Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 04:39 (GMT +7)
Không gian "kể chuyện" công nhân mỏ ở Bảo tàng Quảng Ninh
Chủ nhật, 12/11/2023 | 15:14:00 [GMT +7] A A
Là một bảo tàng tổng hợp hấp dẫn, Bảo tàng Quảng Ninh còn có những không gian trưng bày độc đáo, kể lại những câu chuyện thú vị, hiện vật quý. Đó là không gian trưng bày ngành than, nơi kể những câu chuyện lịch sử, văn hóa công nhân Vùng mỏ Quảng Ninh.
Trưng bày ở tầng cao nhất, không gian trưng bày ngành than ở Bảo tàng Quảng Ninh đem tới nhiều điều thú vị, cảm xúc cho du khách. Không gian này được đặt ở tầng 3 và chiếm hơn 40% tổng diện tích mặt sàn gần 1.000m2 của tầng. Không gian tầng 3 nói riêng và các tầng Bảo tàng được các kiến trúc sư nổi tiếng hoạch định, thiết kế và được các chuyên gia hàng đầu hỗ trợ về nội dung trưng bày. Tất cả tạo sức hút, ấn tượng khi du khách tới tham quan.
Tuy không phải vào cao điểm du lịch, dịp cuối tuần cũng có khá đông khách thăm Bảo tàng. Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Ánh (Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) đưa con đi tham quan Bảo tàng sau chuyến đi vùng cao Bình Liêu về. Chị chia sẻ: Ngoài vẻ đẹp, sự sinh động và không gian hiện đại, tôi và các con đặc biệt thích không gian trưng bày ngành than, về công nhân mỏ, các mô hình độc đáo như thật… Tất cả kể một câu chuyện về văn hóa, quá trình lịch sử và công việc khai thác mỏ một cách sinh động nhất.
"Không chỉ có mô hình, không gian trưng bày về ngành Than được quan tâm đầu tư, xác định là một trong những điểm nhấn, nội dung trưng bày quan trọng ở Bảo tàng. Những hiện vật, tư liệu cùng nhiều mô hình độc đáo đã kể một câu chuyện sinh động về ngành than, lịch sử và văn hóa công nhân mỏ trong suốt quá trình lịch sử” - ông Đỗ Quyết Tiến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, chia sẻ.
Theo đó, bước vào không gian tầng 3, điều mà nhiều du khách ấn tượng, chú ý chính là bức tượng bằng than đá nguyên khối cao với dòng chữ đỏ phía trên: Kỷ luật và Đồng tâm… Khẩu hiệu này như dẫn dắt du khách tới câu chuyện, quá trình đấu tranh mà các hiện vật phía trong "kể" lại ở không gian này.
Với hơn 300 ảnh, tư liệu và 200 hiện vật bằng các chất liệu khác, được bố trí theo thời gian, bối cảnh các sự kiện diễn ra, đã hấp dẫn du khách tìm hiểu. Du khách được dẫn dắt qua câu chuyện của hướng dẫn viên từ quá trình bán khu Mỏ cho người Pháp, việc chiêu mộ phu mỏ… qua những hiện vật, ảnh về thông báo chiêu mộ phu mỏ.
Nổi bật có lẽ là những bức ảnh, tư liệu sinh động về áp bức, bóc lột, cúp giờ làm, ăn chặn lương... của thực dân đối với phu mỏ. Câu chuyện gây ấn tượng với du khách có lẽ là những hình ảnh lán, nhà lụp xụp của phu mỏ tương phản với nơi ở của thực dân; số phận của người phu mỏ ở tư liệu ảnh: Nghĩa địa công nhân Than Vàng Danh ở trên đồi, um tùm lau sậy…
Có lẽ, chính từ hoàn cảnh đó mà người phu mỏ, công nhân mỏ đã dần biết đoàn kết, cùng nổi dậy, biểu tình và càng có tổ chức, đoàn kết hơn khi có sự hỗ trợ của các tổ chức tiền cách mạng. Không chỉ vậy, chiếm phần nửa là nhiều hiện vật, tư liệu hình ảnh ở không gian này kể những câu chuyện về tinh thần kiên cường, đoàn kết; tinh thần Kỷ luật - Đồng tâm trong các phong trào, cao trào đấu tranh của công nhân Vùng mỏ tới quá trình xây dựng XHCN, chống chiến tranh phá hoại, hỗ trợ miền Nam đánh Mỹ, xây dựng ngành than giàu truyền thống lịch sử như ngày nay.
Điểm nhấn trưng bày về ngành Than còn là các hiện vật, các công cụ lao động thô sơ và cũng chính là thứ được công nhân phu mỏ dùng làm vũ khí trong đấu tranh, nổi dậy, như: Kìm kẹp, đèn con gà, choòng, cuốc chim…
Không chỉ có hiện vật quý, điểm nhấn sinh động, hút khách nhất là sa bàn giới thiệu về khai thác than lộ thiên khai trường Mỏ than Cọc 6, một trong 5 "cánh chim đầu đàn" khai thác lớn nhất của ngành than và mô hình hầm lò mô phỏng theo tỷ lệ 1-1 với đầy đủ cột chống, xe goòng, công nhân mỏ đang làm việc...
Điều thú vị là ở không gian hầm lò khai thác than, Bảo tàng giới thiệu sự thay đổi trong cách thức, công nghệ khai thác than từ thời Pháp thuộc cho tới ngày nay. Tất cả như thật, tạo ra cảm xúc, trải nghiệm chân thật cho khách tham quan.
Không chỉ vậy, hiện vật "kể chuyện" về ngành than còn được bố trí ở các tầng, các điểm khác. Đó là khối than đá khổng lồ ở trước cửa Bảo tàng, đặc biệt là bức tượng Bác Hồ bằng than đá do một công nhân ở Cẩm Phả tên là Mão, tạc từ than đá gửi lên Chiến khu tặng Bác năm 1951.
Sau đó, bức tượng than đá đã đi nhiều nơi nhưng cuối cùng lại được sưu tầm quay về Bảo tàng Quảng Ninh. Các chuyên gia của Bảo tàng Hồ Chí Minh đánh giá cao, coi đây là một hiện vật quý, mang dấu ấn riêng mà ngay cả Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng không có được.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()