Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:20 (GMT +7)
Không ngừng nâng cao Chỉ số niềm tin
Thứ 2, 10/04/2023 | 13:54:16 [GMT +7] A A
Năm 2017, khi lần đầu tiên Quảng Ninh đạt quán quân Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), soán ngôi dẫn đầu của TP Đà Nẵng sau rất nhiều năm, đã tạo sự phấn khởi, ngạc nhiên rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các địa phương trong cả nước. Và từ đó đến nay, nhiều năm liên tiếp tỉnh tiếp tục chiếm đỉnh bảng xếp hạng PCI, tăng trưởng kinh tế xuyên đại dịch với nhiều nhà đầu tư tỷ USD đặt chân. Điều này tiếp tục khẳng định sức hút của Quảng Ninh dù trong những thời điểm khó khăn nhất do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Tháng 3/2021, giữa lúc đại dịch Covid-19 càn quét khiến nhiều khu công nghiệp đóng băng, nhiều ngành nghề bị tàn phá nặng nề, một doanh nghiệp “đại bàng” đã chọn Quảng Ninh để rót vốn đầu tư dự án gần 1 tỷ USD. Nhiều câu hỏi được đặt ra, rằng Quảng Ninh đã làm cách nào để “hút” trọn vẹn 2 dự án liên quan đến sản xuất tấm quang năng quy mô lớn của Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam (Công ty Jinko)? Hai dự án này gồm dự án công nghệ tế bào quang điện và Dự án công nghệ tấm silic, đặt tại KCN Sông Khoai, TX Quảng Yên, tổng mức đầu tư lên đến 865,6 triệu USD.
Nói về quá trình quyết định đầu tư trên, theo ông Hoàng Kim Tinh, Tổng Giám đốc đối ngoại, kiêm Giám đốc điều hành Công ty Jinko, cho biết: Thời điểm ban đầu công ty vẫn đắn đo vì đây là địa phương hoàn toàn mới mẻ. Lúc đầu, Công ty Jinko chỉ có ý định thực hiện Dự án công nghệ tế bào quang điện, còn Dự án công nghệ tấm silic - nơi sản xuất nguyên liệu đầu vào cho Dự án công nghệ tế bào quang điện để sản xuất sản phẩm cuối cùng là tấm quang năng thì chưa có kế hoạch đặt tại Quảng Ninh. Sau khi tiến hành nhiều cuộc khảo sát, các chuyên gia Công ty Jinko tiếp tục chọn Quảng Ninh là nơi đặt Dự án thứ 2. Bởi theo ông Hoàng Kim Tinh, Quảng Ninh có sự ổn định về phát triển kinh tế, đặc biệt nhất là sự vào cuộc hỗ trợ nhiệt tình của hệ thống chính trị, sự hỗ trợ sau đầu tư, khi gặp khó khăn, công ty phản hồi thì tỉnh Quảng Ninh luôn tích cực, chủ động ghi nhận, lắng nghe, lập tức tham gia giúp doanh nghiệp giải quyết vấn đề thông qua các cuộc họp, các chỉ đạo cụ thể kể cả vào ngày nghỉ theo quy định. Đây chính là lý do then chốt khiến Jinko song hành cùng Quảng Ninh.
Có thể thấy, trong giai đoạn 2020-2022, trong điều kiện tình hình kinh tế thế giới và cả nước gặp nhiều khó khăn, Quảng Ninh vẫn duy trì nhịp độ tăng trưởng GDP trên 10%, cao hơn mức trung bình cả nước, đứng thứ 3 trong top 10 địa phương thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất (sau TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và tích cực, thu ngân sách luôn đứng trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có số thu cao nhất cả nước. Các doanh nghiệp có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh hoạt động ngày càng ổn định, có doanh thu khá, đóng góp tích cực vào ngân sách: Các doanh nghiệp FDI doanh thu khoảng 2,5 tỷ USD, doanh nghiệp trong nước có doanh thu khoảng 3.200 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước hơn 900 tỷ đồng...
Để có được kết quả đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) chính là thước đo, là động lực để Quảng Ninh đẩy mạnh cải cách, nâng cao chất lượng điều hành, phát triển kinh tế. Theo đó, trong suốt thời gian vừa qua, chỉ số này ngày càng được địa phương hoàn thiện hơn, đồng thời trở thành động lực thúc đẩy, là mục tiêu để tỉnh phấn đấu trong cải thiện xếp hạng và trong thực tiễn. Và điều này cũng cho thấy sự nỗ lực của Quảng Ninh, cũng như tính khách quan của chỉ số PCI. Quảng Ninh luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên đó là cải cách hành chính, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế, năng lực cạnh tranh, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp phát triển bền vững, trong đó tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp dựa trên 3 trụ cột, gồm: Chủ động, quyết liệt thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đảm bảo giảm thành phần hồ sơ, giảm thời gian giải quyết, giảm chi phí thực hiện, nâng cao chất lượng dịch vụ công; và ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hóa nền hành chính, phát huy hiệu quả chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, xây dựng thành phố thông minh.
