Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:10 (GMT +7)
“Kích” sản xuất công nghiệp đạt mục tiêu tăng trưởng
Thứ 4, 12/06/2024 | 08:57:09 [GMT +7] A A
Với vai trò trụ cột của nền kinh tế, sản xuất công nghiệp đòi hỏi những lực đẩy mới mạnh mẽ, toàn diện hơn để hồi phục trong năm 2024.
Sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng cao
Theo Bộ Công Thương, kết quả tình hình sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2024 cho thấy nhiều tín hiệu tích cực, tạo đà cho kinh tế phục hồi, phát triển trong những tháng tiếp theo của năm 2024. Theo đó chỉ số toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,0%).
Đáng chú ý một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 5 tháng đầu năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Chẳng hạn thép thanh, thép góc tăng 33,8%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 20,2%; đồng hồ thông minh tăng 19,7%; thép cán tăng 18,0%; phân u rê tăng 14,6%; phân hỗn hợp N.P.K tăng 12,6%.
Đánh giá về sản xuất công nghiệp 5 tháng, lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) chỉ ra, đối với ngành công nghiệp chủ lực phục hồi mạnh như: Dệt may, da giày, thép, điện tử, chế biến thực phẩm…, đã phản ánh được sự phục hồi nhanh, điều đó cho thấy những lĩnh vực đầu vào cho sản xuất-kinh doanh đang phục hồi mạnh.
“Các lĩnh vực này sẽ tạo đà rất tốt cho các tháng tiếp theo về tăng trưởng, đặc biệt là khu vực chế biến, chế tạo đang có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực”- lãnh đạo Cục Công nghiệp cho hay.
Liên quan đến ngành chế biến, chế tạo tăng, báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, 5 tháng ngành này cũng tăng 7,3% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,6%), đóng góp 6,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,2%), đóng góp 1,1 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,3% (cùng kỳ năm 2023 tăng 5,9%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 5,2% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,4%), làm giảm 0,8 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Chỉ số sản xuất 5 tháng của một số ngành trọng điểm cấp II cũng được ghi nhận tăng cao so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 27,4%; sản xuất thiết bị điện tăng 24,0%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 20,1%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 19,6%; sản xuất kim loại tăng 13,2%; ngành dệt và ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí cùng tăng 12,7%.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng trên diện rộng với 55 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước, chỉ có 8 địa phương có IIP giảm so với cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tăng trưởng của sản xuất công nghiệp trong tháng 5/2024 là sự nỗ lực của các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp đã cụ thể hoá được các giải pháp giảm tồn kho, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá.
Đạt được kết quả này, một số chuyên gia kinh tế nhìn nhận, hiệp hội, ngành hàng đã tích cực tăng cường hoạt động kết nối doanh nghiệp, đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm. Doanh nghiệp tái cấu trúc, giảm chi phí và giá thành sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, qua đó cải thiện hiệu quả và thích ứng linh hoạt với tình hình mới.
Dành hơn 870 tỷ đồng cho phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025
Căn cứ vào chỉ tiêu phát triển kinh tế của Chính phủ, Quốc hội đề ra cho năm 2024, Bộ Công Thương đặt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 7 - 8% so với năm 2023.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong năm 2024, với vai trò trụ cột của nền kinh tế, sản xuất công nghiệp đòi hỏi những lực đẩy mới mạnh mẽ, toàn diện hơn. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, dự báo năm 2024 sản xuất công nghiệp sẽ vẫn sẽ gặp khó khăn, cần có nhiều biện pháp tích cực hỗ trợ sản xuất và các biện pháp kích thích tiêu dùng để giải phóng hàng tồn kho.
Để có thể lấy lại đà tăng trưởng cao cần rất nhiều sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ, các bộ, ngành, hệ thống ngân hàng, các địa phương tiếp tục có các biện pháp tích cực hơn nữa hỗ trợ sản xuất công nghiệp, đặc biệt là đầu ra cho sản xuất thông qua các biện pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng đơn hàng xuất khẩu, khơi thông lượng hàng hóa tồn kho cao ở cuối năm 2023.
Ở góc độ cơ quan nhà nước, để góp phần bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng công nghiệp 7 - 8%, ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, ngành Công Thương, tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp - đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da - giày và các ngành nền tảng như ô tô, cơ khí, thép...
Đưa ra thêm giải pháp cho phát triển công nghiệp trong thời gian tới, lãnh đạo Cục Công nghiệp khẳng định, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam; từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu nhằm hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa...
Ngoài ra, Hiệp hội, ngành hàng cũng theo dõi sát tình hình thế giới, đặc biệt là tình hình của các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam qua đó kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn với Chính phủ và các cơ quan nhà nước.
Bên cạnh đó, mới đây Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 71/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 68/QĐ-TTg (ngày 18/1/2017) về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025. Để thực hiện chương trình, cần hơn 870 tỷ đồng.
Theo đó, từ năm 2021 đến năm 2025, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thực hiện: Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Các hoạt động chính của chương trình gồm: Khảo sát, đánh giá nhu cầu, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kiểm soát chất lượng cho sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; tổ chức đánh giá, xác nhận năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; tổ chức chương trình xúc tiến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào công nghiệp hỗ trợ; tổ chức hội chợ triển lãm trưng bày các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, tìm kiếm, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước...
Quyết định số 71/QĐ-TTg nêu rõ, kinh phí thực hiện chương trình giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025 từ nguồn sự nghiệp kinh tế thuộc ngân sách trung ương và các nguồn vốn khác dành cho các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ do Bộ Công Thương quản lý và tổ chức thực hiện dự kiến là 870,7 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước là 750,2 tỷ đồng, nguồn vốn khác là 120,5 tỷ đồng.
Theo Báo Công Thương
Liên kết website
Ý kiến ()