Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 31/10/2024 07:29 (GMT +7)
Kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới, cửa khẩu
Thứ 4, 24/07/2024 | 16:27:31 [GMT +7] A A
Nhận thức rõ tính chất phức tạp và quyết liệt của công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán người, lực lượng công an đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng triển khai hiệu quả nhiều biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm tình hình, làm tốt công tác phòng ngừa, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới, cửa khẩu.
Xã biên giới Hoành Mô (huyện Bình Liêu) có 14 thôn, bản, với hơn 1.300 hộ dân sinh sống, chủ yếu là đồng bào DTTS, kiến thức pháp luật còn hạn chế. Địa phương có cửa khẩu Hoành Mô và đường biên giới dài hơn 20km tiếp giáp Trung Quốc với nhiều đường mòn, lối mở, tiềm ẩn nguy cơ các loại tội phạm lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội, nhất là tội phạm mua bán người.
Đại úy Đỗ Quang Hưng, Phó trưởng Công an xã Hoành Mô, cho biết: Từ sau đại dịch Covid-19, kinh tế khó khăn hơn, một số loại tội phạm đã lợi dụng người dân ở khu vực gần biên giới, nhiều đường mòn, lối mở, thiếu sự kiểm soát về ANTT để dụ dỗ thực hiện các hành vi trái pháp luật. Trước thực tế đó, đơn vị đã phối hợp với lực lượng biên phòng triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ biên giới, thường xuyên tổ chức các hoạt động tuần tra, kiểm soát, chủ động quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng, nhất là những địa bàn được xác định là trọng điểm, đối tượng có nguy cơ cao liên quan đến hoạt động mua bán người, để triển khai các biện pháp nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn.
Theo số liệu thống kê, trước đây mỗi năm trên tuyến biên giới Quảng Ninh xảy ra 9-10 vụ mua bán phụ nữ, trẻ em mà phương thức thủ đoạn phạm tội chủ yếu là các đối tượng cấu kết, liên hệ với một số đối tượng ở khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc, lấy địa bàn Quảng Ninh làm nơi trung chuyển đưa nạn nhân từ nội địa sang bên kia biên giới. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, tình hình tội phạm mua bán người khu vực biên giới được kiềm chế hiệu quả, trung bình mỗi năm chỉ còn 3-4 vụ (năm 2020 và năm 2022 không xảy ra vụ án mua bán người).
Xác định việc nâng cao nhận thức, hiểu biết cho nhân dân là giải pháp then chốt có ý nghĩa quan trọng, tác động trực tiếp đến công tác đảm bảo ANTT, nhất là đối với cư dân biên giới, do đó lực lượng chức năng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhận diện các phương thức, thủ đoạn, hành vi của tội phạm mua bán người. Từ đó, nâng cao nhận thức cho nhân dân vùng biên giới, nhất là những đối tượng có nguy cơ cao bị kẻ xấu lợi dụng.
Thiếu tá Phùn Phúc Khường, Trưởng Công an xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà), cho biết: Chúng tôi kết hợp tuyên truyền trong các cuộc họp ở thôn, thông qua người uy tín và cử cán bộ công an xã thông thuộc địa bàn, ngôn ngữ địa phương, đến từng hộ dân để tuyên truyền.
Theo ông Bùi Xuân Chiều, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nà Sa (xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu), trước kia do kém hiểu biết, tại địa phương đã có trường hợp manh nha, nhưng chưa thực hiện được hành vi phạm tội. Giờ đây, người dân đã nâng cao nhận thức, khi thấy có đối tượng khả nghi đều chủ động báo cho lực lượng chức năng và trưởng thôn. Có được kết quả đó cũng nhờ chính quyền và các lực lượng chức năng thường xuyên nắm bắt tình hình để kịp thời ngăn chặn, cũng như tăng cường các biện pháp tuyên truyền hiệu quả.
Hiện nay, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của các lực lượng chức năng, tội phạm mua bán người thường đưa nạn nhân xuất cảnh bằng con đường hợp pháp, sau đó mới tiến hành các hoạt động mua bán. Do đó, lực lượng công an tuyến biên giới của Quảng Ninh đã phối hợp chặt chẽ với BĐBP tăng cường kiểm soát người qua lại cửa khẩu, từ đó kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định đối với những đối tượng có dấu hiệu liên quan đến mua bán người, nhằm ngăn chặn triệt để hoạt động của loại tội phạm này trên địa bàn tỉnh.
Hằng Ngần
Liên kết website
Ý kiến ()