Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:51 (GMT +7)
"Không để khan hiếm, tăng giá hàng hóa trong bất cứ trường hợp nào"
Thứ 2, 13/09/2021 | 09:01:49 [GMT +7] A A
Tỉnh đang có nhiều giải pháp đảm bảo cung ứng hàng hóa trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong nước, không để khan hiếm, tăng giá hàng hóa, người dân hoang mang, doanh nghiệp đứt gãy chuỗi cung ứng... Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Hoài Thương, Phó Giám đốc Sở Công Thương, về những nội dung này.
- Người dân hiện rất quan tâm đến vấn đề cung ứng hàng hóa thời gian này, do nhiều tỉnh, thành trong nước bùng phát dịch Covid-19, gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Sở Công Thương đã thực hiện những giải pháp gì để đảm bảo nguồn hàng hóa trên địa bàn tỉnh, thưa bà?
+ Thời gian qua, các cơ sở kinh doanh đã chủ động điều chỉnh lượng hàng dự trữ, tìm kiếm nhiều đối tác cung ứng, nhằm đa dạng hóa các mặt hàng. Lưu thông hàng hóa thiết yếu được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, nhằm kịp thời cung ứng hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Hiện nguồn cung và giá bán hàng hoá tại Quảng Ninh ổn định, phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân. Các kênh phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh, nhất là hệ thống các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, luôn chủ động nguồn hàng sẵn có cho người dân, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hoá.
Thời gian qua, Sở Công Thương đã phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND các địa phương, làm việc trực tiếp với các đơn vị phân phối trên địa bàn tỉnh để rà soát, đánh giá khả năng sản xuất, năng lực cung ứng và lượng thừa, thiếu các mặt hàng thiết yếu của các địa phương, từ đó đề xuất, đưa ra những phương án, giải pháp nhằm đảm bảo nguồn hàng hoá thiết yếu phục vụ nhân dân.
Bên cạnh huy động nâng cao năng lực sản xuất thực phẩm thiết yếu trong tỉnh, còn có sự chung tay của các doanh nghiệp phân phối, hộ kinh doanh thực phẩm thiết yếu trong và ngoài tỉnh, nhằm đảm bảo phục vụ tối đa nhu cầu của nhân dân. Việc đảm bảo nguồn cung hàng hoá luôn gắn với phương án đảm bảo lưu thông hàng hoá thiết yếu.
Sở Công Thương đã thành lập các tổ điều phối hàng hoá tại các địa phương, thường xuyên nắm bắt thông tin về diễn biến cung, cầu thị trường, giá cả, nguồn hàng cung ứng, lưu thông hàng hóa; thường xuyên cập nhật khả năng cung ứng hàng hoá thiết yếu của từng đơn vị, địa phương. Từ đó, có giải pháp kịp thời điều tiết hàng hóa thiết yếu, không để xảy ra hiện tượng thiếu hàng, đầu cơ, găm hàng và các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại. Song song với đó, tăng cường hướng dẫn các đơn vị phân phối (siêu thị, cửa hàng tiện lợi) trên địa bàn tỉnh lập, điều chỉnh bổ sung danh sách các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu của các đơn vị đối tác ngoài tỉnh.
- Việc xây dựng các kịch bản đảm bảo cung ứng hàng hóa dựa trên các cấp độ diễn biến của dịch Covid-19, đã được Sở Công Thương thực hiện như thế nào, thưa bà?
Sở Công Thương đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các địa phương xây dựng 8 phương án, kế hoạch cụ thể về việc đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân theo các cấp độ của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có kế hoạch xây dựng ứng phó với những tình huống xấu có thể xảy ra khi có 500-1.000, thậm chí 5.000 người mắc Covid-19 trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
Các phương án được Sở xây dựng dựa trên nhu cầu tiêu dùng hàng hoá thiết yếu của nhân dân, người lao động, lực lượng vũ trang..., đối chiếu với khả năng sản xuất, năng lực cung ứng của hệ thống phân phối trên địa bàn tỉnh. Từ đó, đưa ra các giải pháp nhằm điều tiết hàng hóa trong nội tỉnh, xác định lượng hàng hóa cần dự trữ trong tỉnh, bổ sung từ ngoài tỉnh, tìm kiếm nguồn hàng ngoài tỉnh; đa dạng hóa các hình thức bán hàng, đảm bảo an toàn cho người dân, như sử dụng thẻ mua hàng, mua sắm trực tuyến, mua sắm online...
Sở đã tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch cung ứng, dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu đảm bảo về số lượng, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và bình ổn giá trong trường hợp thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg trên địa bàn tỉnh.
Sở cũng đã gửi văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tạo điều kiện cho các phương tiện lưu thông hàng hóa vào trong tỉnh theo đúng quy định; chỉ đạo các đơn vị chủ động phương án tăng mức dự trữ, cung ứng trong kho lên từ 2-5 lần, có phương án điều phối giữa các kho hàng của đơn vị trong tỉnh và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai trong trường hợp nhu cầu tiêu dùng tăng cao do dịch bùng phát, thực hiện giãn cách xã hội. Trong mọi điều kiện đảm bảo hàng hoá đến được với người dân, đặc biệt quan tâm đến các hộ nghèo, hộ cận nghèo, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người dân yếu thế.
Trong thời gian này, đề nghị người dân đồng lòng với các cấp chính quyền thực hiện nghiêm các quy định khi đến các cơ sở kinh doanh hàng hoá thiết yếu, đảm bảo an toàn phòng chống dịch, giữ địa bàn tỉnh an toàn.
- Xin cảm ơn bà!
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()