Đầu tư không hiệu quả, gây thiệt hại lớn
Kiểm toán Nhà nước vừa chính thức công bố kết quả kiểm toán Báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 4 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.
Kiểm toán Nhà nước chỉ ra rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc xác định giá trị tài sản đảm bảo, việc hạch toán giá trị tài sản cho thuê tài chính chưa phù hợp. Theo đó, việc xác định giá trị tài sản bảo đảm cho thuê tài chính theo Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21.1.2013 chưa căn cứ vào giá trị thực tế hợp lý của tài sản mà phụ thuộc vào dư nợ cho thuê, chưa phản ánh đúng bản chất của tài sản bảo đảm. Việc hạch toán, theo dõi, phản ánh giá trị tài sản cho thuê tài chính theo giá gốc ban đầu theo quy định tại Văn bản hợp nhất số 05/VBHN-NHNN ngày 17.1.2018 chưa phù hợp với nguyên tắc giá trị tài sản cho thuê giảm dần và được chuyển giao cho bên đi thuê khi hết thời gian thuê.
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra rằng, một số tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vượt mức tối đa cho phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Cụ thể: Ngân hàng TMCP Đại Chúng vượt 13.656 tỉ đồng, Ngân hàng TMCP Sài Gòn vượt 8.654 tỉ đồng, Ngân hàng TMCP Bảo Việt vượt 3.153 tỉ đồng, Ngân hàng Shinhan Bank vượt 132 tỉ đồng, Ngân hàng Mizuho Hồ Chí Minh vượt 192 tỉ đồng, Ngân hàng Busan - Chi nhánh Hồ Chí Minh vượt 83 tỉ đồng, Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga vượt 69 tỉ đồng.
Một số đơn vị đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. Cụ thể như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (NHNo), Cổ tức, lợi nhuận được chia bằng 1,17% vốn đầu tư. Đầu tư 294,41 tỉ đồng vào Công ty TNHH MTV Cho thuê tài chính II - NHNo (ALC II) đã phá sản và chấm dứt hoạt động, phải trích lập dự phòng 100% vốn đầu tư, ngoài ra NHNo còn phải chịu trách nhiệm về khoản tổn thất phải bồi thường cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo phán quyết của Tòa án 862,64 tỉ đồng do NHNo bảo lãnh cho ALC II. Ngoài ra, còn có 172,08 tỉ đồng vào Công ty TNHH MTV Cho thuê tài chính I - NHNo và 8,2 tỉ đồng vào Công ty TNHH Liên doanh Quản lý Đầu tư Agribank-VGFM phải trích lập dự phòng 100% vốn đầu tư. Đầu tư 1.250,91 tỉ đồng vào Công ty CP Chứng khoán Agribank phải trích lập dự phòng 92,34 tỉ đồng (lỗ lũy kế đến 31.12.2019 của Công ty là 360,6 tỉ đồng)...
Về hạch toán doanh thu, thu nhập, chi phí chưa phù hợp, chính xác, đơn cử có Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB): Ghi nhận lãi dự thu không đúng quy định đối với các khoản nợ được cơ cấu lại 85,47 tỉ đồng; hạch toán thiếu 29,25 tỉ đồng phí bảo lãnh, phí phát hành L/C; hạch toán thừa lãi dự chi 19,07 tỉ đồng. Hay như NHNo: Hạch toán thừa lãi dự thu 114,7 tỉ đồng.
Nợ quá hạn lên tới hàng nghìn tỉ
Theo Kiểm toán Nhà nước, Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh có nợ quá hạn phí bảo hiểm gốc 1.062,16 tỉ đồng, chiếm 98,77% nợ phải thu phí bảo hiểm gốc, trong đó nợ phải thu khó đòi 743,56 tỉ đồng, bằng 70,67% nợ quá hạn.
Một số ngân hàng phân loại nợ chưa phù hợp. Ngoại trừ các trường hợp năm 2020 các ngân hàng đã phân loại vào nhóm nợ cao hơn hoặc đã tất toán nợ vay nên Kiểm toán Nhà nước không điều chỉnh nhóm nợ.
Tại NHNo: không điều chỉnh giảm dư nợ nhóm 1 là 2.874,96 tỉ đồng, nhóm 2 là 1.303,32 tỉ đồng; tăng dư nợ nhóm 3 là 2.057,69 tỉ đồng, nhóm 4 là 1.187,83 tỉ đồng, nhóm 5 là 932,76 tỉ đồng. Giảm dư nợ nhóm 1 là 1.128,63 tỉ đồng; tăng dư nợ nhóm 2 là 823,82 tỉ đồng, nhóm 3 là 184,77 tỉ đồng, nhóm 4 là 19,92 tỉ đồng, nhóm 5 là 100,12 tỉ đồng.
Tại VCB: Không điều chỉnh giảm dư nợ nhóm 1 là 992,84 tỉ đồng; tăng dư nợ nhóm 2 là 841,49 tỉ đồng, nhóm 3 là 143,86 tỉ đồng, nhóm 4 là 0,77 tỉ đồng, nhóm 5 là 6,72 tỉ đồng. Tăng dư nợ nhóm 1 là 16,34 tỉ đồng, nhóm 2 là 417,66 tỉ đồng, giảm dư nợ nhóm 4 là 434 tỉ đồng.
Một số đơn vị thực hiện trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chưa chính xác như VCB, NHNo. Còn sai sót về trình tự, thủ tục cho vay. Thẩm định thiếu chặt chẽ; định kỳ chưa đánh giá lại tài sản bảo đảm; giải ngân bằng tiền mặt không có hoặc thiếu chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay; không kiểm soát, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay...
Hoạt động mua bán nợ xấu theo giá thị trường của Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam còn hạn chế. Đến 31.12.2019, tổng số nợ xấu mua bằng nguồn vốn không phải trái phiếu đặc biệt (mua nợ theo giá thị trường) là 3.599 tỉ đồng, bằng 3,25% tổng số nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt là 110.694 tỉ đồng.
Đặc biệt, Ngân hàng Chính sách xã hội xóa nợ 19,44 tỉ đồng (Nợ gốc 14,78 tỉ đồng; nợ lãi 4,66 tỉ đồng) cho nhiều khách hàng được coi là mất tích theo xác nhận của chính quyền cấp xã, không phù hợp với quy định của Bộ Luật dân sự năm 2015, trong đó có 17 trường hợp vẫn đóng bảo hiểm xã hội.
Ý kiến ()