Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 04/12/2024 15:50 (GMT +7)
Kiến nghị đưa than đá vào mặt hàng dự trữ quốc gia
Thứ 2, 04/06/2012 | 18:15:51 [GMT +7] A A
Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh vừa tham gia thảo luận tại tổ về Dự án Luật Dự trữ Quốc gia và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý Thuế.
Tham gia ý kiến về Dự án Luật Dự trữ Quốc gia, Đại biểu (ĐB)Trần Xuân Hòa đề nghị xem xét đưa than đá vào là mặt hàng dự trữ quốc gia, vì nó có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Cụ thể: Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 đã được phê duyệt theo quyết định số 60/2012/QĐ-TTg ngày 9-01-2012 của Thủ tướng Chính phủ cho thấy nhu cầu than của nền kinh tế ngày càng tăng cao, nhu cầu than cho sản xuất điện sẽ thiếu trầm trọng và giải pháp đặt ra là nhập khẩu than từ nước ngoài.
ĐB Trần Xuân Hòa phát biểu tham gia vào Dự án Luật Dự trữ Quốc gia. |
Tuy nhiên, theo ĐB Trần Xuân Hòa, việc nhập khẩu than là vô cùng khó khăn, do đó cần phải lập kho dự trữ than để phòng khi bất ổn xảy ra, để than vẫn được cung cấp kịp thời cho các nhà máy điện chạy than trong một thời gian cần thiết.
Cũng liên quan đến Dự án Luật này, ĐB Vũ Chí Thực đã có ý kiến bổ sung thêm mục tiêu của dự trữ là “Tham gia viện trợ khẩn cấp nhân đạo quốc tế khi có thảm họa xảy ra” và tập trung ưu tiên vào 3 mục tiêu “Đảm bảo giải quyết hậu quả thiên tai, đảm bảo an ninh quốc phòng, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô”. ĐB Vũ Chí Thực cũng đề nghị gộp điều 22 “Phương thức dự trữ quốc gia” vào điều 6 thành “Nguồn hình thành dự trữ quốc gia và phương thức dự trữ quốc gia”.
ĐB Vũ Chí Thực cũng kiến nghị Khoản b, Mục 1, Điều 23 “Là vật tư, thiết bị bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh quốc phòng” nên sửa thành “Là vật tư, thiết bị bảo đảm an ninh, quốc phòng”; Mục 2, danh mục hàng dự trữ quốc gia cần cân nhắc, xem xét lại để đưa ra các nhóm đảm bảo mục tiêu đã đề ra, đồng thời cần có quy định về bảo quản và luân chuyển thường xuyên hàng hóa dự trữ.
Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý Thuế, ĐB Ngô Thị Minh góp ý: Dự thảo luật cần có các quy định tăng cường thanh tra, kiểm tra, đặc biệt chú trọng hậu kiểm; có chế tài, mức xử phạt đủ mạnh nhằm hạn chế, ngăn chặn hành vi vi phạm như khai man thuế, gian lận thuế; quy định cụ thể về điều kiện xóa nợ tiền thuế, tiền phạt... nhằm khắc phục tình trạng trốn lậu thuế, nợ đọng thuế…
Tuy nhiên, những nội dung này chưa thể hiện cụ thể trong Dự thảo Luật, chưa tạo đủ công cụ để thực hiện mục tiêu đặt ra. ĐB Ngô Thị Minh cũng cho rằng, trong Dự thảo Luật sửa đổi có 33 điều, khoản thì có tới 12 điều, khoản giao cho Chính phủ hướng dẫn là không hợp lý, cần quy định cụ thể các điều khoản đó; bổ sung quy định về tiêu chí, điều kiện để xác định đối tượng có nghĩa vụ phải ứng dụng công nghệ thông tin trong kê khai, nộp thuế, trong giao dịch với cơ quan quản lý thuế và bổ sung biện pháp, chế tài xử lý đối với trường hợp vi phạm; cần quy định cụ thể trong Luật về thời hạn tiến hành kiểm tra sau hoàn thuế đối với tất cả các trường hợp được hoàn thuế để đảm bảo tính khả thi của dự án luật.
Quang Minh-Bùi Xuân Ninh
Liên kết website
Ý kiến ()