Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 13:48 (GMT +7)
Kiên quyết đấu tranh với hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp
Thứ 7, 05/02/2022 | 11:25:37 [GMT +7] A A
Trong năm 2021, nhiều vụ án về xâm phạm hoạt động tư pháp bị khởi tố, truy tố, trong đó người phạm tội là cán bộ thuộc cơ quan tư pháp, những người được giao nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm nhưng lại có hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật. Đây là dấu ấn nổi bật của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, những người đã vượt lên những khó khăn, rào cản để điều tra, khởi tố, truy tố; cho thấy sự quyết liệt, dũng cảm trong việc đấu tranh đến cùng với tội phạm, ngay chính trong các cơ quan thực thi, bảo vệ pháp luật.
Xử lý nghiêm nhiều vụ án dư luận quan tâm
Rạng sáng 13/11/2020, các cán bộ, chiến sĩ Đội Điều tra tổng hợp và Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng kiểm tra đột xuất quán karaoke Hải Sơn 86 trên địa bàn tổ dân phố Trung Nghĩa, phường Hợp Đức, quận Đồ Sơn phát hiện 28 người có dấu hiệu sử dụng trái phép chất ma túy. Qua kiểm tra nhanh, có 25/28 đối tượng dương tính với ma túy.
Tuy nhiên, sáng hôm sau, nguyên Trưởng Công an quận Đồ Sơn Trần Tiến Quang đã giao cho nguyên Phó trưởng Công an quận Đồ Sơn Phạm Quang Tuấn chỉ đạo vụ việc này. Ông Tuấn đã chỉ đạo nguyên Phó Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp Công an quận Đồ Sơn Nguyễn Hữu Cường không xử lý hình sự đối với các đối tượng, mà giải quyết theo hướng xử lý hành chính vì đã nhận tiền của người nhà những người bị phát hiện sử dụng ma túy trong quán karaoke Hải Sơn 86. Toàn bộ hồ sơ lập trước đó cùng vật chứng đã thu giữ được của vụ việc kiểm tra quán karaoke bị tiêu hủy.
Vụ việc khiến dư luận bức xúc, ngày 20/1/2021, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ra Quyết định khởi tố vụ án, thực hiện Lệnh bắt khẩn cấp đối với một số bị can nguyên là cán bộ Công an quận Đồ Sơn về tội “Làm sai lệch hồ sơ vụ án”.
Sự việc khác xảy ra trên địa bàn quận Tây Hồ, Hà Nội. Những kẻ phạm tội không phải chịu sự trừng phạt sớm, lại tiếp tục gây ra vụ án khác, khiến nhân dân và dư luận bức xúc. Cụ thể, ngày 29/4/2021, Tòa án nhân dân Hà Nội tuyên phạt Nguyễn Hữu Tài (quận Ba Đình) 2 năm tù, 4 bị cáo khác từ 15 tháng tù cho hưởng án treo đến 20 tháng tù, cùng về tội “Cướp tài sản”. Điều bất thường là vụ án này xảy ra năm 2016 tại quận Tây Hồ nhưng Công an quận này không xử lý hình sự. Từ tháng 1 đến tháng 3/2021, các bị cáo trên lần lượt đến Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội đầu thú nên vụ án mới được khởi tố, truy tố, xét xử. Tại Tòa, vợ của bị cáo Nguyễn Hữu Tài, được triệu tập với tư cách người liên quan, khai, trong quá trình Công an quận Tây Hồ thụ lý vụ án, người phụ nữ này đã đưa 100 triệu đồng cho một cán bộ Công an quận nhờ “chạy án” cho chồng.
Vụ thứ hai, vào tháng 1/2021, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh tuyên tử hình đối với Lê Thanh Hưng (Bắc Ninh) về cả hai tội danh “Giết người” và “Cướp tài sản”. Theo hồ sơ vụ án, Hưng là cháu ruột bà N.T.N. (thành phố Bắc Ninh). Đáng chú ý, theo cáo trạng, Hưng đã khai, tháng 11/2019 bị Tòa án nhân dân quận Tây Hồ xử phạt 30 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”. Để được mức án như trên, Hưng đã đưa khoảng 600 triệu đồng cho một số cán bộ Công an quận Tây Hồ và thẩm phán thụ lý, giải quyết. Tiếp đó, Hưng lại muốn được chấp hành án tại Công an quận Tây Hồ nhưng không có tiền nên Hưng đã lập kế hoạch thực hiện hành vi giết bác ruột để cướp tài sản.
Nhận thấy những vi phạm trên là rất nghiêm trọng, có liên quan đến cán bộ Công an quận Tây Hồ, ngày 23/9/2021, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện Lệnh bắt tạm giam Đại tá Phùng Anh Lê (nguyên Trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an thành phố Hà Nội) để điều tra về tội “Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù”. Những hành vi phạm tội này xảy ra khi bị can Phùng Anh Lê còn làm Trưởng Công an quận Tây Hồ. Cơ quan điều tra cũng ra quyết định khởi tố một số bị can khác nguyên là cán bộ Công an quận.
