Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:42 (GMT +7)
Khu vực lúa chết "chưa sử dụng một hạt cát biển nào"
Thứ 6, 14/06/2024 | 23:15:51 [GMT +7] A A
Trước thông tin về một số hộ nông dân nghi ngờ việc dùng cát biển làm nền cao tốc khiến lúa ở khu vực gần đó bị chết, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng khẳng định, khu vực lúa chết "chưa sử dụng một hạt cát biển nào cả".
Ngày 14.6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải (GTVT) chủ trì phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, liên quan tới thông tin một số diện tích lúa tại xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, Hậu Giang giáp cao tốc Hậu Giang-Cà Mau bị chết, nghi ngờ do đất bị nhiễm mặn từ nguồn cát đắp nền dự án, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định dự án này “chưa sử dụng một hạt cát biển nào cả” và nguồn cát sử dụng cho dự án được kiểm soát chặt chẽ, không “làm dối” được.
Bộ trưởng đề nghị cần đưa thông tin chính xác, hết sức thận trọng về nội dung này để không ảnh hưởng tới chủ trương lớn đúng đắn về phát triển hạ tầng giao thông của Đảng, Nhà nước.
Thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cùng Bộ TNMT, Bộ NNPTNT sẽ tổ chức đoàn công tác để khảo sát, tìm hiểu lý do khiến lúa chết.
Liên quan tới nội dung này, theo tìm hiểu của PV Lao Động, Bộ NNPTNT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đánh giá ảnh hưởng của sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp dự án đường cao tốc Bắc - Nam đến lúa Đông Xuân 2023 - 2024 và Hè Thu 2024.
Theo báo cáo, sau khi nhận được phản ánh của địa phương về việc sử dụng cát biển làm nền đường có thể ảnh hưởng tới sinh trưởng và năng suất lúa, ngày 15.3.2024, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang đã tiến hành khảo sát, kiểm tra đo độ mặn nước trong ruộng lúa bị ảnh hưởng (nghi do nhiễm mặn).
Kết quả cho thấy, có 9 hộ dân ở ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy bị ảnh hưởng với diện tích hơn 3ha lúa Hè Thu thuộc phạm vi kế cận Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau, thuộc Dự án xây dựng công trình đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025.
Kết quả đo nồng độ mặn của ruộng lúa bị thiệt hại là 2,5%; nồng độ mặn của nước ruộng vùng không bị thiệt hại 0,1% (tiêu chuẩn ngưỡng chịu mặn của một số loại cây trồng nông nghiệp đối với nước trong đó cây lúa là 1,28 TSMT(%)).
Kết quả thu hoạch, diện tích 2,23ha chỉ đạt năng suất 6,04 tấn/ha. Trong khi đó, năng suất nơi bình thường là 7,6 tấn/ha. Ước tính thiệt hại 5,5 tấn so với các ruộng trong cùng khu vực nhưng không bị ảnh hưởng.
Đối với vụ lúa Hè Thu 2024, ngày 10.5.2024, sau khi nhận được văn bản của UBND xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang về việc cát biển làm nền đường có thể ảnh hưởng tới sinh trưởng và năng suất lúa, Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang đã tổ chức đoàn công tác cùng các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra thực tế diện tích lúa Hè Thu gần đoạn đường thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam tại UBND xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy.
Sau khi kiểm tra, kết quả thời kỳ sinh trưởng lúa sau gieo sạ 20 - 25 ngày, một số diện tích bị chết 70%; một số diện tích bị ảnh hưởng 20-50%. Kết quả đo độ mặn tại ruộng lúa bị chết 6,6%; tại đường cao tốc 1,8%; tại kênh thủy lợi 0,4%.
Từ những kết quả trên Bộ NNPTNT đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị thi công có giải pháp cụ thể để độ nhiễm mặn của nước nơi thi công đảm bảo đúng tiêu chuẩn.
Trước đó, chiều ngày 23.5, ngành chức năng của tỉnh Hậu Giang và các đơn vị liên đã có buổi làm việc về vấn đề lúa chết do nhiễm mặn cạnh cao tốc Cần Thơ – Cà Mau.
Tại buổi làm việc, ông Trần Hải Bắc - Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn, nhà thầu thực hiện dự án cao tốc - cũng khẳng định, đơn vị không dùng cát biển làm đường tại khu vực lúa chết mà người dân phản ánh. Theo ông Bắc, nguồn gốc, xuất xứ cát được lấy từ 2 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và việc quản lý nguồn cát cũng được đơn vị thực hiện rất tốt.
Theo Laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()