Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:13 (GMT +7)
Tạo dựng những miền quê đáng sống
Chủ nhật, 03/09/2023 | 10:41:58 [GMT +7] A A
Nông nghiệp chỉ chiếm gần 6% trong GDP của tỉnh song phần lớn dân số lại sống ở khu vực nông thôn. Do vậy, tỉnh Quảng Ninh xác định nông nghiệp, nông dân và nông thôn có vị trí chiến lược quan trọng; trong đó, chương trình nông thôn mới (NTM) then chốt với mục tiêu thay đổi diện mạo nông thôn, khơi dậy sức sáng tạo của người dân, nâng cao đời sống nhân dân.
Đổi thay ở những miền quê
Phát huy truyền thống cách mạng, quê hương Đệ tứ Chiến khu Đông Triều ngày nay đã được "khoác lên mình" tấm áo mới đẹp đẽ; những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, cánh đồng mẫu lớn thẳng cánh cò bay, con đường thẳng tắp rợp bóng cây xanh, người dân nơi đây cuộc sống đủ đầy.
Ông Nguyễn Xuân Khôi (xã Bình Khê, TX Đông Triều) chia sẻ: Sinh ra và lớn lên trên quê hương cách mạng, những năm qua, người dân TX Đông Triều luôn tự lực, tự cường, sáng tạo để làm giàu trên chính mảnh đất này. Từ đó, chúng tôi không chỉ mang lại cuộc sống sung túc, đủ đầy, hạnh phúc cho chính gia đình, mà còn tích cực tham gia đóng góp xây dựng NTM giàu đẹp.
Trong những năm qua, TX Đông Triều luôn khẳng định là lá cờ đầu của tỉnh và cả nước trong hành trình xây dựng NTM. TX Đông Triều là địa phương đầu tiên của tỉnh và khu vực miền Bắc đạt chuẩn NTM; có xã đầu tiên của tỉnh và cả nước được công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu là Việt Dân. Kế thừa những kết quả đạt được, TX Đông Triều đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thực hiện nhiều giải pháp sáng tạo để đưa 100% các xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, để trở thành địa phương điển hình NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh, góp phần xây dựng thị xã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.
Hiện nay, toàn thị xã 11/11 xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao; 9/11 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Thị xã tiếp tục phấn đấu về đích NTM kiểu mẫu đối với 2 xã còn lại (Tràng Lương và Hồng Thái Tây). Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn hiện nay đạt trên 75 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn còn 0,49%; môi trường được cải thiện rõ rệt, hạ tầng đồng bộ, ANTT được giữ vững.
Nhiều vùng thôn, bản vốn là “thâm sơn cùng cốc”, đặc biệt khó khăn của tỉnh cũng ngày càng "thay da đổi thịt". Căn cứ địa kháng chiến Hải Chi (Ba Chẽ ngày nay) hôm nay đã mang diện mạo mới với hàng loạt các hạ tầng thiết yếu được tỉnh quan tâm đầu tư, nhất là hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, cơ sở giáo dục... từng bước xóa dần khoảng cách chênh lệch vùng miền. Cô giáo Vũ Thu Hà, Trường PTDT Nội trú huyện Ba Chẽ, cho biết: Chuẩn bị bước vào năm học mới. Được sự quan tâm của tỉnh và huyện, năm học này, nhà trường được sử dụng khu nhà đa năng, nhà nội trú, nhà học, sân giáo dục thể chất... vừa hoàn thành. Cô và trò nhà trường rất vui mừng bởi qua đó không chỉ hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ các con em dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Ba Chẽ, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, mà còn góp phần làm tốt công tác quản lý, chăm sóc, giáo dục học sinh nội trú.
Vài năm trở về trước, nói đến công tác giảm nghèo ở huyện vùng cao huyện Ba Chẽ khiến người ta không khỏi e ngại, bởi tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không muốn thoát nghèo còn ăn sâu trong nếp nghĩ của nhiều người dân nơi đây. Thế nhưng, giờ đây khát vọng vươn lên thoát nghèo của người dân được khơi dậy mạnh mẽ. Những câu chuyện làm giàu ngày càng nhiều hơn ở các thôn, bản của Ba Chẽ. Tính đến nay, thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn huyện đạt 66 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 0,27%, hộ cận nghèo còn 0,89%.
Linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo
Nhìn lại hành trình 12 năm xây dựng NTM thấy rằng, để có được những miền quê đáng sống, Quảng Ninh đã đi đúng hướng trong tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp với từng giai đoạn và thực tiễn nhằm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Nếu ở giai đoạn khởi đầu (2010-2015) tỉnh định hướng xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng yếu của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, chủ thể chính xây dựng NTM là người dân, tập trung đầu tư xây dựng các kết cấu hạ tầng KT-XH trọng yếu, tiến hành đồng bộ ở tất cả các xã, thực hiện đồng bộ tất cả các tiêu chí. Giai đoạn II (2016-2020) tỉnh tập trung xây dựng NTM theo hướng chuyển từ lượng sang chất, bảo đảm thường xuyên, liên tục và lâu dài, tiến tới xây dựng NTM tiên tiến; tiếp tục xác định người nông dân là chủ thể, trực tiếp thực hiện và được thụ hưởng, đầu tư của doanh nghiệp là động lực. Còn ở giai đoạn III (2021-2025) tỉnh chỉ đạo xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu toàn diện, bền vững, hài hòa với phát triển đô thị, hướng tới nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo và chênh lệch vùng miền; người dân nông thôn có môi trường sống tốt đẹp, dần được tiếp cận, hưởng thụ các dịch vụ như các đô thị; phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đồng bộ với triển khai chương trình giảm nghèo bền vững.
Trong bất cứ giai đoạn nào, câu chuyện giảm nghèo bền vững với những trăn trở thay đổi nếp nghĩ của người nghèo luôn là vấn đề được bàn thảo nhiều nhất trong các cuộc họp của cấp ủy, chính quyền. Từ thực tế này, Quảng Ninh nhận ra rằng, nếu không có nguồn lực đủ mạnh thì vòng luẩn quẩn giữa thoát nghèo và tái nghèo còn tiếp diễn khi tâm lý trông chờ, ỷ lại của người dân vẫn còn “bám rễ” trong cách nghĩ, cách làm. Năm 2016, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 50/2016/NQ-HĐND về phân bổ nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020. Sau đó, ngày 16/1/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 196/QĐ-UBND phê duyệt đề án nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 (gọi tắt là Đề án 196). Đây là đề án đặc biệt, sáng tạo, là cách làm riêng có của Quảng Ninh để cụ thể hóa mục tiêu xóa thôn, bản ĐBKK.
Với phương châm nhà nước không làm thay, quan điểm xuyên suốt trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 196 là cấp tỉnh chỉ tập trung hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện, cấp huyện trực tiếp chỉ đạo, cấp xã trực tiếp thực hiện, thôn, bản đồng lòng, người dân là chủ thể, tích cực sản xuất, chủ động vươn lên. Đề án cũng dành mức đầu tư vượt trội với trên 2.400 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020, cao hơn 7 lần so với mức bình quân của Trung ương. Hàng loạt công trình hạ tầng thiết yếu đã hoàn thành, nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được triển khai, người dân từng bước thoát nghèo.
Đến hết năm 2019, Quảng Ninh đã hoàn thành mục tiêu là tất cả các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK; hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 về đích trước 1 năm so với kế hoạch đề ra. Niềm vui còn nhân đôi khi nhiều xã còn về đích xây dựng NTM.
Luôn kiên trì với mục tiêu mỗi người dân đều được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, thu hẹp khoảng cách chênh lệch vùng miền, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư cho người dân vùng miền núi, biên giới, hải đảo. Ngày 17/5/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng-an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Nhằm đưa nghị quyết vào cuộc sống, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 16/2021/NQ-HĐND phê duyệt chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với tổng mức dự kiến đầu tư 4.000 tỷ đồng.
Trên cơ sở đó, tỉnh đã ưu tiên nguồn lực, tập trung hoàn thiện tổng thể kết cấu hạ tầng giao thông các địa phương: Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ, Hạ Long với gần 20 công trình động lực như: Đường nối từ trung tâm xã Đại Dực sang trung tâm xã Đại Thành ở huyện Tiên Yên; cải tạo nâng cấp tỉnh lộ 342, đường nối trung tâm TP Hạ Long với các xã Đồng Lâm, Đồng Sơn... Ngân sách tỉnh tiếp tục hỗ trợ đóng 100% BHYT cho đồng bào vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo từ 1/8/2021 đến hết năm 2025. Theo đó, toàn tỉnh có 71.812 người thuộc đối tượng được cấp 100% thẻ BHYT. Điều này không chỉ góp phần bao phủ BHYT, mà còn nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe người dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Từ năm 2021 đến nay, tỉnh bố trí 240 tỷ đồng từ ngân sách ủy thác cho Ngân hàng CSXH Chi nhánh Quảng Ninh thực hiện cho vay tại 67 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Qua đó, toàn tỉnh đã có 3.475 lượt người dân tại các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo vay vốn với số tiền 258,5 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập.
Niềm hạnh phúc của những người dân nông thôn đã và đang là thước đo rõ nét nhất cho sự thay đổi của nông thôn Quảng Ninh hôm nay, từ đó, góp phần quan trọng cho sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()