Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 10:03 (GMT +7)
Kiên trì sắp xếp bộ máy, biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động
Thứ 2, 21/03/2022 | 08:29:48 [GMT +7] A A
Với quan điểm kiên quyết, kiên trì thực hiện các nghị quyết của BCH Trung ương Đảng về công tác tổ chức, cán bộ, nhất là các Nghị quyết số 18-NQ/TW, số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII và chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, Quảng Ninh tiếp tục tập trung chỉ đạo, đề ra các mục tiêu, nội dung nhiệm vụ, giải pháp để triển khai sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giai đoạn hiện nay.
Nhiệm vụ xuyên suốt
Một thập kỷ thực hiện đổi mới hoạt động hệ thống chính trị toàn diện gắn với tái cấu trúc bộ máy, Quảng Ninh đạt được ở cả 3 mục tiêu: Xây dựng chỉnh đốn Đảng; tinh gọn tổ chức, bộ máy hiệu lực, hiệu quả; xây dựng, quản lý đội ngũ CBCC theo hướng tinh giản. Từ thực tiễn ở Quảng Ninh và các địa phương khác, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã xem xét, ghi nhận, bổ sung khi ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW (ngày 25/10/2017) "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
Trên cơ sở các quy định của trung ương, trên nền tảng đổi mới, đột phá thành công, Quảng Ninh tiếp tục thực hiện đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị giai đoạn 2020-2025 với những mục tiêu cao hơn, đổi mới đồng bộ hơn, toàn diện hơn.
Theo đó, trên cơ sở bám sát các chỉ đạo của trung ương, tỉnh thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy tinh gọn, gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC. Đến nay đã thực hiện tinh giản biên chế sớm so với toàn quốc 4 năm và giảm liên tục trong gần 10 năm qua từ khi tỉnh thực hiện Đề án 25. Từ năm 2015 đến nay, Quảng Ninh đã thực hiện giảm 19,13% công chức, 8,52% người làm việc,10,51% CBCC cấp xã, 39,18% người hoạt động không chuyên trách cấp xã, 33,33% người hoạt động không chuyên trách ở thôn (bản, khu phố), 18% đầu mối cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp và hoàn thành mục tiêu giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập trước 1 năm so với chỉ đạo chung của trung ương. So với cả nước, chưa có một tỉnh nào giảm sâu về công chức ở cấp xã như Quảng Ninh. Qua đó đã phát huy kết quả rất lớn trong phát triển KT-XH của tỉnh, khi quy mô kinh tế tăng gấp đôi, thu ngân sách năm sau tăng hơn năm trước, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp đôi so với bình quân cả nước, thu hút đầu tư ngày một tăng.
Tỉnh chủ động, kịp thời vận dụng sáng tạo các chủ trương, nghị quyết của Đảng vào điều kiện, hoàn cảnh thực tế ở địa phương, thông qua nâng cao chất lượng ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển đúng đắn của cấp ủy theo hướng thiết thực, ngắn gọn, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng khâu lãnh đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, sơ kết, tổng kết. Lựa chọn các vấn đề bức xúc, nổi cộm hoặc hạn chế, yếu kém ở địa phương, cơ quan, đơn vị để tập trung giải quyết theo phương châm “3 rõ” (rõ việc, rõ người chịu trách nhiệm, rõ thời gian hoàn thành). Tăng cường phân cấp, phân quyền, ủy quyền và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành gắn với ràng buộc trách nhiệm, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Hoàn thiện quy chế, quy định, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân.
Đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đảm bảo khoa học, dân chủ, gần dân, sát dân, vì dân; bám sát thực tiễn, nói đi đôi với làm và làm đến cùng, dứt điểm; có quyết tâm cao, hành động quyết liệt, hiệu quả, không bảo thủ, trì trệ, chống bệnh hình thức và chủ nghĩa thành tích. Đẩy mạnh ứng dụng đồng bộ CNTT trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng từ tỉnh đến cơ sở. Thực hiện mở rộng dân chủ gắn với kỷ cương, pháp luật.
Sự đổi mới, quyết liệt đó đã trở thành động lực, là nhân tố quan trọng giúp Quảng Ninh đạt được những kết quả nổi bật, quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng các cấp; trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc. Cùng với đó, khả năng quản trị, ứng phó với các tình huống nảy sinh của tỉnh được nâng lên rõ rệt, thể hiện rõ nhất là đã khống chế được dịch Covid-19 bùng phát trong hơn 2 năm qua; lãnh đạo tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp phù hợp theo từng thời điểm, giữ vững địa bàn an toàn, giảm bớt thiệt hại cho nhân dân, điều hành phát triển kinh tế - xã hội vượt qua khó khăn.
