Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 01/01/2025 08:08 (GMT +7)
Kinh tế di sản - Động lực tăng trưởng mới
Chủ nhật, 29/12/2024 | 13:27:37 [GMT +7] A A
Với kho tàng di sản văn hoá phong phú, đa dạng, Quảng Ninh có nhiều điều kiện phát triển các ngành kinh tế dựa trên vốn văn hoá quý báu của cha ông để lại.
Kinh tế di sản là một lĩnh vực kinh tế đặc biệt, dựa trên các giá trị của di sản văn hóa để phát triển kinh tế. Đây là xu hướng phát triển được nhiều quốc gia trên thế giới và một số địa phương trong nước quan tâm.
Quảng Ninh là miền đất có kho tàng di sản văn hóa đa dạng, phong phú và đặc sắc với 630 di tích, trong đó có 8 di tích quốc gia đặc biệt (đứng thứ hai cả nước, chỉ sau Thủ đô Hà Nội), 56 di tích cấp quốc gia, 101 di tích cấp tỉnh và hơn 400 di tích đã được kiểm kê; 362 di sản văn hóa phi vật thể (trong đó có 15 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia). Nổi bật hơn cả, Quảng Ninh là tỉnh sở hữu di sản thiên nhiên tầm cỡ hàng đầu thế giới đó là di sản Vịnh Hạ Long đã được UNESCO vinh danh và hiện nay đang đề cử UNESCO công nhận thêm 1 di sản văn hóa thế giới là Quần thể Di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc, trong đó có nhiều hợp phần di tích quan trọng nằm trên địa bàn tỉnh.
Văn hoá Quảng Ninh là sự thống nhất trong đa dạng, hình thành từ sự kết hợp của văn hoá biển, văn hoá công nhân mỏ và văn hoá đồng bào các dân tộc thiểu số, thể hiện bản sắc văn hóa Việt Nam vùng Đông Bắc của Tổ quốc nhưng đậm đà nhất là các nét văn hóa truyền thống của cư dân pha trộn từ nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng. Di sản đã góp phần làm nên thương hiệu của tỉnh Quảng Ninh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Tại Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh” do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức sáng 21/12, đã có nhiều chuyên gia, nhà khoa học đưa ra những ý kiến tham luận bổ ích nhằm phát triển kinh tế di sản ở Quảng Ninh.
PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, cho rằng, trên cơ sở xác định rõ lợi thế so sánh, Quảng Ninh đã và đang có nhiều nỗ lực giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hoá đối với phát triển kinh tế, bảo đảm hài hoà, hợp lý giữa bảo tồn di sản văn hoá với yêu cầu phát triển kinh tế. Quảng Ninh muốn phát triển đi lên không thể không giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị quý giá của các di sản văn hoá. Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng, sự chủ động linh hoạt vận dụng các nguyên tắc khoa học để lựa chọn phương án bảo tồn tối ưu, làm sao cho vừa khai thác được tiềm năng của kinh tế di sản, vừa giữ gìn được các giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, nghệ thuật đảm bảo sự phát triển bền vững của di sản.
Ở khu vực phía Bắc, Quảng Ninh là một trong những địa phương đã đi đầu trong phát triển các ngành du lịch, dịch vụ dựa vào khai thác giá trị tài nguyên văn hoá. Bên cạnh khai thác tài nguyên du lịch thiên nhiên; việc đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích từ nguồn ngân sách nhà nước kết hợp nguồn lực xã hội cho các di tích lịch sử, văn hóa cũng đã góp phần quan trọng tạo ra các điểm, tuyến du lịch mới hấp dẫn tại các địa phương như: Đông Triều, Quảng Yên, Uông Bí, Hạ Long, Móng Cái... Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) đã góp phần hình thành trên 500 sản phẩm, trong đó có 393 sản phẩm đạt từ 3-5 sao, được đưa lên các sàn thương mại điện tử... phục vụ nhu cầu của khách du lịch.
Tuy nhiên, theo GS.TS. Nguyễn Trọng Chuẩn, Phó Chủ tịch Hội Triết học Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh có hệ thống di sản văn hoá vô cùng quý giá, là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế di sản của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Trong quá trình phát triển đó, tỉnh Quảng Ninh cần vượt qua nhiều thách thức, khó khăn, giải quyết được một số mâu thuẫn nảy sinh trong thực tiễn.
Còn theo GS.TS. Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật trung ương, đào tạo những người làm hướng dẫn viên du lịch trực tiếp tham gia vào hoạt động quảng bá kinh tế du lịch ngay trong lực lượng thanh niên ở Quảng Ninh cũng là hướng đi có hiệu quả để xác định vai trò chủ thể của người dân vào phát triển kinh tế di sản. Sản phẩm du lịch là một trong những nét hấp dẫn của kinh tế di sản. Sự hấp dẫn ấy trước hết là tính độc đáo, bản sắc riêng có của các sản phẩm đó của một vùng quê. Quảng Ninh có vô vàn những loại sản phẩm như vậy, của biển, của than đá, của các dân tộc, của lịch sử... Thời gian qua, Quảng Ninh đã chú ý khai thác các tiềm năng đó và xuất hiện một số sản phẩm du lịch "rất Quảng Ninh".
Khai thác kinh tế di sản chính là cơ hội để Quảng Ninh chuyển hóa nguồn lực tài nguyên di sản thành động lực cho sự phát triển. Nếu có hướng đi và giải pháp đúng đắn sẽ giúp cho Quảng Ninh tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu, duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững, để kinh tế di sản trở thành một nền kinh tế sáng tạo, góp phần cùng cả nước đưa các giá trị tinh hoa văn hóa Việt Nam lên một tầm cao mới, sánh vai với các nền văn minh nhân loại trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Phạm Học
- Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản của TP Hạ Long trong kỷ nguyên mới
- Hội thảo khoa học cấp quốc gia về Kinh tế di sản của Quảng Ninh
- Để kinh tế di sản phát huy hiệu quả bền vững
- Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của Quảng Ninh”
- Kinh tế di sản - Một động lực tăng trưởng mới vì sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh Quảng Ninh trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Tạo động lực phát triển mới từ kinh tế di sản
- Quảng Ninh - Động lực phát triển mới từ kinh tế di sản
- Hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế di sản tỉnh Quảng Ninh
- Phát triển kinh tế di sản
Liên kết website
Ý kiến ()