Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 17/11/2024 10:21 (GMT +7)
Không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học
Thứ 2, 19/09/2022 | 13:45:30 [GMT +7] A A
Hướng tới mục tiêu đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý giáo dục, xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số, ngành GD&ĐT Quảng Ninh đã và đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số ở tất cả các cấp học.
Những giờ học hứng thú
Quảng Ninh hiện có 645 cơ sở giáo dục với trên 347.000 học sinh, gần 22.000 cán bộ, giáo viên. Những năm qua, Quảng Ninh được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục, đào tạo. Đến nay, ngành GD&ĐT tỉnh đã trang bị gần 1.500 phòng học thông minh tại 90 trường học, tổng kinh phí gần 400 tỷ đồng. Từ các lớp học thông minh này, những môn học khó như Toán, Lý, Hóa hay "khô khan" như Lịch sử đã trở nên dễ hiểu, hấp dẫn hơn với học sinh nhờ các phần mềm tương tác mà giáo viên sử dụng.
Lịch sử từng được coi là môn học rất khó nhớ với nhiều học sinh trung học. Tuy nhiên giờ đây, những tiết học Lịch sử đã trở nên gần gũi, dễ hiểu, dễ thuộc đối với học sinh Trường THCS Mạo Khê 2 (TX Đông Triều) khi có sự kết hợp giữa bài giảng của giáo viên và phần minh họa từ các thiết bị thông minh. Nhờ đó, những dữ kiện, mốc thời gian, nhân vật trở nên sống động, hấp dẫn hơn. Hà Phương (học sinh lớp 7A3, Trường THCS Mạo Khê 2) cho biết: "Qua bài giảng điện tử, các môn học như Tiếng Anh, Hóa, Địa lý, Lịch sử được minh họa bằng hình ảnh, clip nên chúng em rất dễ hình dung, từ đó hiểu bài và ghi nhớ dễ dàng hơn; giúp chúng em phát triển tư duy của mình đối với từng môn học, bài giảng, tạo cảm giác mới mẻ, hứng thú khi lên lớp".
Ứng dụng CNTT để thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dạy và học được Trường THCS Trần Hưng Đạo (TX Quảng Yên) triển khai từ năm học 2015-2016. Trường hiện có 4 phòng học thông minh cấp độ 1, 9 phòng học thông minh cấp độ 2, với 160 máy tính cho học sinh học tập. Các phòng học đều trang bị máy tính, màn hình tương tác, kèm phần mềm cho giáo viên giảng dạy. Những tiết học tại phòng học thông minh, học sinh được tương tác với giáo viên qua những bài giảng điện tử, phần mềm giảng dạy, các trò chơi lồng ghép kiến thức môn học trên máy tính…, tạo không khí sôi nổi học tập của học sinh.
Tại những địa bàn vùng cao, miền núi, các trường học cũng đã quan tâm đưa những thiết bị hiện đại vào giảng dạy, giúp những giờ đến lớp của học sinh trở nên hấp dẫn hơn. Những năm gần đây, các môn học Tiếng Anh, Toán, Tiếng Việt của Trường Tiểu học Quảng Lâm (huyện Đầm Hà) đã được đổi mới phương pháp giảng dạy thông qua hệ thống phòng học thông minh. Bài giảng được các giáo viên thiết kế sinh động, kèm theo hình ảnh, âm thanh, giúp nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập. Cô Trần Thị Hiền, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Với hệ thống trang thiết bị hiện đại, các tiết học trở nên hiệu quả hơn, nhờ đó chất lượng giáo dục của nhà trường được cải thiện và nâng cao hơn trước.
Chuyển đổi số để đổi mới toàn diện
Trong công tác quản lý, ngành GD&ĐT tỉnh cũng có sự chuyển mình từ rất sớm vớ việc ứng CNTT để nâng cao hiệu quả làm việc. Từ năm 2009, phần mềm quản lý văn bản trực tuyến trong ngành đã được áp dụng từ Sở GD&ĐT đến các phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục; qua đó, giúp số hóa và xử lý 100% văn bản đi, đến trong ngành; 100% cán bộ, chuyên viên, nhân viên trong ngành có tài khoản, có chữ ký số để truy cập và xử lý công việc. Sở GD&ĐT đã hoàn thiện liên thông văn bản điện tử qua trục liên thông văn bản quốc gia với Bộ GD&ĐT, các cơ quan trung ương; liên thông văn bản điện tử đến 13/13 phòng GD&ĐT các địa phương và toàn bộ các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Hiện 13/13 phòng GD&ĐT, 89 trường học, cơ sở giáo dục các cấp được trang bị hệ thống hội nghị truyền hình công nghệ video conference. Trong suốt thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành GD&ĐT tỉnh vẫn đảm bảo các cuộc họp, hội nghị, tập huấn quan trọng theo hình thức trực tuyến, đảm bảo tất cả các nội dung công việc cần triển khai trong ngành không bị gián đoạn, chậm trễ.
Quản lý giáo dục Quảng Ninh hiện cơ bản triển khai xong bước 1 (số hóa), đang ở giai đoạn 2 (ứng dụng số hóa). Toàn bộ thông tin của 22.000 cán bộ, giáo viên, 352.000 học sinh toàn tỉnh được quản lý bằng phần mềm. Dữ liệu này đã được chuyển tự động sang cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT, Trung tâm điều hành thành phố thông minh tỉnh. Toàn bộ các trường tiểu học, THCS trong tỉnh đã sử dụng sổ điểm, học bạ điện tử thay thế hoàn toàn văn bản giấy. Đây là tiền đề rất quan trọng để chuyển sang bước tiếp theo, giai đoạn chuyển đổi số.
Với mục tiêu không ngừng đổi mới, Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số của ngành với 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, đổi mới phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thường xuyên, liên tục. 50% học sinh, 100% giáo viên phổ thông có đủ điều kiện tham gia có hiệu quả các hoạt động dạy và học trực tuyến; tỷ trọng nội dung chương trình giáo dục phổ thông được triển khai trực tuyến đạt trên 5% ở bậc tiểu học, trên 10% ở bậc trung học; đồng thời, đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý giáo dục dựa trên công nghệ số và dữ liệu. Đến năm 2030, tất cả các thành tố trong hệ thống giáo dục của tỉnh được đưa vào môi trường số.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()