách từ 2% lên 4%, tương ứng với 1.018 tỷ đồng, ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch, giải quyết khó khăn của doanh nghiệp, người lao động, các đối tượng chính sách, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Quảng Ninh là địa phương thứ hai trong nước (cùng với TP Hồ Chí Minh) chính thức có cơ chế hỗ trợ cho nhóm người yếu thế trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Anh Nguyễn Văn Tốt (phường Yết Kiêu, TP Hạ Long) cho biết: "Hai vợ chồng tôi làm nghề thu mua đồng nát. Khi dịch Covid-19 bùng phát, vợ chồng tôi tạm dừng việc thu mua. Không có việc làm, đồng nghĩa với không có thu nhập. Được sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, trong 3 tháng, mỗi tháng gia đình tôi được hỗ trợ 1 triệu đồng. Đây là nguồn động viên, khích lệ rất lớn đối với lao động tự do, người có thu nhập thấp như chúng tôi".
Quảng Ninh luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới việc nâng cao thu nhập cho người dân vùng sâu, vùng xa |
Đặc biệt, trước nhu cầu bức thiết từ thực tiễn, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết phân bổ 60 tỷ đồng ủy thác qua Ngân hàng CSXH Quảng Ninh để cho vay giải quyết việc làm từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên năm 2020. Nguồn vốn này thực sự là "cứu cánh" cho người dân trong giai đoạn khó khăn, nâng cao thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội.
Các địa phương cũng chủ động dành nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, giữ vững địa bàn an toàn và quan trọng hơn hết là đảm bảo sức khỏe cho nhân dân. Ông Đinh Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả, cho biết: Việc xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm các ca dương tính virus SARS-CoV-2 là giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống dịch. Vì thế, Cẩm Phả đã chủ động đầu tư Phòng xét nghiệm Realtime-PCR đặt tại Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả. Toàn bộ kinh phí đầu tư phòng xét nghiệm từ nguồn tiết kiệm chi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giải trí và một phần xã hội hóa. Cẩm Phả là địa phương đầu tiên của tỉnh chủ động đầu tư hệ thống xét nghiệm bằng kinh phí của địa phương.Khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh tạm dừng để ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch. Điều này đồng nghĩa với việc một số nguồn thu bị ảnh hưởng. Song tất cả vì người dân, tỉnh rà soát, tiếp tục giảm 10% chi thường xuyên; tăng dự phòng ngân sách lên mức tối đa 4% trên tổng chi ngân sách địa phương; hạn chế tối đa mua sắm tài sản, cắt giảm chi phí hội họp, không ban hành chính sách mới chưa thật sự cần thiết... Tỉnh dành tối thiểu 500 tỷ đồng để sẵn sàng cho việc mua vắc xin phòng ngừa Covid-19 và triển khai tiêm phòng cho toàn dân.
Hội Bảo trợ Người Khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh trao tặng 20 xe lăn cho người khuyết tật trên địa bàn TP Móng Cái |
Không chỉ các đối tượng chính sách, hộ nghèo, người yếu thế, trên 1,3 triệu người dân Quảng Ninh luôn được quan tâm chăm lo về đời sống vật chất, tinh thần. Điều đó đã tiếp tục củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền, tạo nên sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết, phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”. Đây là nền tảng quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục bứt phá vươn lên, phát triển bền vững.
Ý kiến ()