Tất cả chuyên mục

Ngày 11-11-2013, lực lượng chức năng của tỉnh đã bắt đầu triển khai kiểm tra nồng độ cồn theo quy trình mới. Đây là quy trình được áp dụng theo tiêu chuẩn quốc tế và Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai thí điểm. Mặc dù, mới thực hiện 15 ngày, song quy trình này đã cho thấy hiệu quả tích cực từ cả hai phía, người thực thi công vụ và người vi phạm, góp phần nâng cao nhận thức, ngăn ngừa vi phạm, hạn chế TNGT liên quan đến rượu bia khi tham gia giao thông.
![]() |
Kiểm tra nồng độ cồn theo quy trình mới đã mang lại hiệu quả tích cực cho cả người thực thi công vụ và người tham gia giao thông. |
Từ sự hỗ trợ của dự án
Xử lý nồng độ cồn theo mô hình quốc tế là một trong những nội dung thuộc Dự án Phòng chống rượu bia và lái xe (RS10-VN) do Quỹ Bloomberg tài trợ thông qua Tổ chức Y tế thế giới, Hiệp hội ATGT đường bộ toàn cầu (GRSP), Trường Đại học Johns Hopkins. Dự án này được triển khai tại Việt Nam từ năm 2009 với sự tham gia thí điểm của 4 tỉnh phía Bắc, gồm: Hà Nam, Ninh Bình, Lạng Sơn, Bắc Giang. Đến tháng 2-2012, dự án triển khai ở 3 tỉnh mới là: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Quảng Ninh. Sau 3 năm triển khai, Quảng Ninh đã được dự án hỗ trợ thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn về phòng chống lạm dụng rượu, bia cho lái xe; tổ chức tập huấn và thực hành cưỡng chế kiểm tra nồng độ cồn theo mô hình quốc tế cho lực lượng CSGT dưới sự hướng dẫn của ông Raymond Neil Shuey, chuyên gia ATGT của Hiệp hội ATGT đường bộ toàn cầu; trang bị máy đo nồng độ cồn… Thượng tá Lê Đức Hiền, Phó Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh cho biết: Quy trình mới kiểm tra nồng độ cồn khác với quy trình kiểm tra nồng độ cồn trước đây vẫn triển khai là lực lượng CSGT sẽ khảo sát, lựa chọn địa điểm, sử dụng biển báo, cọc tiêu phản quang phân làn từ xa để báo hiệu các phương tiện giảm tốc độ, tách dòng ra một làn đường để kiểm tra. Khi xe đã vào vị trí an toàn, CSGT sẽ ra tín hiệu để lái xe hạ kính, thông báo cho người điều khiển phương tiện biết về chiến dịch đang làm. Sau đó, sẽ sử dụng máy để kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện. Lúc này, người điều khiển phương tiện vẫn ngồi ở vị trí lái. Nếu thiết bị báo người lái xe có nồng độ cồn, CSGT sẽ yêu cầu lái xe điều khiển phương tiện đến khu vực để kiểm tra chi tiết và xử lý vi phạm.
Trong bối cảnh số vụ TNGT cả nước vẫn tiếp tục gia tăng; trong đó có nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng và có khoảng 40% tổng số vụ TNGT liên quan đến rượu, bia với khoảng hơn 10% số người tử vong vì TNGT liên quan đến rượu, bia, Ban ATGT tỉnh đã chủ động đề xuất Uỷ ban ATGT Quốc gia và Bộ Công an cho phép Quảng Ninh áp dụng triển khai thí điểm mô hình và đã được chấp thuận.
Đến triển khai thực tế
Mặc dù trước đây, các ngành chức năng trong tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm kiềm chế những TNGT do rượu, bia gây ra, song theo thống kê từ Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh, đến nay số vụ, số người chết và bị thương do TNGT vẫn còn cao. Trong 11 tháng năm 2013, toàn tỉnh đã xảy ra 190 vụ TNGT làm 108 người chết; 186 người bị thương. Lực lượng chức năng đã tiến hành xử lý 1.250 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; phạt hành chính gần 5 tỷ đồng. Đây là những con số đáng báo động để chúng ta phải quan tâm khi hàng ngày có hàng chục người nhập viện, nhiều người tử vong khi tuổi đời còn rất trẻ, có người phải sống thực vật suốt đời và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội… do hậu quả của việc sử dụng rượu, bia của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông gây ra.
Có lẽ do nhận thức được sự nguy hại của rượu bia gây ra đối với công tác đảm bảo TTATGT, nên khi lực lượng CSGT tỉnh triển khai xử lý nồng độ cồn theo mô hình quốc tế đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo người dân. Anh Nguyễn Văn Tiền, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long cho biết: “Tôi ủng hộ cách kiểm tra nồng độ cồn theo quy trình mới này. Trước hết, nó giúp lái xe an toàn hơn, sau là giúp cho giao thông ổn định hơn. Tôi thấy quy trình mới này hợp lý, nhanh hơn và không gây khó chịu cho lái xe. Tôi chỉ ngồi trên xe, hạ kính xuống, nói chuyện với CSGT trong lúc thiết bị được đưa vào gần miệng, không thấy máy báo có nồng độ cồn là đi. Khác hẳn mấy lần trước, phải xuống xe kiểm tra 5-10 phút, thổi dăm bảy lần chưa chắc đã cho kết quả đúng”. Anh Lê Kiêm Kiên, phường Cao Xanh, TP Hạ Long cũng chung nhận định: “Việc xử lý nồng độ cồn theo quy trình mới, theo tôi là cách làm hay và hiệu quả. Đặc biệt không bỏ sót đối tượng vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Bởi rượu, bia là chất kích thích, khi sử dụng đều dẫn đến các rối loạn về tâm thần, nguy cơ gây tai nạn cho chính mình và những người khác là khá cao. Do vậy, việc áp dụng biện pháp xử lý mới này sẽ góp phần răn đe, giáo dục để mọi người tự giác chấp hành”.
Thượng tá Lê Đức Hiền cho biết thêm: “Qua những ngày đầu triển khai thí điểm, chúng tôi thấy việc đơn giản hoá quy trình đã giúp hiệu suất kiểm tra đạt cao, người dân hợp tác và có hiệu quả rõ ràng. Sau 10 ngày, chốt kiểm tra nồng độ cồn theo quy trình mới, chúng tôi đã kiểm tra được 1.740 người điều khiển phương tiện; trong đó, phát hiện, xử lý 103 trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính 547 triệu đồng”.
Có thể thấy, việc kiểm tra nồng độ cồn theo quy trình mới có tác động rất tốt trong việc phòng ngừa TNGT. Thời điểm đầu có rất nhiều người bị xử phạt vì lái xe khi có nồng độ cồn vượt quá quy định, nhưng sau một thời gian triển khai nhắc nhở kết hợp với tuyên truyền rộng rãi, người dân đã dần ý thức được vấn đề này, số người vi phạm giảm dần. Theo kế hoạch, mô hình thí điểm sẽ kết thúc vào 30-11-2013. Sau đó, sẽ sơ kết đánh giá rút kinh nghiệm. Hy vọng với những gì mà mô hình đã làm sẽ được nhân rộng ra toàn quốc nhằm nâng cao ý thức người dân, hạn chế những vi phạm nồng độ cồn cũng như TNGT.
Đỗ Phương
Ý kiến (0)