Đặc biệt, xác định công tác lãnh đạo, chỉ đạo đóng vai trò tiên quyết, quyết định sự thành công trong việc thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động, quyết liệt và đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành, tạo sự vào cuộc đồng bộ từ các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị trong nỗ lực xây dựng chính quyền kiến tạo, gắn công tác cải cách hành chính với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xác định “lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo cho sự phục vụ”.
Nổi bật là Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn chủ động kế thừa, đổi mới và phát triển để xây dựng chính quyền liêm chính, hành động, kiến tạo, phục vụ, định hình nền quản trị địa phương hiện đại, tự chủ, năng động, hiệu quả, quyết tâm đột phá vào các nút thắt, điểm nghẽn để mở ra các cơ hội mới cho phát triển. Hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành Kế hoạch hành động về triển khai cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh bám sát mục tiêu chỉ đạo tại các Nghị quyết liên quan của Chính phủ; đề ra các mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đặc biệt, đối với các chỉ số thành phần PCI đều được giao cho sở, ban, ngành chủ trì thực hiện để nâng cao trách nhiệm, tạo sự vào cuộc thực chất của từng cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh.
Cùng với đó, để luôn theo sát, hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất, tỉnh Quảng Ninh không ngừng tìm kiếm, chủ động mở nhiều kênh, nhiều cách thức khác nhau để lắng nghe, tạo không gian mở và thân thiện, gần gũi giữa chính quyền các cấp, các cơ quan, sở, ngành với nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đồng thời, thực hiện hiệu quả xúc tiến đầu tư tại chỗ với nhiều giải pháp thiết thực như: “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, thực hiện “chăm sóc, phục vụ doanh nghiệp” từ những việc nhỏ nhất, tạo niềm tin trong cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Kinh nghiệm của Quảng Ninh còn nằm ở việc nhận thức đầy đủ vai trò của các khu vực kinh tế, trong đó kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng, đồng thời thực hiện các cam kết, giữ vững niềm tin, chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, kỷ cương, sáng tạo, đoàn kết, gương mẫu… Với các mô hình quản trị mới được mạnh dạn thí điểm thành công như Trung tâm Truyền thông tỉnh; Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA); Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện; Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn; tổ công tác đặc biệt hỗ trợ các nhà đầu tư và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng như việc xếp hạng các chỉ số năng lực cạnh tranh, hiệu quả quản trị cấp sở, ngành, địa phương... người dân và doanh nghiệp ngày càng đánh giá cao hơn chất lượng cung cấp các dịch vụ công, hiệu quả quản trị của chính quyền.
Ông Vương Thành, Tổng Giám đốc vận hành Tập đoàn TCL (Hồng Kông, Trung Quốc), khẳng định, với những tiềm năng nổi trội, chính sách thông thoáng, cùng sự hỗ trợ, đồng hành nhiệt tình, trách nhiệm của tỉnh, Quảng Ninh luôn là một trong những lựa chọn hàng đầu của Tập đoàn khi nghiên cứu đầu tư tại Việt Nam.
Có thể khẳng định, PCI Quảng Ninh là kết quả của quá trình kiên trì, nỗ lực, liên tục bền bỉ, có kế thừa, đổi mới để phát triển và xây dựng chính quyền liêm chính, hành động, kiến tạo, phục vụ, định hình nền quản trị địa phương hiện đại, tự chủ, năng động, hiệu quả, quyết tâm đột phá vào các “nút thắt”, “điểm nghẽn”, mở ra các cơ hội cho phát triển mới. Điều này được tiếp tục khẳng định, khi chỉ trong quý đầu tiên của năm, Quảng Ninh đã thu hút được số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các KCN, KKT đạt gần 494 triệu USD, bằng 40,9% kế hoạch thu hút FDI của cả năm 2023; tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP ước đạt khoảng 8,06%, thu ngân sách ước đạt trên 14.870 tỷ đồng, đưa Quảng Ninh nằm trong top đầu cả nước và là điểm sáng của phía Bắc, có những quyết sách tạo đột phá mới trong nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()