Những kết quả này vừa là cơ sở, nền tảng vững chắc để tỉnh tiếp tục thực hiện các mục tiêu đổi mới cao hơn, toàn diện hơn, vừa là thách thức rất lớn cho giai đoạn mới. Nhất là đối với công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị khi cả nước nhìn về Quảng Ninh luôn là một tỉnh đi đầu trong thực hiện những mô hình đổi mới, đột phá. Vì vậy, tỉnh đã rất trăn trở, vận dụng những chủ trương của Đảng vào thực tiễn vận động của địa phương để tìm tòi, xây dựng các mô hình thí điểm, phát huy các mô hình đã có, góp phần đóng góp cho Đảng trong nghiên cứu đổi mới cả về lý luận, ban hành các nghị quyết để nâng tầm năng lực lãnh đạo trong bối cảnh đổi mới của đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Tập trung cho những mục tiêu cao hơn
Cải cách, đột phá luôn là cái mới, chưa có tiền lệ, khuôn mẫu và còn có nhiều ý kiến khác nhau, nhiều khó khăn nảy sinh. Vì vậy, trên cơ sở những kinh nghiệm đã có và nghiên cứu, tìm tòi, Quảng Ninh tiếp tục bám sát và triển khai các chủ trương của trung ương về cơ cấu lại bộ máy, thực hiện tinh giản biên chế giai đoạn tới.
Cụ thể, tỉnh tiếp tục thực hiện các Nghị quyết số 18-NQ/TW, số 19-NQ/TW gắn với thực hiện Đề án 25, nâng lên ở tầm mới, chú trọng chiều sâu và chất lượng, hiệu quả. Trong đó sẽ quản lý thống nhất về biên chế theo hướng khoán tổng biên chế theo địa phương để tạo điều kiện chủ động điều chuyển biên chế giữa các khối, các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm không phát sinh vượt tổng biên chế được giao. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi mô hình hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập và tăng quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp... Ổn định, phát huy hiệu quả hoạt động của các cơ quan hợp nhất, cơ quan Khối, Trung tâm Truyền thông tỉnh; tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong của các tổ chức. Cụ thể, thực hiện tinh giản 10% số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước (khoảng 2.450 người); sáp nhập 10% đơn vị sự nghiệp công lập (gần 80 đơn vị); nâng cao năng lực tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2022-2025, chuyển từ sử dụng số lượng người làm việc hưởng lương ngân sách, chuyển sang sử dụng một phần số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp theo quy định...
Để thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế trong giai đoạn 2022-2025 theo chỉ đạo của trung ương, bám sát chỉ đạo của tỉnh, Sở Nội vụ đã xây dựng kế hoạch và dự kiến ở những đơn vị sự nghiệp khác (ngoài y tế, giáo dục) sẽ giảm 181 người (chiếm trên 13%); đối với đơn vị giáo dục, hiện chiếm tỷ trọng lớn, đề xuất giảm 2.000 trường hợp do 10 năm qua, ngành Giáo dục gần như chưa giảm trường hợp nào. Với tuyến y tế dự phòng, đề xuất thời gian tới không giảm để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và nâng cao năng lực y tế cơ sở. Tuyến y tế điều trị, đề xuất giảm trên 130 người (chiếm 7,4%). Tuy nhiên, việc giảm biên chế không phải cắt biên chế, cắt người làm việc, mà chuyển việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước sang hưởng lương từ đơn vị tự chủ. Đặc biệt, đối với chủ trương thực hiện tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục, tỉnh không thực hiện cào bằng tinh giản biên chế, không cắt giảm cơ học, mà phải xuất phát từ tình hình thực tiễn của từng địa phương, đặc thù vùng miền, gắn với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tỉnh rà soát, bổ sung chỉ tiêu, nhiệm vụ của từng năm và cả lộ trình từ nay đến năm 2030 để tập trung lãnh đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra. Nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC gắn với rà soát, bổ sung, hoàn thiện đề án vị trí việc làm trong từng cơ quan, đơn vị; khắc phục bất cập trong cơ cấu đội ngũ CBCCVC theo hướng giảm tỷ lệ nhóm lãnh đạo, quản lý và phục vụ, tăng tỷ lệ nhóm chuyên môn, nghiệp vụ. Đánh giá nghiêm túc việc thực hiện các mô hình thí điểm về tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh. Tập trung giải quyết những vấn đề tồn đọng, vướng mắc sau sáp nhập tổ chức bộ máy, nhất là sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã; kịp thời bố trí và giải quyết chế độ chính sách cho CBCCVC, người lao động dôi dư sau sắp xếp; có phương án giải quyết kịp thời cơ sở vật chất sau sắp xếp còn dư thừa, tránh thất thoát, lãng phí.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức do dịch Covid-19, song công tác sắp xếp, tinh giản tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vẫn luôn được tỉnh quan tâm triển khai, đạt được những thành tích rất đáng mừng. Thời gian tới, với sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và hệ thống chính trị, sự đồng thuận của CBCCVC và nhân dân, việc đẩy mạnh tinh giản biên chế, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh sẽ đạt nhiều quả tốt hơn nữa, góp phần đưa Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững như mục tiêu Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh đề ra.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()