Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 23:23 (GMT +7)
Kinh nghiệm từ xây dựng NTM nâng cao
Thứ 4, 19/05/2021 | 06:30:35 [GMT +7] A A
Quảng Ninh hiện có 91/98 xã (92,85%) đạt chuẩn NTM. Trong đó có 35 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 12 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Để đạt chuẩn NTM nâng cao, các địa phương đã nỗ lực, triển khai nhiều biện pháp nhằm khắc phục các tiêu chí còn thiếu. Đây được coi là kinh nghiệm quý báu cho các địa phương khác học tập.
Kết thúc năm 2020, Đông Triều hoàn thành mục tiêu 15/15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đây là một trong những địa phương điển hình với nhiều kinh nghiệm phong phú. Ông Đặng Đình Thắng, Trưởng phòng Kinh tế TX Đông Triều, cho biết: Quá trình thực hiện chương trình triển khai xây dựng NTM nâng cao, địa phương đã chủ động đảm bảo phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian theo hướng “cầm tay, chỉ việc"; phát huy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Thị xã xác định xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo hướng “từ nhà ra ngõ, từ thôn đến xã”; lấy xã, thôn, khu dân cư, từng hộ gia đình làm trọng tâm trong chỉ đạo xây dựng NTM. Người đứng đầu cấp ủy và chính quyền phải bám vào mục tiêu nhiệm vụ, trực tiếp chỉ đạo việc triển khai thực hiện chương trình từng tháng, quý, gắn với kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm và động viên, khen thưởng kịp thời. Đặc biệt, thành công của thị xã chính là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp. Người dân đã trở thành nhân tố chính, chủ thể xuyên suốt trong các hoạt động xây dựng NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu.
Tiêu biểu như ở xã Bình Dương, Đảng ủy và chính quyền đã triển khai thực hiện nhiệm vụ, thu hút đông đảo nhân dân cùng tham gia trên cơ sở nhận thức rõ quyền lợi, trách nhiệm của mình. Trong đó, triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp xã Bình Dương, giai đoạn 2016-2020, hình thành 3 vùng sản xuất tập trung, cánh đồng mẫu lớn để sản xuất giống lúa chất lượng cao.
Nhờ công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ được đẩy mạnh mà đông đảo các hộ nông dân đồng tình, hưởng ứng. Giống lúa chất lượng cao đã chiếm 95% diện tích đất canh tác, xây dựng thương hiệu khoai tây Atlantic. Qua đó, đẩy mạnh hoạt động sản xuất tập trung, áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất. Từ đó, mức thu nhập bình quân của người dân từ 24,8 triệu đồng/người (năm 2014) đã tăng lên 58 triệu đồng/người (năm 2020). Đời sống của người dân ngày càng được đảm bảo và phát triển ổn định.
Với phương châm lấy người dân là chủ thể, nhiều địa phương đã chủ động định hướng nâng cao mức sống cho nhân dân thông qua các hoạt động sản xuất. Tại xã Thượng Yên Công (TP Uông Bí), chính quyền đã tập trung phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, quy hoạch các vùng sản xuất tập trung. Hiện trên địa bàn xã có 35ha cây thanh long ruột đỏ, 3,5ha cây mai vàng, 11ha cây mơ lông, 2,5ha rau an toàn. Xã đã hỗ trợ 100% giống cây ăn quả cho 36 hộ dân chuyển đổi 8ha trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, trị giá gần 200 triệu đồng. Cùng với đó, thực hiện các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến nông sản, mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đã tăng từ 20,8 triệu đồng/người (năm 2015) lên 50 triệu đồng/người (năm 2020).
Còn với những tiêu chí khó như đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn, cũng được các địa phương thực hiện quyết liệt. Tại xã Cẩm Hải (TP Cẩm Phả), bên cạnh việc tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, xã duy trì hoạt động của 5 tổ thu gom rác thải tại các thôn, đảm bảo 100% lượng rác trên địa bàn được thu gom, vận chuyển, xử lý đúng quy định, không để tình trạng ùn ứ rác. Đặc biệt, Hội LHPN xã đã triển khai mô hình phân loại xử lý rác tại nguồn. Hằng tuần, các đoàn thể chính trị - xã hội tích cực tham gia "Ngày Chủ nhật xanh" thực hiện quét dọn, chăm sóc, trồng cây có hoa 2 bên đường trục chính, đường liên thôn và trong khu dân cư. Đến nay, các tiêu chí về môi trường của xã đều đảm bảo theo quy định. Bộ mặt nông thôn ở Cẩm Hải đang thay đổi rõ nét, khang trang, văn minh.
Trong năm 2021, Quảng Ninh đặt mục tiêu sẽ có thêm ít nhất 6 xã đạt chuẩn NTM, 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, nâng tổng số thành 97/98 xã đạt chuẩn NTM. Từ đầu năm đến nay, Hội đồng Thẩm định NTM cấp tỉnh đã thẩm định, xét công nhận cho 23 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, vượt chỉ tiêu đề ra.
Theo ông Vũ Thành Long, Trưởng ban Xây dựng NTM tỉnh, quá trình xây dựng NTM đã dần hoàn thành, các địa phương đang tích cực triển khai xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Xác định đây là hành trình không có điểm dừng, các địa phương cần chủ động tiếp tục đánh giá lại tất cả chỉ tiêu, nhất là chỉ tiêu chưa đạt để đưa ra giải pháp, lộ trình thực hiện.
Đồng thời, tiếp tục đầu tư nguồn lực chỉnh trang đô thị, nâng cấp, cải tạo các tuyến đường; xây dựng mô hình thu gom rác thải trong khu dân cư, xử lý ô nhiễm môi trường chuồng trại, vận động nhân dân sử dụng nước sạch. Đặc biệt, cần tập trung phát triển các sản phẩm OCOP, thành lập HTX, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, nâng cao năng suất, cải thiện đời sống cho nhân dân. Cùng với đó, phát huy vai trò của người dân cùng sự chung tay của các cấp, các ngành hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo mọi nguồn lực triển khai thực hiện đúng theo lộ trình xây dựng NTM, đảm bảo chất lượng và hiệu quả.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()