Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 15:34 (GMT +7)
Kiếm tiền triệu mỗi ngày nhờ nuôi côn trùng hiếm
Thứ 2, 09/05/2022 | 22:20:33 [GMT +7] A A
Môi trường sống có nhiều thay đổi, cà cuống hoang dã cũng dần biến mất trong tự nhiên. Nắm bắt được điều này, nhiều hộ gia đình trên địa bàn TP.Hà Nội cũng bắt đầu nhân giống, đem lại thu nhập cả triệu đồng mỗi ngày từ loài côn trùng đặc biệt này.
Anh Trần Tuấn Anh (ở Long Biên, Hà Nội) - người sở hữu 5.000 con cà cuống cho biết, khoảng vài năm trở lại đây, cà cuống trong tự nhiên giảm hẳn về số lượng. Vì lẽ đó, anh đã nhân giống cà cuống, phục vụ cho nhu cầu cao từ thị trường.
“Sau khi tìm hiểu và nuôi thử, tôi cũng đã nuôi cấy thành công để bán ra thị trường hơn 1 năm nay. Cà cuống bán rất chạy, gần như tôi không có đủ hàng để cung cấp, thậm chí những ổ trứng, có bao nhiêu người ta cũng đặt hàng hết”, anh Tuấn Anh nói.
Chia sẻ về cách nuôi, anh Tuấn Anh cho biết, loài cà cuống là thuộc giống côn trùng sinh sản tốt, phát triển nhanh. Mỗi ổ cà cuống có khoảng 100 trứng. Sau 5 - 7 ngày trứng nở thành ấu trùng.
Quá trình sinh trưởng từ khi trứng nở đến trưởng thành cà cuống trải qua 5 lần lột xác. Nếu cà cuống nuôi để sinh sản sẽ mất khoảng 75 ngày, còn cá cuống xuất bán thương phẩm thì khoảng 45 ngày. Để đảm bảo nguồn nước sạch, người nuôi phải theo dõi để vớt phôi xác và thay nước thường xuyên.
“Phải tạo ra không gian phù hợp để nuôi cà cuống, tránh tình trạng nuôi nhiều con trong cùng bể sẽ dẫn đến tình trạng cà cuống tự ăn thịt nhau khi đói hoặc phát triển không tốt trong môi trường chật hẹp”, anh Tuấn Anh nêu kinh nghiệm.
Tương tự, anh Minh Tuấn (cũng ở Long Biên, Hà Nội) cũng làm nghề nuôi cà cuống cho biết, nhờ áp dụng mô hình aquaponist - sự kết hợp giữa aquaculture, còn gọi là nuôi trồng thủy sản, và hydroponics nuôi trồng thủy canh đã giúp anh tiết kiệm chi phí đáng kể.
Theo anh Tuấn, cà cuống, thức ăn của cà cuống là cá lia thia và rau sẽ được nuôi trồng trong cùng một hệ tuần hoàn. Cà cuống sẽ ăn thức ăn và tạo ra chất thải trong nước. Nước có chứa chất thải được đưa vào hệ thống lọc cơ học và vi sinh, sau đó dẫn vào các bể trồng rau. Cây rau hấp thụ dưỡng chất trong nước và lọc sạch nước rồi cung cấp ngược trở lại cho bể nuôi cà cuống và cá lia thia.
“Áp dụng mô hình này, đàn cà cuống phát triển càng khỏe mạnh, tỷ lệ hao hụt thấp. Từ đó, tiết kiệm được 30% chi phí nguồn thức ăn nuôi cà cuống, giảm 50% lượng nước sạch cung cấp hàng ngày và giảm 70% nhân công lao động”, anh Minh Tuấn cho hay.
Mỗi mùa sinh sản qua đi, anh Minh Tuấn bán ra thị trường khoảng 2.000 con cà cuống với giá 45.000 – 50.000 đồng/con, thu từ 4 - 5 triệu đồng mỗi ngày. Ngoài ra, anh còn bán con giống trong thời gian đẻ trứng cho người có nhu cầu nuôi, nghiên cứu với giá 300.000 đồng/con.
Cà cuống được rất nhiều khách hàng ưa chuộng bởi thịt và trứng chứa nhiều protein, lipid và các vitamin. Đặc biệt, giá trị nhất của con cà cuống là phần túi tinh dầu ngay bụng của cà cuống đực. Tinh dầu cà cuống nhẹ hơn nước, thoang thoảng mùi đặc biệt giống như mùi quế.
Theo Laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()