Một vụ án khác trong năm 2021 liên quan đến con nuôi của Đường Nhuệ (Nguyễn Xuân Đường), Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã khởi tố một số cán bộ Công an, Viện Kiểm sát huyện Vũ Thư (Thái Bình).
Quá trình điều tra xác định: Trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm “Cố ý gây thương tích” xảy ra ngày 22/5/2018 tại thôn Bồng Lai, xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, Điều tra viên và Cán bộ điều tra Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Vũ Thư đã có hành vi không thực hiện giám định thương tích, không dẫn giải người bị hại đi giám định, thiết lập tài liệu khống, ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự để không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đối tượng. Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân huyện Vũ Thư biết rõ Cơ quan điều tra không thực hiện trưng cầu giám định thương tích đối với bị hại nhưng không thực hiện quyền hủy bỏ Quyết định không khởi tố vụ án hình sự không có căn cứ để tiếp tục xác minh và đã thống nhất với Cơ quan điều tra trong việc không khởi tố vụ án hình sự, nhằm mục đích không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đối tượng.
Ngày 2/12/2021, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã khởi tố Vũ Đức Tuấn (Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Vũ Thư); Phạm Thị Thu Hiền (Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Vũ Thư) và Nguyễn Hoàng Hà (Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân huyện Vũ Thư). Các đối tượng bị khởi tố, bắt giam về tội “Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội” theo quy định tại khoản 2, Điều 369 Bộ luật Hình sự.
Đây là một số trong nhiều vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp được Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kịp thời xác minh, khởi tố điều tra, được các cơ quan, tổ chức, dư luận xã hội quan tâm, đồng tình ủng hộ.
Nâng cao việc phát hiện, tiếp nhận thông tin
Tội phạm trong lĩnh vực tư pháp có thể xuất hiện ở hầu hết các giai đoạn tố tụng, từ khâu tiếp nhận thông tin, đơn, thư tố giác tội phạm cho đến các giai đoạn xử lý, giải quyết, điều tra, truy tố, xét xử… Mặc dù, so với các loại án hình sự khác thì loại án xâm phạm hoạt động tư pháp không nhiều, tuy nhiên, tính chất, mức độ và hậu quả lại rất nghiêm trọng. Bởi chủ thể của loại tội phạm này là những cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ đấu tranh, điều tra, giải quyết, xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật; nhưng hành vi của họ lại trực tiếp xâm phạm sự nghiêm minh của pháp luật, như: bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan, sai người vô tội, gây ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với cơ quan tư pháp, ảnh hưởng đến sự nghiêm minh của pháp luật.
Có thể nhận diện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực tư pháp như: Bao che cho cơ quan, tổ chức, người bị tố cáo; tìm lý do khác để không giải quyết, xử lý hành vi phạm tội; ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự; bức cung, nhục hình; làm sai lệch hồ sơ vụ án; lạm dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi; tha trái pháp luật người đang bị giam giữ; không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội; lợi dụng chức vụ, quyền hạn, tham nhũng trong hoạt động điều tra, xử lý vụ án hình sự; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ thiếu căn cứ…
Theo ông Phạm Thanh Từng, Thủ trưởng Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, để làm tốt công tác khởi tố, điều tra các vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã đổi mới phương pháp phát hiện tội phạm theo hướng tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan tư pháp, nhất là các đơn vị thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao và Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh. Qua đó, nâng cao việc phát hiện, khởi tố, điều tra; bảo đảm hiệu quả, tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc.
Trong đó, từng bước xây dựng các mối quan hệ trong và ngoài ngành nhằm cung cấp thông tin để chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin về tội phạm xảy ra trong hoạt động tư pháp. Quá trình điều tra, xác minh, mỗi cán bộ điều tra, điều tra viên tăng cường công tác phối hợp trong và ngoài ngành, trên cơ sở tạo dựng hình ảnh, uy tín, thông qua hiệu quả công việc, nhằm chủ động phát hiện thông tin về tội phạm, tránh bị động và phụ thuộc vào nguồn đơn thư, tố giác.
Đồng thời, chủ động, tăng cường phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành trong công tác tiếp nhận, phát hiện, kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm và điều tra vụ án hình sự; xây dựng văn bản hướng dẫn địa phương trong việc cung cấp thông tin vi phạm, tội phạm thuộc thẩm quyền và phối hợp kiểm tra, xác minh sơ bộ ban đầu các thông tin phản ánh có dấu hiệu tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp.
Đặc biệt, Thủ trưởng hai đơn vị của Cơ quan điều tra và Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp (Vụ 6), Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã thường xuyên trao đổi các vấn đề cụ thể, để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho Điều tra viên, Kiểm sát viên trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc.
Theo TTXVN
Liên kết website
Ý kiến ()