Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 27/12/2024 10:11 (GMT +7)
Không vì mục tiêu làm cao tốc mà gây khó khăn cho người dân
Thứ 3, 07/11/2023 | 14:31:44 [GMT +7] A A
Theo Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, trong quá trình làm đường cao tốc, bộ đã chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu thi công cố gắng tối đa tránh ảnh hưởng đến người dân, công trình.
Trung bình làm 1km cao tốc thì 2-3km đường dân sinh hư hỏng
Sáng 7/11, tiếp tục phiên chất vấn của Quốc hội, đại biểu Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) tranh luận với Bộ trưởng Giao thông vận tải về việc xây dựng đường cao tốc bắc-nam. Đại biểu cho rằng, quá trình thi công các dự án thành phần đường cao tốc bắc-nam khiến một số tuyến đê bị băm nát, sụt lún, nhà cửa rạn nứt, đường giao thông nội đồng bị chia cắt, người dân đi làm ruộng phải băng cắt qua đường giao thông vì hầm chui dân sinh cách xa.
Đại biểu dẫn phản ánh cứ trung bình làm 1km cao tốc thì 2-3km đường dân sinh hư hỏng, hàng chục ha đất sản xuất bị ảnh hưởng… Thí dụ như dự án thành phần cao tốc bắc-nam Mai Sơn-quốc lộ 45 đoạn qua Thanh Hóa, đại biểu cho biết, dự án này dài 49,2km nhưng sau 3 năm thi công đã làm hư hỏng 92,7km đường dân sinh, ảnh hưởng đến người dân rất lớn. Địa phương đã phản ánh và đề nghị nhưng các nhà thầu không xử lý được.
“Theo tôi được biết lý do là trong tổng mức đầu tư không bố trí kinh phí để khắc phục hoàn trả cho người dân. Đề nghị Bộ trưởng quan tâm chia sẻ, không vì mục tiêu làm cao tốc hay vì thiếu kinh phí mà gây khó khăn cho người dân”, đại biểu Vũ Xuân Hùng nói.
Trả lời về nội dung này, Bộ trưởng Giao thông vận tải cho biết, khi triển khai các dự án đường cao tốc và dự án kết cấu hạ tầng giao thông, môi trường môi sinh bị ảnh hưởng là điều không thể tránh khỏi.
Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu thi công cố gắng tối đa tránh ảnh hưởng đến người dân, công trình của người dân. Dù vậy, Bộ trưởng cho biết để khắc phục hoàn toàn thì không thể được.
Ngoài các biện pháp đã thực hiện, tư lệnh ngành giao thông thông tin đã có thư gửi các địa phương để người dân cảm thông, đặc biệt việc vận chuyển nguyên vật liệu đi qua nhà dân.
“Về kinh phí thì chúng ta không thiếu để khắc phục, hoàn trả đường dân sinh, cũng như có chi phí đền bù cho người dân khi nhà cửa bị ảnh hưởng. Hiện với tuyến Mai Sơn-quốc lộ 45, các tuyến đường dân sinh đã hoàn chỉnh. Khi xác định đâu là hầm chui dân sinh, chúng tôi cũng đã thống nhất với người dân và chính quyền”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định.
Bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp
Đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) dẫn thông tin dự báo, sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam, các dự án thành phần BOT sẽ bị san tải lưu lượng. Điều này ảnh hưởng lớn đến phương án tài chính của các nhà đầu tư. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết có bao nhiêu dự án BOT bị ảnh hưởng và giải pháp bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, có một số dự án BOT dọc quốc lộ 1 bị ảnh hưởng. Bộ đã chủ động đánh giá nhận diện ngay từ khi triển khai giai đoạn 2 của cao tốc bắc-nam phía đông.
Qua theo dõi, khi khánh thành 2 dự án cao tốc quốc lộ 45-Nghi Sơn và Phan Thiết-Dầu Giây-Vĩnh Hảo, có dự án BOT ở Đồng Nai sụt giảm 86% doanh thu, một dự án ở Phan Thiết 77%.
"Điều này dễ hiểu vì khi có cao tốc mới, đi nhanh, thuận tiện, không ùn tắc mà lại không mất phí thì đương nhiên phải dồn ra đó. Đây là vấn đề bộ đã nhận diện, đang trình Chính phủ và sắp tới trình Quốc hội ban hành các chính sách về thu phí trên đường cao tốc nhà nước đầu tư, qua đó bảo đảm lưu lượng hài hòa giữa các tuyến đường và hiệu quả cho các dự án BOT", Bộ trưởng cho biết.
