Tất cả chuyên mục

Kiểm soát thanh toán qua máy chấp nhận thanh toán thẻ ngân hàng (POS) đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho cơ quan chức năng. Bởi, phát hiện hành vi vi phạm đã khó, việc xử lý các vi phạm này cũng không hề đơn giản.
[links()]
![]() |
Thiết bị POS "chui" được cơ quan chức năng TP Hạ Long thu giữ ngày 25/4/2018. Ảnh: Nguyễn Hùng (CTV) |
Khó khăn trong kiểm tra, xử lý
Mới đây, qua nguồn tin báo của 2 du khách nước ngoài về việc bị ép giá mua trên 70 triệu đồng/1,9kg tam thất xay, tại ki-ốt A114 thuộc trung tâm du lịch Bãi Cháy (TP Hạ Long), lực lượng chức năng của tỉnh đã có mặt kịp thời để giải quyết.
Điều đáng nói, không chỉ “giải cứu” được 2 du khách bị ép oan mua hàng với giá “trên trời”, tại ki-ốt này, lực lượng chức năng còn phát hiện, thu giữ 3 máy chấp nhận thanh toán qua thẻ (POS).
Qua xác minh, các máy này đều được các đối tượng đem từ Trung Quốc vào Việt Nam để thực hiện các hành vi giao dịch, thanh toán “chui”. Thu giữ các tờ phơi, hóa đơn thanh toán qua các máy POS mà các đối tượng bỏ lại hiện trường cho thấy, đã thực hiện trót lọt việc chuyển hơn 200.000 nhân dân tệ (tương đương 700 triệu đồng) ra nước ngoài mà không qua bất cứ một hệ thống ngân hàng hay tổ chức trung gian thanh toán nào của Việt Nam.
Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh Nguyễn Đức Hiển cho biết: Khi đoàn kiểm tra đến nơi để “giải cứu” du khách bị ép giá thì các đối tượng kinh doanh tại ki-ốt A114 đều đã bỏ chạy. Chúng tôi đã tiến hành lập biên bản, thu giữ tang vật. Tuy nhiên, cơ quan chức năng của tỉnh đến nay vẫn chưa xử lý được các vi phạm liên quan, do đối tượng đã bỏ trốn. Đây là lần đầu tiên trên địa bàn Quảng Ninh, lực lượng chức năng phát hiện việc thanh toán qua máy POS nước ngoài.
![]() |
Du khách nước ngoài tham khảo các sản phẩm tại quầy kinh doanh, khu du lịch Bãi Cháy (TP Hạ Long). |
Theo ông Hiển, hiện nay cả việc phát hiện và xử lý các hành vi sử dụng máy POS “chui” như trường hợp trên rất khó khăn. Những chiếc máy POS đều khá nhỏ gọn, dễ dàng cất giấu; chỉ cần gắn thêm một sim 3G là có thể hoạt động được. Hơn nữa, các máy này có thể thực hiện giao dịch rất nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi, thậm chí trên các phương tiện đang di chuyển. Nếu không bắt quả tang khi đang thực hiện giao dịch qua POS “chui” thì lực lượng chức năng không thể xử lý hành vi vi phạm.
Bên cạnh nguyên nhân chủ quan từ các cơ sở bán hàng sử dụng POS "chui", rất nhiều trường hợp, du khách chấp nhận thanh toán qua POS “chui” mà không biết, vì mục đích cuối cùng của họ là trả được tiền và mua được hàng, không quan tâm thanh toán qua hình thức nào. Đây cũng là khó khăn đối với cơ quan nhà nước trong công tác kiểm tra, kiểm soát các giao dịch qua POS.
Phát hiện đã khó, xử lý cũng không kém phần gian nan. Như trường hợp tại ki-ốt A114, do các đối tượng (là người nước ngoài) đã bỏ trốn nên cơ quan chức năng hiện chưa có cách nào xử lý được. Được biết, cơ quan công an vẫn đang trong quá trình điều tra, truy tìm đối tượng. Còn về phía Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh, vẫn đang tạm giữ 3 máy POS “chui”. Dù chắc chắn một điều, các đối tượng sẽ không quay lại để nhận máy POS, nhưng theo quy trình, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh vẫn phải có văn bản thông báo tìm chủ sở hữu của các máy POS này. Sau khoảng 50 ngày (tính cả thời gian gia hạn tìm chủ sở hữu), cơ quan này mới được quyền xử lý các máy POS.
Mặc dù tính chất vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới an ninh ngân hàng, gây thất thu thuế cho nhà nước, tuy nhiên như trong trường hợp tại ki-ốt A114, nếu tìm được đối tượng thì cũng chỉ xử phạt hành chính. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, nếu trốn thuế trên 100 triệu đồng mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp tại ki-ốt A114, nếu tính trên tài liệu thu thập được từ hiện trường, các đối tượng mới trốn thuế khoảng 70 triệu đồng, chưa đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự.
![]() |
Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra hoạt động kinh doanh du lịch tại một cơ sở thuộc phường Bãi Cháy, TP Hạ Long. Ảnh: Tạ Quân |
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khuyến cáo, các địa phương có hoạt động du lịch sôi động, số lượng du khách nước ngoài, đặc biệt là du khách Trung Quốc đến tham quan, tiêu dùng lớn như tỉnh Quảng Ninh có nguy cơ cao để các đối tượng lợi dụng hoạt động thanh toán, giao dịch “chui” thông qua các tiện ích ngân hàng cung cấp.
Bằng các thủ đoạn tinh vi, các đối tượng có thể thực hiện giao dịch tại quốc gia này, nhưng tiền lại đưa về quốc gia khác, mà không phải thông qua một hệ thống ngân hàng hay tổ chức trung gian thanh toán nào của quốc gia đó.
POS cũng chỉ là một trong nhiều phương tiện mà các đối tượng có thể lợi dụng để thực hiện các hành vi thanh toán. Ngoài ra, các đối tượng có thể sử dụng smartphone, máy tính bảng, máy tính xách tay... Điểm chung của các thiết bị này đều nhỏ gọn, dễ di chuyển và chỉ khi lắp sim 3G thì thanh toán quốc tế mới thực hiện được, nên rất khó phát hiện và xử lý. Việc làm này khiến địa phương thất thu thuế, việc kiểm soát hoạt động cơ sở kinh doanh trở nên khó khăn, phức tạp hơn...
Như vậy, muốn quản lý tốt và hạn chế tối đa vi phạm hoạt động giao dịch thanh toán ngân hàng, cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành trên nhiều lĩnh vực, từ quản lý hoạt động xuất nhập cảnh, kinh doanh dịch vụ cho người nước ngoài, thông tin tuyên truyền đến các cơ sở kinh doanh và du khách...
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh cho biết thêm: Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh sẽ phối hợp với các địa phương và cơ quan chức năng tỉnh để tăng cường hình thức kiểm tra các cơ sở kinh doanh du lịch; tăng cường tuyên truyền đến khách du lịch về việc chấp hành nghiêm những quy định như: Không thanh toán bằng ngoại tệ, nhận biết các máy POS được phép hoạt động tại Việt Nam, tố giác các hành vi vi phạm trong giao dịch, thanh toán hàng hóa bằng ngoại tệ…
Bên cạnh sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng, thiết nghĩ, cũng cần có sự tham gia mạnh mẽ hơn từ phía các đơn vị lữ hành. Bởi, đây là chủ thể tiếp xúc với khách du lịch thường xuyên, nắm bắt rõ nhất các hoạt động của du khách để kịp thời thông tin, phổ biến đến du khách những quy định của pháp luật Việt Nam.
Hồng Nhung
Ý kiến ()