Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:15 (GMT +7)
Kinh tế có xu hướng phục hồi, tăng trưởng nhanh trở lại
Thứ 2, 14/03/2022 | 08:33:21 [GMT +7] A A
Kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế đang được củng cố bằng những điểm sáng về tăng trưởng sản xuất công nghiệp, giải ngân vốn đầu tư công, hoạt động thương mại quốc tế, thu hút vốn đầu tư... đồng loạt diễn ra từ đầu năm 2022.
Cùng với việc thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đang được các bộ, ngành, địa phương triển khai trong cả nước với tinh thần khẩn trương và quyết tâm cao nhất, đáp ứng mong mỏi, kỳ vọng của xã hội, người dân, doanh nghiệp. Nhờ đó, tình hình kinh tế hai tháng đầu năm tiếp tục có những chuyển biến tích cực.
Các động lực tăng trưởng phục hồi
Một trong những điểm sáng của bức tranh kinh tế là sự chuyển động mạnh mẽ của hoạt động đầu tư công. Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho biết, giải ngân vốn đầu tư công hai tháng đầu năm 2022 đạt 8,61% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, là mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây, thể hiện nỗ lực, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương trong nhiệm vụ giải ngân vốn ngay từ đầu năm. Bên cạnh vốn đầu tư công trung hạn, ngân sách còn dành nguồn lực lên đến gần 114 nghìn tỷ đồng bổ sung cho đầu tư công trong hai năm 2022-2023, nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế-xã hội.
Hiện đã có 20 bộ, ngành, địa phương có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Ðầu tư về nhiệm vụ, dự án và phương án phân bổ vốn đầu tư thuộc Chương trình với tổng số vốn 121.820 tỷ đồng cho 120 nhiệm vụ, dự án. Có 47 bộ, ngành, địa phương báo cáo đề xuất bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư công năm 2022 cho các dự án đã được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với tổng số vốn hơn 22.435 tỷ đồng, nếu tính cả số vốn của các dự án thuộc Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội là hơn 39.264 tỷ đồng. Theo Thứ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Trần Quốc Phương, dự kiến đến tháng 4, tháng 5 có thể triển khai được gói đầu tư.
Hoạt động sản xuất công nghiệp cũng phục hồi tại hầu hết các địa phương. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 2 tăng 8,5% so cùng kỳ, riêng ngành chế biến, chế tạo-động lực dẫn dắt của nền kinh tế tăng 10%. Ðây là mức phục hồi ấn tượng vì cùng kỳ năm 2021, chỉ số IIP và chỉ số sản xuất của công nghiệp chế biến, chế tạo đều giảm 7,2% và 5,8%.
Tình hình doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực khi số doanh nghiệp quay lại hoạt động tăng ở mức ba con số. Doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng 11,9%, cho thấy niềm tin của cộng đồng sản xuất, kinh doanh vào môi trường đầu tư và sức sống mãnh liệt của khu vực này trong điều kiện thị trường rất khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục khởi sắc với nhiều dự án mới và dự án tăng vốn, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài đối với sự phục hồi, ổn định của nền kinh tế trong trung và dài hạn. Thu ngân sách tăng khá trong bối cảnh tiếp tục triển khai nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp.
Xuất hiện những thách thức mới
Nhưng đà phục hồi kinh tế Việt Nam nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung có nguy cơ bị kéo lùi vì những biến số mới về tình hình kinh tế, chính trị thế giới. Cuộc xung đột Nga-Ukraine tuy chỉ tác động gián tiếp đến kinh tế Việt Nam do hoạt động thương mại, đầu tư của Việt Nam với Nga và Ukraine không quá lớn, song lại có những ảnh hưởng đáng quan ngại.
Cụ thể, biến động của giá dầu đã đẩy giá bán lẻ xăng dầu trong nước lên mức cao nhất trong vòng 8 năm qua, gây áp lực lớn cho lạm phát. Một số tổ chức nghiên cứu trong nước đã đưa ra kịch bản dự báo lạm phát cả năm 2022 có thể vượt mức 4% và tăng trưởng thấp hơn mục tiêu, nếu giá dầu thế giới không hạ nhiệt. TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chỉ ra một số nguyên nhân khiến lạm phát tăng cao. Ðó là, tổng cầu tăng đột biến do kinh tế bắt đầu có đà phục hồi, kết hợp với tác động của việc triển khai Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội có mức độ giải ngân khoảng 50% nguồn lực từ gói hỗ trợ gần 350 nghìn tỷ đồng trong năm 2022.
Bên cạnh đó là ảnh hưởng từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế; nguy cơ nhập khẩu lạm phát do nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Theo TS Nguyễn Bích Lâm, nếu lạm phát tăng cao sẽ tác động rất lớn tới nền kinh tế, tạo ra mặt bằng giá mới. Khi đó, các quyết định về đầu tư, kinh doanh đều tính toán trên mặt bằng giá mới, khiến chi phí đầu vào cao hơn, thu nhập thực tế của người dân bị giảm, từ đó làm giảm sức chi tiêu và giảm tổng cầu, tác động rất mạnh đến nền kinh tế.
Tại diễn đàn Kiểm soát lạm phát-Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế diễn ra mới đây, ông Nguyễn Xuân Ðịnh, Phó Trưởng phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, không thể chủ quan trước diễn biến lạm phát vì từ đầu năm đến nay có những yếu tố không thể đoán định. Rủi ro lớn nhất là giá xăng dầu, bên cạnh đó là giá các mặt hàng nguyên liệu thành phẩm cũng tăng mạnh, ảnh hưởng đến các lĩnh vực kinh tế và đời sống. Trước diễn biến này, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng kịch bản điều hành giá, trong đó sẽ có những kịch bản lạm phát ở mức hơn 4%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao là kiềm chế lạm phát ở mức khoảng 4%. Vì vậy, công tác điều hành giá được triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm.
Tính đến hết tháng 2/2022, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,68% so cùng kỳ năm 2021; lạm phát cơ bản tăng 0,67%. Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát hai tháng đầu năm vẫn đang được kiểm soát ở mức phù hợp. Tuy nhiên, công tác điều hành giá những tháng tiếp theo cần theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu thế giới và trong nước; có các giải pháp bảo đảm cung cầu xăng dầu trong nước và hạn chế mức tăng giá. Ðồng thời có phương án, giải pháp cung cấp, cân đối hàng hóa thiết yếu trên thị trường trong điều kiện các nguồn cung truyền thống có thể bị suy giảm.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()