Dự kiến thời gian tới có 14 dự án BOT bị ảnh hưởng và phân lưu. Do vậy, Bộ Giao thông vận tải đang tiếp tục theo dõi sát sao, đánh giá mức độ sụt giảm doanh thu và hợp đồng BOT ký kết để có kiến nghị đề xuất sửa đổi.
Tranh luận với Bộ trưởng Giao thông vận tải về vấn đề dự án BOT còn bất cập, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) bày tỏ băn khoăn khi Bộ trưởng nói sẽ cắt giảm lợi nhuận của chủ đầu tư và đàm phán để giảm vốn ngân hàng.
Đại biểu cho rằng đây là các cuộc đàm phán không công bằng, bởi ngân hàng kinh doanh bằng vốn, còn doanh nghiệp đầu tư thì bỏ tiền đồng, thu tiền hào, làm như vậy có ảnh hưởng đến niềm tin của họ hay không? “Khi chim sẻ đã hoang mang thì đại bàng cũng lo lắng. Tôi đề nghị Bộ trưởng hết sức cân nhắc”, đại biểu Huân chia sẻ.
Đại biểu cho rằng nên dùng ngân sách của ngành giao thông, cơ cấu để hỗ trợ cho các dự án phải dừng kinh doanh sớm, nếu ngân sách không đủ, làm một lần không được thì có lộ trình làm trong nhiều lần.
Trả lời đại biểu Huân, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, với 8 dự án BOT còn bất cập, Bộ Giao thông vận tải đang làm việc rất sát sao với nhà đầu tư và các ngân hàng trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
“Vấn đề giảm lợi nhuận đầu tư hay giảm lãi ngân hàng là cần thiết, mức độ giảm thế nào thì còn phụ thuộc vào quá trình đàm phán nên không nói được là giảm hết lợi nhuận hay giảm hết lãi ngân hàng”, Bộ trưởng nói.
Trong 8 dự án này, Bộ Giao thông vận tải đề xuất 5 dự án mua lại và 3 dự án hỗ trợ với mức hỗ trợ dưới 50%.
Đẩy mạnh nhượng quyền, đấu giá quyền thu phí để thu hút đầu tư PPP
Giơ biển tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, đại biểu Phạm Thúy Chinh (Hà Giang) thể hiện quan điểm khác về thu hút đầu tư tư nhân trong dự án phương thức đối tác công tư (PPP).
Chia sẻ với Bộ trưởng về khó khăn, bất cập trong chủ trương này song nữ đại biểu không đồng tình với quan điểm Bộ trưởng nói rằng chỉ cần nâng tỷ lệ vốn Nhà nước sẽ đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân. Theo đại biểu, làm như vậy dễ trở thành hình thái khác của đầu tư công.
“Quan trọng là Nhà nước bảo đảm nghĩa vụ của mình, cam kết mua lại dự án trong trường hợp có lỗi của Nhà nước, chia sẻ khi giảm doanh thu. Chỉ khi Nhà nước cam kết thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình mới đủ sức thu hút”, đại biểu nhấn mạnh.
Nữ đại biểu cũng lưu ý cần tránh việc không bao quát tới toàn bộ vòng đời dự án, tránh coi đầu tư PPP như đầu tư công.
Trả lời về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thừa nhận việc chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia dự án PPP. Theo Bộ trưởng, có nhiều lý do của thực trạng này, song Bộ trưởng Giao thông vận tải cũng nhắc đến thực tế cả nước chỉ có 5,2 triệu phương tiện ô-tô nhưng phân bổ không đồng đều, riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chiếm hơn 50%, vì thế việc thu hút đầu tư PPP khó khăn hơn.
Bộ trưởng cho biết, giai đoạn từ 2016 có hơn 70 dự án PPP nhưng đến nay, có nhiều dự án vướng mắc chưa thể tháo gỡ, ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiệp. Có dự án BOT đến thời điểm được tăng phí nhưng chưa được tăng vì ảnh hưởng KPI, còn doanh nghiệp phải hy sinh; có dự án chưa hoàn vốn.
“Đằng sau doanh nghiệp là ngân hàng. Khi ngân hàng thấy có rủi ro thì khó khuyến khích họ tham gia dự án PPP. Ngân hàng không tham gia thì doanh nghiệp khó có vốn đầu tư”, Bộ trưởng giải thích.
Đồng tình với đại biểu Thúy Chinh cho rằng việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào dự án PPP không phải yếu tố quyết định, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, một số quốc gia cũng không khống chế tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào dự án.
Bộ trưởng nhấn mạnh, vấn đề quan trọng là phải chủ động thay đổi tư duy khi mời gọi đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông, cùng với đẩy mạnh nhượng quyền thu phí và đấu giá quyền thu phí để doanh nghiệp tham gia.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()